Văn hóa - Nghệ thuật
DAY DỨT VỚI HÀNG GÒN
Thế là đã 25 năm đi qua, nhưng người dân Hàng Gòn vẫn còn nhớ như in cái ngày tang tóc ấy. Cái ngày mà mỗi khi nhắc lại, ai nấy đều bàng hoàng, nín thở như để tạc dạ, ghi xương những đớn đau, nhức buốt đến tột cùng mà bao người thân của họ đã bất ngờ gánh chịu. Mồ mả của những người đã chết, tự lâu rồi xanh sắc rêu… Nhưng những người còn lại hôm qua, hôm nay cứ khắc khoải, day dứt không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai được?...
11 tháng 9 - Ngày đại tang
Trong nhật ký bằng trí nhớ của một người con có cha mẹ trong trận B52 ngày đó ở Hàng Gòn (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) còn ghi: “Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng. Không gian yên bình đến đáng ngờ. Một phi đội B52 gồm 3 chiếc… Chúng đánh Hàng Gòn 2 phi đội. Người chết lên đến 60, số bị thương 61. Có gia đình chết cả cha mẹ. Cha mẹ mình chết không một lời trăn trối. Đau thương mất mát này vượt quá sức chịu đựng. Nhiều người còn sống cũng như chết, mất trí, mất hồn…”.
Chúng tôi ghi lại lời anh một cách ngắt quãng, rời rạc vì chính anh cũng bị bấn loạn khi nhắc đến nỗi đau khủng khiếp đó. Phải, làm sao mà không mất trí. Làm sao mà không bấn loạn tinh thần trong khi cái làng quê nhỏ bé này chỉ dài chừng 4 - 5km đang yên ả thanh bình, bỗng dưng có 61 con người thành thương tật. Bỗng dưng có 60 người trở thành người… chết! Những con người chỉ ít phút trước đó thôi vẫn còn vô tư làm lụng, bủa câu, giăng lưới, vẫn cười nói, nô đùa, giận dỗi, hát ca và cũng ít phút trước đó thôi vẫn còn say ngủ chung nhau trên một chiếc giường…
Một lần khi chứng kiến những người đồng đội của mình ngã xuống, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã phải thốt lên: “Có mất mát nào lớn bằng cái chết…” dù anh biết rằng chiến tranh thì điều đó sẽ xảy ra có thể bất cứ lúc nào… Cái chết ở đây là cái chết của cả một làng, cả một gia đình, cả cha, cả mẹ, cả vợ, cả chồng thì mất mát này còn lớn biết bao nhiêu?
Đã bao lần tôi tự hỏi làm sao mà người dân Hàng Gòn đi qua được những ngày thê lương, tang tóc ấy! Làm sao mà 2 người con của dì Út Nhàn sống nổi khi gia đình họ cùng lúc có 6 người thân bị bom B52 cướp mất trong lúc họ mới lên 6, lên 7. Cha chết, mẹ chết, anh chị em chết. Cái ăn cái mặc thì đã có xóm giềng đùm bọc, nhưng đời sống tinh thần làm sao san sẻ… Rồi dì Út Ngãi nữa. Cả người chồng với 3 đứa con - ba khúc ruột của dì đều vĩnh viễn ra đi. Chưa hết, cuộc chiến tranh khốc liệt sau này đã cướp đi của dì thêm 2 người con - 2 liệt sĩ nữa kể từ sau cái ngày thảm khốc 11 tháng 9 năm 1969. Vậy mà dì vẫn phi thường, chịu đựng, vẫn đứng vững và chiến thắng.
Rồi còn gia đình ông Ba Ghếch, dì Tư Đông, ông Ba Tấn, ông Năm Gương, ông Hai Lẹ, dì Tư Định… cũng cùng nỗi đau trong cái ngày đại tang đó. Có cả những nỗi đau mất mát trước và sau này trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Nhiều gia đình có người chết trong trận B52 cùng với những bàn thờ của những liệt sĩ ngoài mặt trận đã nhiều đến không còn chỗ để thờ mà họ vẫn vươn lên nổi, phải chăng lòng căm thù khi lên đến tột bậc đã biến nỗi đau thành sắt đá?...
