Văn hóa - Nghệ thuật
Đờn ca tài tử phục vụ du lịch: Còn đó những băn khoăn!
Bấy lâu nay, chúng ta hay nhắc đến nhiệm vụ làm du lịch của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT), nói chính xác hơn, đó là đề cập đến trọng trách của người chơi ĐCTT trong việc lấy bộ môn nghệ thuật “vua” của Nam bộ giới thiệu, quảng bá cái hay, cái đẹp của mình thông qua hình thức “làm du lịch”. Nhưng thực tế, ĐCTT vẫn còn gặp những lúng túng trên con đường làm du lịch, và còn đó những băn khoăn…
Người viết bài này đã có đôi lần được bè bạn ngoài tỉnh nhờ tư vấn tìm một đội hình chuyên về ĐCTT để phục vụ nhóm du khách, có lần là để phục vụ buổi họp mặt khá lớn. Thế nhưng, lần nào cũng không đạt kết quả như mong đợi! Lần thì do anh em trong nhóm ĐCTT có việc bận không tập hợp được, lần khác thì do không thống nhất được về mặt… giá cả. Bạc Liêu có những đội hình chuyên phục vụ du lịch tại các điểm du lịch, thế nhưng muốn tìm một đội hình để phục vụ du khách không phải ở những điểm du lịch lại gặp khó, không thống nhất được giá cả để “có với nhau” một bữa tiệc âm nhạc Nam bộ đặc sắc đã được UNESCO suy tôn là di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại (ở đây sự “chào giá”, “mặc cả” từ phía người biểu diễn lẫn người thưởng thức, thiết nghĩ vô tình đã hạ thấp giá trị của một loại hình nghệ thuật), trong khi tỉnh là một trong những “chiếc nôi” của ĐCTT. Đây là điều thật sự đáng băn khoăn.
Biểu diễn đờn ca tài tử tại khu nhà vườn Chí Tôn (huyện Hòa Bình). Ảnh: C.T
Tôi rất tán thành với quan điểm: “ĐCTT phục vụ du lịch đã làm được một sứ mệnh vô cùng cao cả là mang tiếng đờn, lời ca chất chứa cả hồn dân tộc giới thiệu khắp thế giới, bắt bè bạn năm châu phải rung động theo nhịp rung động của tự tình dân tộc Việt Nam. Các nghệ nhân tài tử phục vụ du lịch, chính là những người chiến sĩ bảo vệ và truyền bá tinh hoa văn hóa dân tộc của chúng ta một cách tích cực”. Nhưng, xin lưu ý thêm: chỉ “làm được” khi ĐCTT phục vụ du lịch đúng cách, đúng bài bản!
Chưa nói đến việc đưa nghệ thuật ĐCTT đi xa (phục vụ du khách nước ngoài), mà chỉ phục vụ du khách Việt Nam thôi, muốn có một buổi biểu diễn tạo được ấn tượng, thì việc chọn lọc bài bản, cấu trúc một chương trình phải được thiết kế chỉn chu. Các đội ĐCTT chuyên nên biểu diễn trước một chương trình có chủ đề, dàn dựng chu đáo để du khách được thưởng thức một chương trình nghệ thuật nghiêm túc, chất lượng. Sau đó, có thể ca thêm theo yêu cầu của khách. Tránh trường hợp chỉ biết chìu theo ý khách, gác bỏ hết chương trình chủ lực mà mình đã chuẩn bị, vì làm như vậy chương trình biểu diễn sẽ nghèo nàn, chắp vá, không tạo được cảm xúc, ấn tượng và không truyền đạt được những nội dung mà mình muốn gửi gắm. Nội dung nên đi vào các chủ đề như: ca ngợi quê hương, đất nước, giới thiệu thật sinh động về đất và người Bạc Liêu - vì tâm lý du khách khi đặt chân đến một vùng đất mới thì luôn muốn tìm hiều về nơi đó. Ở đây vấn đề không chỉ là biểu diễn, mà còn là những bài bản mới được sáng tác kịp thời, có dấu ấn riêng của vùng đất bản địa. Những bản Tổ nếu cứ lặp đi lặp lại trên ca từ cũ thì đến đâu du khách cũng được nghe, không nhất thiết phải đến Bạc Liêu! Một điều nữa là, du khách ghé một điểm đến thường không lâu, cho nên phải thiết kế chương trình phục vụ tránh những bài bản quá dài; thêm nữa, họ đang trên một chặng hành trình dài thường rất mệt mỏi nên cần giây phút thư giãn, vì vậy bài bản phục vụ cũng phải vui tươi, nhẹ nhàng, tránh những bản buồn não, thê lương hoặc xung đột, cao trào…
Du lịch cả khu vực ĐBSCL, đi đến tỉnh nào cũng nghe có ĐCTT. Thế thì không cần phải tìm ĐCTT đâu xa, chỉ cần đến bất kỳ một tỉnh ĐBSCL là cũng có thể tìm hiểu về ĐCTT. Vậy thì mỗi tỉnh phải tìm thế mạnh, sự riêng biệt của mình để quảng bá về ĐCTT nếu không muốn lặp lại sự na ná không gây ấn tượng!
Sự "chào giá" từ phía người phục vụ lẫn sự "mặc cả" của người được phục vụ - đối với bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào, không riêng ĐCTT - là điều rất không nên để xảy ra! Thưởng thức nghệ thuật là một nét đẹp thuộc về văn hóa, cốt cách, chứ không phải là chuyện mua - bán, đổi chác một món hàng tầm thường có thể cân - đong - đo - đếm bằng tiền, nên trong “giao dịch” đối với một loại hình nghệ thuật như ĐCTT, chúng ta đừng để giá trị đồng tiền lấn lướt! Người nghệ nhân, nghệ sĩ phải biết mình đang nắm giữ sứ mệnh hết sức thiêng liêng - trao truyền một loại hình di sản văn hóa độc đáo, thế nhưng nói đi phải nói lại, có “thực mới vực được đạo”, người nghệ nhân, nghệ sĩ cũng cần phải được đền đáp bằng những chế độ bồi dưỡng hợp lý, bù đắp công lao động nghệ thuật của họ.
Phục vụ du lịch luôn là một chủ trương đúng để phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Thế nhưng, phục vụ như thế nào để ĐCTT giữ nguyên bản chất mà ngày càng tỏa sáng là vấn đề mà ngành chức năng và chính những người đem ĐCTT giới thiệu với mọi người, phải còn đắn đo, suy tính nữa...
Cẩm Thúy
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam