Văn hóa - Nghệ thuật
Đổi mới công tác bảo vệ, phát huy giá trị hiện vật: Việc làm cần thiết
Diện tích phòng trưng bày nhỏ hẹp; cách thức trưng bày theo lối truyền thống; kinh phí phục vụ công tác sưu tầm chưa đáp ứng; kỹ thuật bảo quản hiện vật còn đơn giản… là những khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác bảo tàng hiện nay. Chính vì vậy, đổi mới phương pháp bảo vệ, phát huy giá trị hiện vật là việc làm hết sức cần thiết và cấp thiết trong xu thế ứng dụng công nghệ số để lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của hiện vật đến với công chúng.
Đơn vị tư vấn trình bày phương án số hóa 3D Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H.T
“NẰM CHỜ” KHÁCH THAM QUAN
Tại Bảo tàng tỉnh, 5 căn phòng phục vụ trưng bày chỉ có khoảng 350m2, thuộc diện tiểu bảo tàng. Đó là các phòng trưng bày, giới thiệu về lịch sử cách mạng tỉnh, đặc trưng văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trên đất Bạc Liêu và phòng đặt mô hình di tích khảo cổ Vĩnh Hưng thuộc nền văn hóa Óc Eo. Hiện, bảo tàng đang quản lý hơn 6.000 hiện vật gốc thể khối và hàng ngàn hình ảnh, tư liệu khác. Do đó, công tác trưng bày, quảng bá hiện vật của đơn vị gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất không đáp ứng.
Mỗi năm, Bảo tàng tỉnh đón nhiều đoàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa tỉnh nhà nhưng hiệu quả hoạt động này chưa cao, vì nội dung trưng bày thiếu tính hệ thống, chưa có chiều sâu. Đặc biệt, đa số khách du lịch không biết đến vị trí Bảo tàng tỉnh, nếu biết thì nhiều người cũng không hứng thú đến đây vì cách thức trưng bày thiếu sinh động. Nghĩa là khách tham quan chỉ có thể tiếp cận hiện vật bằng những góc độ thông thường, không thể tìm chi tiết hoa văn, họa tiết nhỏ cũng từ đó chưa thể hiểu sâu về giá trị hiện vật. Bên cạnh đó, việc trưng bày chủ yếu được thực hiện ngay tại bảo tàng, vì thế hiện vật phải “nằm chờ” khách tham quan.
Ngoài ra, kinh phí cấp cho công tác sưu tầm vẫn còn hạn hẹp. Kỹ thuật bảo quản hiện vật còn áp dụng các phương pháp cũ kỹ như dùng quạt, gạo rang để hút ẩm, chưa có khả năng xử lý hóa chất đối với hiện vật bị gỉ sét.
CHUYỂN MÌNH TRONG THỜI ĐẠI SỐ
Trước dòng chảy hối hả của công nghệ, nhiều bảo tàng đã chuyển mình khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày. Thay vì một không gian khô cứng, đơn điệu thì khách tham quan được khám phá bằng công nghệ thực tế ảo sống động, với những thiết bị hiện đại để có những trải nghiệm hấp dẫn. Đó cũng là yêu cầu đặt ra đối với Bảo tàng tỉnh trước xu thế thời đại, cũng như yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Ông Lê Thanh Tự - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Hiện, Bảo tàng tỉnh đang hỗ trợ nhà thầu trong thực hiện dự án Bảo tàng tổng hợp tỉnh tại khối nhà B, C của Nhà hát Cao Văn Lầu. Trong đó, có việc số hóa 3D các bảo vật quốc gia, hiện vật và tư liệu để khách tham quan có thể tìm hiểu bằng những công cụ khác nhau như: điện thoại thông minh, kính thực tế ảo VR, màn hình tương tác tại nơi trưng bày. Khi đó, mọi người sẽ được khám phá các bảo vật, hiện vật qua mọi góc độ, phóng to để xem rõ từng chi tiết của các hoa văn, ký tự, vết tích trên hiện vật. Với công nghệ số sẽ giúp tăng cường sự trải nghiệm cho người xem, cũng như giúp Bảo tàng tỉnh bảo quản bảo vật quốc gia đúng tiêu chuẩn nhưng vẫn phát huy được giá trị”.
Cũng theo ông Tự, kinh phí thực hiện công tác kiểm kê, sưu tầm hiện vật cũng cần được cấp tương xứng. Bởi, điều này có ý nghĩa quan trọng để sớm phát hiện, có giải pháp bảo vệ những hiện vật có giá trị. Đồng thời, thường xuyên tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý hiện vật để áp dụng kỹ thuật hiện đại nhằm chống xuống cấp cho hiện vật.
Nếu hiện vật chỉ được đặt trong tủ kiếng và với những cách thức trưng bày thông thường, bảo tàng rất khó thu hút người dân, du khách đến khám phá. Chính vì thế, đầu tư đúng mức và đổi mới hoạt động bảo tàng cần được quan tâm nhiều hơn.
HỮU THỌ
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh