Văn hóa - Nghệ thuật
Di tích gắn với sự kiện ngày 23 tháng Tám: Cần được bảo vệ để phát huy giá trị
Trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử ở Bạc Liêu, thiết nghĩ cần có giải pháp bảo vệ khẩn cấp để phát huy giá trị những công trình di tích lịch sử gắn liền với ngày truyền thống cách mạng 23 tháng Tám - ngày giành chính quyền năm 1945 ở Bạc Liêu.
Di tích trụ sở Tỉnh ủy lâm thời xuống cấp rất nghiêm trọng (tọa lạc đối diện Công an TP. Bạc Liêu). Ảnh: C.T
Di tích xuống cấp
Bạc Liêu vẫn còn đó hai công trình tiêu biểu in đậm dấu ấn của những ngày tháng Tám lịch sử. Đó là công trình Tòa bố và Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời năm 1945 (cũng là Trụ sở Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh lúc ấy).
“Hòa cùng khí thế cách mạng cả nước, sáng sớm ngày 23/8/1945, toàn bộ lực lượng cách mạng tập trung vây kín Tòa bố, các thành viên Tỉnh ủy lâm thời, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh Bạc Liêu cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân… có mặt hòa trong biển người để kịp thời đấu tranh giành chính quyền cách mạng”, những dòng lịch sử quen thuộc đó năm nào cũng được nhắc lại nhân kỷ niệm ngày truyền thống cách mạng tỉnh Bạc Liêu, trong khí thế sôi nổi kỷ niệm cách mạng tháng Tám trên khắp đất nước.
Trao truyền kiến thức hiểu biết về lịch sử cho lớp trẻ qua sách vở, bằng các hình thức tuyên truyền là một phần, phần không thể thiếu đó là đưa các em đến những địa chỉ đỏ để tiếp xúc với hiện vật lịch sử, đó mới là cách trao truyền sinh động để các em cảm nhận lịch sử. Bạc Liêu còn đó những di tích lịch sử là địa chỉ đỏ, là di sản quý mà lịch sử để lại. Sẽ là sự lãng phí tài nguyên lịch sử nếu để di tích xuống cấp hay chưa xây dựng những nơi ấy thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và tương lai. “Tòa bố” (hiện là công trình nằm đối diện trụ sở HĐND - UBND TP. Bạc Liêu) được đề cập trên đoạn ghi chép trên hiện tại vẫn chưa là điểm đến cho giới trẻ học sử đã là một thiếu sót!
Thiếu sót lớn hơn, thậm chí là mang tội với lịch sử khi một công trình khác gắn với sự kiện giành chính quyền ở Bạc Liêu đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua mà những người có trách nhiệm lại chưa thể hiện hết trách nhiệm với công trình ý nghĩa này! “14 giờ chiều cùng ngày (ngày 23 tháng Tám), tên Trương Công Thiện mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Tỉnh ủy lâm thời, Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh, hai tay dâng bảng đầu hàng vô điều kiện và bàn giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc Giải phóng tỉnh”. Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời đề cập trong đoạn ghi chép lịch sử trên đây chính là công trình quý giá về ý nghĩa lịch sử nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng!
Cần sự vào cuộc trách nhiệm
Hai công trình lịch sử trên đều do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kiến trúc công sở (Tòa bố) và nhà ở phương Tây (Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời được trưng dụng từ nhà Carie). Nhận thấy ý nghĩa, giá trị của hai công trình trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của địa phương, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lập hồ sơ khoa học và được UBND tỉnh xếp hạng là “di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh” đối với Tòa bố và “di tích lịch sử cấp tỉnh” đối với Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời vào năm 2013. Tuy nhiên, kể từ khi xếp hạng đến nay, hai công trình chưa phát huy giá trị vốn có. Tòa bố hiện nay phải lâm cảnh “cửa đóng then cài”, còn công trình Trụ sở Tỉnh ủy lâm thời thì xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Báo chí phản ánh khá nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn y nguyên tình trạng như… phản ánh!
Để kịp thời bảo tồn, phát huy giá trị hai công trình trên, cần sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm của những đơn vị có thẩm quyền. Được biết, UBND TP. Bạc Liêu đã có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát đánh giá hiện trạng để lập dự án tu bổ, chống xuống cấp di tích; tuy nhiên tiến độ thực hiện vẫn còn rất chậm! Không chỉ khẩn cấp biện pháp chống xuống cấp mà việc làm sau đó là lập kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan (Bảo tàng, Ban Quản lý di tích tỉnh) tổ chức sưu tầm, trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến sự kiện giành chính quyền năm 1945. Đó là những việc làm để tạo thêm nhiều điểm tham quan, về nguồn ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và còn có ý nghĩa phát triển du lịch địa phương.
Nhật Quỳnh