Đến nhà Công tử Bạc Liêu​ ăn món cà-ri công tử

Thứ Tư, 15/05/2024 | 16:11

Sáng 12/5, theo lời mời của anh Mai Hoàng Việt - Giám đốc Khu bảo tồn văn hóa đa chức năng Công tử Bạc Liêu (mà dân Bạc Liêu và tôi cũng hay gọi là nhà Công tử Bạc Liêu), tôi và Cẩm Thúy, Kim Phượng là các nhà báo của Báo Bạc Liêu đến nhà Công tử Bạc Liêu.

Anh Mai Hoàng Việt trình bày: “Hôm nay nhà hàng mời nhà văn Phan Trung Nghĩa và hai chị nhà báo đến để chúng tôi trình diễn một món ăn mới, theo chúng tôi là rất đặc biệt, để xin ý kiến các anh, chị rồi mới đưa ra bán đại trà”.

Tôi ngạc nhiên rồi tò mò. Việt nháy mắt với tôi rồi nói tiếp: “Đây là ý tưởng có được từ đọc sách của nhà văn Phan Trung Nghĩa (sách “Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại”). Sách ghi rằng: Công tử Bạc Liêu thuở sinh tiền, rất thích ăn sáng món bánh mì chấm cà-ri và món cà-ri đó phải được nấu từ cá chẽm. Thế là chúng tôi nấu với hy vọng giữ gìn và phát triển văn hóa Công tử Bạc Liêu và tạo ra dấu ấn cho thực đơn của nhà hàng Khu bảo tồn văn hóa đa chức năng Công tử Bạc Liêu”.

Tôi tròn xoe mắt rồi nhớ lại, cách đây khoảng 30 năm, Sở Văn hóa - Thông tin Minh Hải (tiền thân của tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) giao cho Bảo tàng Minh Hải tổ chức một cuộc tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của ông Trần Trinh Huy mà ngày nay người ta hay gọi là Công tử Bạc Liêu. Cuộc tọa đàm hôm đó có một điều rất quý là mời được hai ông già xưa là quản gia của nhà Công tử (nay họ đã mất cả rồi).

Hai ông quản gia cung cấp rất nhiều thông tin thú vị về đời sống, nếp sinh hoạt của gia đình đại điền chủ Trần Trinh Trạch và Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy. Có một chi tiết mà khi anh Việt nhắc lại là tôi nhớ liền, rằng: Món ăn sáng khoái khẩu của Công tử Bạc Liêu như Mai Hoàng Việt đã trình bày. Hồi đi làm tài liệu viết sách “Công tử Bạc Liêu - Sự thật và giai thoại” tôi có kiểm định từ con cháu của Công tử Bạc Liêu thì họ khẳng định đúng như thế. Thông tin mà tôi được cung cấp món ăn sáng ấy chẳng những là món khoái khẩu mà nó là món bắt buộc phải có trong tuần, dù khi ở nhà lớn tại Bạc Liêu hay lên Sài Gòn. Món ăn đó được nấu từ đầu bếp lâu năm của Trần gia, nó phải được nấu từ cá chẽm, mà người vùng biển Bạc Liêu gọi là cá vược. Loại cá này phải đánh bắt ngoài biển mới có, nó to lắm, có khi nặng đến mười mấy hai mươi ký. Thời Công tử Bạc Liêu vùng biển Bạc Liêu cá vược rất nhiều, chúng vào tận trong các lô muối. Thịt cá chẽm rất chắc và dai, nên nấu cà-ri mới ngon. Và gia vị chủ yếu là ngoài hương vị cà-ri thì phải có nước cốt dừa, làm tăng vị béo.

Cà-ri nấu bằng cá chẽm - món điểm tâm sáng của Công tử Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Lịch trình trong ngày của Công tử Bạc Liêu vào những thập niên đầu thế kỷ XX là sáng ăn sáng bằng bánh mì chấm cà-ri, sau đó uống cà phê sữa nóng mà người Huê kiều thuở ấy gọi là xây nại. Sau đó đọc báo 30 phút và lái xe đi chơi - đó là những cuộc chơi đến thâu đêm suốt sáng.

Theo chỉ đạo của anh Việt, nhà hàng mang ra bàn chúng tôi cho mỗi người một cái ơ đất, một ly cà phê sữa nóng. Cả ba chúng tôi như bị kích động trước “combo” ăn sáng của một con người được mệnh danh “ngon nhất Nam kỳ”. Tôi xé ổ bánh mì (anh Việt bảo bánh mì do Nhà hàng làm, nên nó nặng gấp ba lần ổ bánh mì thường và ăn rất chắc, rất ngon, giòn) rồi giở nắp cái ơ ra, bên trong là một màu vàng nghệ, với những lát cá chẽm trông rất đẹp mắt. Tôi chấm bánh mì vào cà-ri, gắp một miếng cá chẽm rồi cho vào miệng và vị giác nhảy múa tứ tung. Có béo, có ngọt, có dai… Tựu trung lại là: Tuyệt! Phải nói như dân tứ chiến là “Tuyệt cú mèo” mới đúng. Mà nó lạ nữa, nước cốt dừa làm cho cà-ri béo thế mà ăn không cảm thấy ngán. Tôi nhìn qua hai nhà báo đối diện thì cả hai đều tấm tắc khen ngợi. Tôi ăn xong, uống hết ly xây nại, nghĩa là khi thụ hưởng toàn bộ “combo” buổi sáng của Công tử Bạc Liêu thì có bao điều suy nghĩ. Công tử Bạc Liêu là một con người đặc biệt, nổi tiếng ăn chơi, sành điệu nhiều thứ. Và giờ đây qua món cà-ri nấu cá chẽm, ta thấy ông rất sành ăn. Cà-ri ăn kèm với bánh mì là cách ăn của người Pháp và được nấu theo kiểu Ấn Độ. Công tử Bạc Liêu đã Việt hóa bằng cách cho nước cốt dừa vào theo kiểu nấu cà-ri truyền thống của người miền quê. Và khi nó được nấu từ cá chẽm là đưa sản vật của quê hương vào. Ăn vừa không ngán lại mang vị truyền thống. Cậu Ba Huy quả là một con người đặc biệt, đụng vào đâu cũng thấy “danh bất hư truyền”.

Việc nhà hàng Khu bảo tồn văn hóa đa chức năng Công tử Bạc Liêu làm ra combo ăn sáng của Công tử Bạc Liêu để phục vụ kinh doanh là tôi ủng hộ. Nói một cách khác là đáng quý. Bởi vì họ vừa kinh doanh vừa khai thác văn hóa Công tử Bạc Liêu, để gìn giữ và phát triển. Chính văn hóa Công tử Bạc Liêu đã góp phần tạo ra bản sắc văn hóa Bạc Liêu.

Nào hãy cùng tôi đến nhà Công tử Bạc Liêu để “mần” một combo bữa sáng của một con người “ngon” nhất Nam kỳ mà trải nghiệm cuộc đời.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.