Đàm luận về tính chuyên nghiệp trong hoạt động nghệ thuật

Thứ Hai, 30/05/2016 | 16:43

Có một thực tế là khi nhìn nhận, đánh giá về chất lượng hoạt động của một loại hình nghệ thuật nào đó, người ta không bao giờ dựa vào các hoạt động có tính bề nổi, dựa vào sự bao cấp của Nhà nước. Cái mà mọi người trân trọng chính là tính chuyên nghiệp của đơn vị đó, từ tài năng của nghệ sĩ đến chất lượng nghệ thuật... Đó chính là những yêu cầu hàng đầu trong hoạt động nghệ thuật.

Nhìn lại khoảng hơn 20 năm trở lại đây, đối với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ở Bạc Liêu, quả thật chưa được quan tâm một cách đầy đủ và hiểu nó một cách cặn kẽ. Tất nhiên, bất kỳ ai khi tham gia bất cứ một lĩnh vực nào trong hoạt động nghệ thuật cũng luôn cố gắng hết mình, thậm chí luôn tìm cách đổi mới với mong muốn “đứa con tinh thần” của mình hay hơn, được công chúng đón nhận một cách chân tình. Nhưng khái niệm “chuyên nghiệp”, “tính chuyên nghiệp” rồi “chuyên nghiệp hóa” thì chưa phải ai cũng hiểu một cách thấu đáo. Trong hoạt động nghệ thuật, cũng như trong công tác quản lý về lĩnh vực này, chỉ khi có hiểu đúng những vấn đề nêu trên thì mới làm đúng được. Nhưng nghệ thuật có nhiều loại hình khác nhau, mỗi loại hình có đặc điểm riêng nên tính chuyên nghiệp cũng ít nhiều có điểm khác nhau. Ở đây chỉ xin được phép đề cập đến lĩnh vực sân khấu. Và trước hết phải xác định về khái niệm.

Một cảnh trong vở cải lương “Đào Duy Từ” tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ảnh: H.T

Trong một số Từ điển tiếng Việt, từ “chuyên nghiệp” có nghĩa là “chuyên làm một nghề, một việc nào đó; phân biệt với “nghiệp dư”. Theo đó, người ta có thể chuyên làm một việc nào đó, cho dù không giỏi, vẫn được coi là chuyên nghiệp bởi vì đó là một nghề mà người ta đã bỏ sức lao động vào đó và đổi lại có thu nhập để nuôi sống bản thân (và cho cả gia đình).
Vậy tính chuyên nghiệp trong địa hạt sáng tác, dàn dựng, biểu diễn là thế nào? Trên thực tế đã có nhiều cuộc trao đổi về vấn đề này và cũng có nhiều quan niệm đồng nhất hoặc chưa đồng nhất, thậm chí trái chiều nhau. Tuy nhiên có một khái niệm mà được nhiều người nhất trí: Sáng tác, biểu diễn và dàn dựng chuyên nghiệp là ở tầm cao, tiêu biểu được công chúng và người trong giới thừa nhận, nên không thể lấy đơn vị hành chính để phân biệt tính chuyên nghiệp và nghiệp dư trong hoạt động nghệ thuật. Đã là tác phẩm được dàn dựng, biểu diễn đưa ra thi thố tài năng được đông đảo công chúng và hội đồng nghệ thuật thẩm định đánh giá chất lượng thì không có khái niệm nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật nghiệp dư. Đã là chất lượng nghệ thuật thì phải công bằng, sòng phẳng, không nên phân biệt đối xử chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. 
Vừa qua tôi có xem một số đơn vị nghệ thuật tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức, diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu (từ ngày 6 - 23/11/2015). Tại cuộc thi này, nhiều người cho rằng, thiếu kịch bản hay vẫn là nỗi băn khoăn lớn trong mùa giải này. Hơn 80% kịch bản vẫn phải vay mượn từ kịch bản kịch nói. Có một nhận xét rất chí lý: Sống với nghề này rất khó, soạn giả cải lương được các đoàn tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” càng hiếm hơn. Qua nhận xét, đánh giá của nhiều khán giả, kịch bản cải lương “Đào Duy Từ” của Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu tham gia cuộc thi được nhận giải thưởng Huy chương Bạc là rất xứng đáng, vì đơn vị này đã biết xây dựng những chi tiết nho nhỏ chạm vào trái tim người xem. Một vấn đề nêu ra mang tính tất yếu là khi muốn có một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, trước hết phải mang tính chuyên nghiệp. Với tư cách là khán giả khi xem vở “Đào Duy Từ” của tác giả - đạo diễn Quốc Khánh, tôi thấy rằng tương lai cải lương đã có tín hiệu tốt. Vở diễn được dàn dựng cẩn thận từng chi tiết từ kịch bản, phục trang, ánh sáng và thiết kế mỹ thuật… đã tạo được ấn tượng về chất lượng nghệ thuật đối với người xem. 
Chung quy lại, có lẽ bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, dù trong phạm vi một đất nước, một khu vực hay chỉ ở một địa phương thì việc hướng ý tưởng sáng tác của mình tới tính chuyên nghiệp vẫn luôn trở thành vấn đề cần thiết hơn bao giờ hết. Tính chuyên nghiệp không nhất thiết từ những đoàn chuyên nghiệp mà ra, tính chuyên nghiệp còn thể hiện từ ý tưởng chọn kịch bản, dàn dựng và biểu diễn là cốt lõi để nâng cao chất lượng cho một tác phẩm nghệ thuật. Ranh giới tính chuyên nghiệp được biểu hiện ở chuẩn mực tài năng, chuẩn mực tay nghề và thái độ trách nhiệm đối với nghề. Theo tôi nghĩ, đánh giá chất lượng tài năng, chất lượng nghệ thuật là chuẩn mực quyết định tính chuyên nghiệp.
PHƯƠNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.