Để du lịch văn hóa, tín ngưỡng được phát huy

Thứ Sáu, 30/06/2017 | 16:46

Để phát triển du lịch gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cũng như góp phần cho công tác thu hút,  kêu gọi đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội dân gian truyền thống của ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa trên địa bàn tỉnh cho phát triển du lịch. 

Quyết tâm thực hiện
Sự ra đời của Nghị quyết số 02 đã tạo nên những chuyển biến tích cực và đưa hoạt động du lịch tỉnh phát triển khá nhanh, bình quân thu hút hơn 1 triệu lượt khách/năm. Doanh thu du lịch - dịch vụ giai đoạn 2012 - 2015 đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2010. Riêng năm 2016, Bạc Liêu đón khoảng 1.240.000 lượt khách, tăng gần 7% so với cùng kỳ; tổng doanh thu dịch vụ - du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Với những kết quả phấn khởi ấy, Bạc Liêu đã thu hút thêm nhiều dự án mang tính động lực cho phát triển du lịch gắn với nhiều công trình, điểm du lịch, khu mua sắm được đầu tư hiện đại như: Khu biển nhân tạo, Khu du lịch sinh thái Giồng Nhãn, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Khu Quán âm Phật đài... 
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) xác định: một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, Bạc Liêu đứng trong tốp 5 địa phương đứng đầu về phát triển du lịch và là một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL; đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Lễ thỉnh Thần về xem hát cúng Kỳ yên của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: L.H

Cần làm gì?
Để thực thắng lợi mục tiêu trên, trong tháng 6/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 43 về thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XIV) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02. Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra có phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Đây được coi là thế mạnh đặc thù và cũng là lợi thế so sánh để Bạc Liêu tạo nên điểm nhấn, sức bật cho riêng mình. Bởi so với các địa phương khác, Bạc Liêu khó có thể cạnh tranh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường vốn được thiên nhiên ưu đãi như: biển xanh, cát vàng, núi non và hòn, cồn…
Do vậy, việc tập trung khai thác du lịch văn hóa, tín ngưỡng được xem là lựa chọn ưu tiên. Và đã nói đến văn hóa, tín ngưỡng là nói đến lễ hội - vì đây chính là “phần hồn cốt” của du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là hoạt động phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn thiếu những mô hình hay, đặc biệt là khai thác du lịch còn “ăn theo lễ hội”, hoặc tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên” chứ chưa khai thác được những giá trị văn hóa tiêu biểu kết tinh từ các lễ hội, từ đó góp phần lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội, đưa lễ hội trở thành một trong những hoạt động văn hóa được tổ chức bài bản, tạo thêm động lực cho ngành Du lịch phát triển.
Tồn tại bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là thiếu những công trình, đề tài nghiên cứu về giá trị văn hóa của các lễ hội, nhất là lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc sinh sống trên vùng đất Bạc Liêu. Đơn cử như việc tham quan các di tích kiến trúc nghệ thuật của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu, các hướng dẫn viên du lịch chỉ giới thiệu được di tích này được thành lập năm nào, hoặc khi giới thiệu các lễ hội dân gian một cách thiếu hồn làm cho các giá trị văn hóa tiêu biểu được kết tinh từ các di tích, lễ hội không được khai thác, tạo nên sự nhàm chán, tham quan cho vui, cho biết, chứ chưa thể “thổi hồn” gợi lên sự tò mò, muốn khám phá, muốn tiếp tục đến để khai thác, hay tạo nên sự luyến tiếc vì phát hiện ra các giá trị từ di tích quá chậm. Có thế, du lịch mới tạo được sức lan tỏa, níu chân du khách, làm cho du khách tự quảng bá, tự giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương mình với nhiều người khác. Như công trình kiến trúc nghệ thuật Phước Đức cổ miếu (chùa Bang, phường 3, TP. Bạc Liêu), ngoài các bức tranh dân gian được thể hiện theo hình thức bạch miêu và ở mỗi bức tranh đều phản ánh sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan của người xưa về đạo làm người, đối nhân xử thế mang tính thẩm mỹ, giáo dục cao, đây còn là nơi giao lưu, cất giữ những giá trị văn hóa thể hiện tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu. Hay việc tổ chức cúng tế, mỗi loại bánh, trái cây và cách sắp xếp cũng mang những ý nghĩa khác nhau, cùng nhiều nghi thức tế lễ khác nữa cũng sẽ hấp dẫn du khách nếu được thuyết minh một cách đúng bài. Như bánh àn cúi (bánh bột đỏ) của người Hoa gần như lễ hội hay sinh hoạt văn hóa nào người Hoa cũng làm bánh này. Vì đây được coi là món “bánh thiên” phản ánh sinh động văn hóa phồn thực và khát vọng hạnh phúc của cộng đồng người Hoa và nhiều nơi người ta đã đưa món bánh này vào tua du lịch văn hóa ẩm thực. Song, những giá trị văn hóa ấy lại không được những người làm du lịch khai thác, mà nguyên nhân chính vẫn là thiếu các công trình nghiên cứu để làm hành trang cho du lịch!
Xuất phát từ thực trạng trên, việc khuyến khích và có chính sách cho những công trình nghiên cứu về văn hóa lễ hội của các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng. Việc làm này không chỉ giải quyết những khó khăn do thực tiễn đặt ra hiện nay trong việc khai thác các giá trị văn hóa của lễ hội cho phát triển du lịch, mà còn góp phần bảo tồn, tôn vinh những lễ hội dân gian truyền thống và hạn chế việc tổ chức các lễ hội lai căng, mất gốc theo kiểu “mì ăn liền” hoặc sa vào mê tín dị đoan.
lư trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.