Văn hóa - Nghệ thuật
Đẹp mãi tượng đài trong những bản hùng ca
Tổ quốc Việt Nam luôn đời đời ghi công những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. "Những cái chết hóa thành bất tử" trong lòng người ở lại. Họ đã trở thành những tượng đài hiên ngang trong các sáng tác văn học - nghệ thuật (VH-NT).
Đi qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung đã tiễn biệt biết bao người con ưu tú. Vì đất nước, rất nhiều liệt sĩ để lại tuổi xuân nơi chiến trường. Biết bao ước mơ chưa thành hiện thực, biết bao dự định vẫn còn dở dang, những chuyến ra đi dù biết là sẽ khó có ngày về nhưng vẫn để lại tiếc thương vô bờ trong lòng người ở lại. Họ đã cống hiến hết tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời, ra đi không tiếc máu xương để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Họ đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ để chúng ta hôm nay được hưởng giá trị của độc lập - tự do - hạnh phúc. “Hiến thân cho nước: Sống đã vinh mà thác cũng vinh/ Hết dạ vì dân: Mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ”(giáo sư Vũ Khiêu), những vần thơ đã thay lời muốn nói! Sự hy sinh ấy đã trở thành bất tử trong lòng người ở lại, được thể hiện rất rõ trong nhiều tác phẩm VH-NT.
Nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trình diễn bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của soạn giả Trọng Nguyễn. Ảnh: N.V
Ngày 11/9/1969, một tiếng nổ long trời làm rung chuyển trong lòng TX. Bạc Liêu vào lúc 12 giờ 30 phút. Người chiến sĩ đã tiếp cận vào mục tiêu, tiêu diệt 6 tên sĩ quan và cảnh sát ngụy. Phùng Ngọc Liêm - người thiếu niên anh hùng đã ra đi và vĩnh biệt chúng ta lúc mới 13 tuổi đời. Để rồi giờ đây, khi những giai điệu của bài ca mang tên anh “Phùng Ngọc Liêm” (sáng tác của Trọng Nguyễn) được cất lên, bao giờ cũng lay động trái tim người nghe. Sự hy sinh ấy đã viết thêm bản hùng ca bất tử trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Bằng bút pháp sinh động nhất, nhiều tác phẩm VH-NT đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc về chiến công và sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ. Mỗi mùa hoa lê-ki-ma nở, chúng ta lại nhớ về người con gái miền đất đỏ mang tên Võ Thị Sáu. Chị hy sinh ở tuổi mười lăm, cái tuổi như vầng trăng rằm trong sáng. Chị là một liên lạc cơ sở của cách mạng ở miền Đông, luôn sẵn sàng xung phong trong mọi nhiệm vụ với tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Chị Sáu đã bị giặc Pháp bắt và đày đi Côn Đảo ở lứa tuổi “môi hồng như hoa nở, tóc xanh chấm giữa đôi vai”. Cuộc đời chiến đấu và hy sinh của chị mãi là một bản anh hùng ca bất diệt chảy vào mạch sống vạn đời sau… “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác) cũng đã vẽ nên một tuyệt tác về người con gái miền đất đỏ.
Hoa cỏ may ai trồng bên mộ chị/ Màu tím rưng rưng gợi nhớ thiết tha/ Vĩnh Hưng ơi! Đất anh hùng mấy bận tôi qua/ Có bóng dáng và dấu chân của chị/ Dấu chân xưa còn nằm trong đất/ Đất kiên cường dấu chân ấy cũng trổ hoa!... Những ca từ thật đẹp và đầy cảm xúc của bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” (sáng tác Trọng Nguyễn) viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư quê xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, đã trở thành quen thuộc với mọi người dân Bạc Liêu. Một tượng đài hiên ngang về người chiến sĩ cách mạng, về tình mẫu tử thiêng liêng khác cũng được khắc họa đậm nét trong bản vọng cổ “Lời thơ cho con” (sáng tác Vưu Long Vỹ). Bài ca chứa chan cảm xúc khi lồng ghép vào đó những lời thơ của người mẹ anh hùng gửi lại cho thế hệ tiếp nối, lời thơ đã khắc sâu vào tim người còn sống để trân trọng giá trị của hòa bình. “Lời thơ cho con” viết về nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng một lần nữa khẳng định hình tượng người liệt sĩ luôn hiên ngang trong lòng người ở lại! Hình ảnh của họ đẹp lung linh, mãi trường tồn trong tâm thức dân tộc, từ những tác phẩm VH-NT được viết bằng cảm xúc chân thành, tấm lòng tri ân sâu sắc nhất!
Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các anh hùng liệt sĩ đã góp phần và trực tiếp làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Sự cống hiến, hy sinh ấy là vô cùng cao quý, là tài sản tinh thần vô giá cho nên đã đi vào biết bao tác phẩm VH-NT; song, bao nhiêu khúc ca, lời thơ, bức ảnh… vẫn không thể chuyển tải hết những hy sinh thầm lặng mà thiêng liêng vô cùng đó! Cuộc đời và sự cống hiến của các mẹ, các chị, các anh mãi mãi là tấm gương cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo. Để từ đó, VH-NT của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung tự mang nhiệm vụ thiêng liêng: ghi lại công ơn cao cả của họ và lưu truyền cho ngàn đời sau!
Ngọc Trân
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu