Văn hóa - Nghệ thuật
Đặc sắc lễ hội dân gian Khmer Nam bộ
Bạc Liêu là vùng đất có sự cộng cư của ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa. Mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa tinh thần đặc trưng thông qua các lễ hội phong phú. Trong quá trình giao thoa văn hóa của ba dân tộc cũng đã tạo nên bản sắc khá độc đáo, đây chính là di sản quý báu, là bảo tàng văn hóa - lịch sử của người Bạc Liêu. Góp giá trị cho bảo tàng vô giá ấy chính là những lễ hội dân gian Khmer Nam bộ trên đất Bạc Liêu.
Có nhận định cho rằng: “Dân tộc nào còn duy trì được hình thức sinh hoạt dân gian, dân tộc đó có nền văn hóa phong phú”. Bởi, lễ hội quy tụ mọi sinh hoạt văn hóa tinh thần, vật chất được sàng lọc, duy trì và liên tục bồi đắp qua nhiều đời, khiến ta có cảm giác lễ hội là một “bảo tàng sống” về văn hóa dân gian của các dân tộc. Đến với lễ hội truyền thống ở Bạc Liêu nói chung, các lễ hội dân gian Khmer Nam bộ nói riêng, chính là cuộc hành trình văn hóa du lịch để tìm hiểu nền nghệ thuật dân gian của các dân tộc ở Bạc Liêu, cũng chính là tìm đến những danh thắng, di tích, chùa…, bởi lễ hội ở Bạc Liêu đa số đều diễn ra ở những nơi có di tích.
Đồng bào Khmer Bạc Liêu tham gia trò chơi dân gian trong tết Chôl Chnăm Thmây tổ chức tại chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Lễ hội dân gian Khmer Nam bộ gắn liền với tiếng rộn rã của dàn nhạc ngũ âm ở những mái chùa, âm thanh ấy cứ tưng bừng hòa vang sáng tối. Một bức tranh đậm đà bản sắc văn hóa phum sóc, văn hóa đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ thường được phác họa vào những dịp hội lễ. Các lễ hội của người Khmer Nam bộ thường chịu ảnh hưởng sâu đậm của tôn giáo (Phật giáo). Các lễ hội mang tính thiêng liêng, trang trọng, các nghi thức trong lễ hội thường gắn truyền thuyết tinh thần Phật giáo, thường tổ chức theo ngày Phật lịch và lễ vật giữ vai trò quan trọng trong việc dâng cúng trong lễ hội.
Lễ hội dân gian Khmer Nam bộ thường kéo dài suốt đêm trong nhiều ngày. Những ngày lễ chính, nhất là vào ban đêm, chùa - nơi diễn ra các phần lễ và phần hội - thường thu hút đông đảo phật tử, khách khứa. Hàng quán mọc lên đầy xung quanh chùa, những dòng người nô nức kéo dài trên những con đường của phum sóc, họ cùng nhau đến chùa, sinh hoạt, vui chơi. Các nghi thức đọc kinh cầu nguyện được đồng bào xem trọng, thường kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ. Một nét đặc sắc nữa là hội lễ thường gắn với các hình thức văn nghệ truyền thống của dân tộc. Trong những ngày lễ, chùa thường mời đoàn, nhóm nghệ thuật (hoặc những đội văn nghệ của địa phương, của chùa) để biểu diễn phục vụ nhân dân. Nghệ thuật cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ được “khoe hương tỏa sắc” trong những lễ hội thế này, đó là sân khấu truyền thống Dù kê, Rô băm, các điệu múa dân gian như Sa-ri-ka-keo, Răm vong… Các buổi trình diễn mang đầy bản sắc văn hóa dân tộc và khẳng định được trình độ văn hóa của cộng đồng. Lễ hội dân gian Khmer Nam bộ đa số ảnh hưởng tính nông nghiệp. Bởi vì người Khmer đa số làm nông nên các lễ hội của họ thường tổ chức theo mùa, như lễ Nhập hạ vào đầu mùa mưa, bắt đầu vụ mùa; lễ Ra hạ bắt đầu vào cuối mùa mưa; tết truyền thống thì vào mùa khô; lễ cúng trăng Óoc-om-bóc vào vụ mùa thu hoạch lúa nếp…
Điển hình những lễ hội dân gian Khmer Nam bộ có thể kể đến Chôl Chnăm Thmây, còn gọi là lễ chịu tuổi vào tháng 4 dương lịch. Lễ này kéo dài trong 3 ngày (từ 14 - 16/4 dương lịch). Vào ngày tết cổ truyền này, các gia đình thường gói bánh tét, làm các loại bánh ngọt dân gian Khmer, chuẩn bị hoa quả dâng lên chùa. Trong đêm giao thừa, mọi nhà đốt đèn, thắp hương thành tâm khấn vái… Lễ hội Đôn-ta còn gọi là lễ cúng ông bà được tổ chức từ ngày 28/8 - 1/9 âm lịch hàng năm, là lễ hội lớn thứ hai của đồng bào dân tộc Khmer, nhằm mục đích tụng kinh cầu siêu, cầu phước cho linh hồn thân nhân quá vãng. Còn lễ hội Óoc-om-bóc thì diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con tiếp tục gặt hái được những vụ mùa no ấm. Ngoài ra còn có những lễ hội như lễ Dâng y, lễ Phật đản…
Có dịp về Bạc Liêu trong những ngày lễ hội dân gian của đồng bào Khmer, du khách sẽ được hòa vào niềm vui rộn ràng trong không khí vui tươi, hồ hởi của bà con, hoặc có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của những ngôi chùa nơi diễn ra chính lễ, những nét đẹp đặc sắc về văn hóa của đồng bào thông qua những nghi thức, những hình thức sinh hoạt dân gian… Trên con đường dẫn đến chùa, du khách sẽ được ngắm nhìn sự đua chen sắc màu của những bộ trang phục truyền thống của các nam thanh nữ tú Khmer. Sôi nổi hơn nữa là những trò chơi đem lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người như: các trò chơi dân gian, múa Lâm thôn, ca hát… Đi vào từng phum sóc, dưới những mái nhà của đồng bào Khmer sinh sống, du khách sẽ nghe được thanh âm rộn ràng của tiếng chày giã cốm, bà con vui vầy ngồi gói bánh tét bên nhau…
Ngoài việc bảo tồn văn hóa truyền thống, những lễ hội dân gian ở Bạc Liêu nói chung và lễ hội của đồng bào Khmer Nam bộ trên vùng đất này nói riêng, còn có ý nghĩa khai thác tiềm năng du lịch. Bởi vì đến đó, du khách sẽ được tham quan những thắng cảnh, được thưởng thức nghệ thuật dân gian, được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc văn hóa của bản địa để mở mang tầm nhìn.
Cẩm Thúy
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Dâng hương, trồng cây tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Nguồn sỉ vỏ bánh hamburger uy tín