Trong tự đáy lòng mình, tôi không muốn khơi lại những nỗi đau quá lớn mà Hàng Gòn từng gánh chịu (hầu như nhà nào cũng có người chết do B52 hoặc liệt sĩ, thương binh…). Nhưng tôi cũng lại nghĩ biết đâu đây cũng là một cách chia sớt nỗi đau với những người còn sống. Bởi dù tôi có muốn hay không thì nỗi đau ấy vẫn còn âm ỉ vẹn nguyên trong mỗi căn nhà, trong ánh mắt của những người từng đi qua chiến tranh. Thời gian chỉ làm cho nó chai sạn nhưng lòng căm thù không sao xóa nỗi. Biết đâu đây cũng là một cách bày tỏ tấm lòng của những con người hậu chiến trước 60 hương hồn trong cuộc thí nghiệm B52 đầu tiên mà Hoa Kỳ muốn thăm dò sức công phá của loại vũ khí giết người hàng loạt trên mảnh đất tận cùng này. Biết đâu đây còn là một cách để nhắc với những ai còn ảo tưởng, hãy nhớ rằng: Chiến tranh là thế. Chiến tranh do kẻ thù gây ra là thế đó. Chúng không từ một ai, không từ một thủ đoạn man rợ, bẩn thỉu nào nhằm đạt mục đích. Hàng Gòn là một minh chứng. Ngày đại tang là một minh chứng. Ngày đại giỗ còn nhắc mọi người để nhớ và suy nghĩ.
Tôi thật sự xúc động khi nghe anh Hai Đức (xưa là bộ đội Quân khu 9) kể: “Giờ đây, cứ tới ngày 11 tháng 9 thì tự nhiên bà con từ đầu xóm kéo nhau đi đến cuối xóm, cúng xong nhà này đi đến nhà khác. Nhà cuối cùng sẽ là điểm để bà con khơi lại những kỷ niệm đau buồn, khắc nhớ rồi chia tay. Năm nào cũng vậy, riết rồi thành quen. Dù có đi đâu, làm gì thì đến ngày đại giỗ cũng trở về, nó như một phần đời không thể thiếu của cuộc sống đời thường. Cao hơn thế nữa đó là một tục lệ - một tục lệ đẹp mà sự khởi đầu kết dính họ lại chính là nỗi đau chung. Và ngày 11 tháng 9 còn là ngày tòng quân lên đường giết giặc trong những năm kháng chiến.
Bác Sáu Kham - một cán bộ hưu (có 2 người con là liệt sĩ), từ lúc chúng tôi tìm hiểu về chiến tranh, bác cứ trầm ngâm không nói gì. Chỉ khi chúng tôi xin phép ra đi, bác mới cất tiếng: “Cảm ơn các cháu nhớ đến Hàng Gòn. Nhớ đến cái xứ sở đau khổ này, điều đó bà con mừng lắm. Khi nào quay lại cho bác xin một tờ báo, xem các cháu viết gì, thông cảm gì, chỉ cần một sự cảm thông cũng làm nỗi đau vơi đi…”. Bác không nói gì thêm, nhưng tôi vẫn nhận ra trong giọng nói của bác có cái gì bùi ngùi, day dứt mà chưa diễn đạt hết.
Riêng tôi, tôi cứ day dứt mãi một điều (sau này tôi có bày tỏ với các anh lãnh đạo huyện U Minh và tỉnh Minh Hải, giờ tách thành Bạc Liêu - Cà Mau) là: Hàng Gòn đi vào lịch sử chiến tranh như một mất mát lớn nhất tỉnh. Lẽ nào chúng ta không làm nỗi chỉ một tấm bia tưởng niệm những người đã bị thảm sát trong trận B52 ngày 11 tháng 9 ở Hàng Gòn? Hàng Gòn ngày nay, việc cúng giỗ đã thành một phong tục đẹp. Lẽ nào ngày ấy, huyện (mà cả tỉnh nữa) không thành lập được một đoàn đi thăm viếng, sẻ chia với tất cả gia đình có người quá cố. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa tưởng nhớ đến người chết mà còn động viên an ủi người sống đến dường nào. Đôi khi nó có sức thay thế cho hơn ngàn từ quan tâm chăm sóc đến đời sống Nhân dân trên giấy tờ, văn bản…
Trước khi tạm biệt, ngày hôm ấy, cô bạn đồng nghiệp Báo Tuổi Trẻ còn quay lại chụp toàn cảnh Hàng Gòn. Không biết cô bạn muốn chứng minh sự đi lên của “xứ sở chết” này, hay còn điều gì day dứt… như tôi?
Hàng Gòn, 8/9/1994
DUY HOÀNG
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Dâng hương, trồng cây tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao