Văn hóa - Nghệ thuật
Cuộc tình đi qua chiến tranh
Chiến tranh - hai từ ấy gợi lên những năm tháng tàn khốc, ác liệt và chia ly. Nhưng xen lẫn trong lửa đạn, ngoài tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, trong tim các chàng trai, cô gái vẫn còn thứ tình cảm lứa đôi trong sáng, mãnh liệt. Tình yêu thời chiến càng làm trào dâng khao khát hiến dâng cho Tổ quốc, bởi chỉ khi Tổ quốc độc lập, thì hạnh phúc lứa đôi mới được vẹn tròn.
Vợ chồng cựu thanh niên xung phong Phan Thị Tám và Nguyễn Văn Hồng thắp hương cho mẹ - người Mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 1975, lễ thành hôn của nữ thanh niên xung phong (TNXP) Phan Thị Tám và anh bộ đội địa phương quân Nguyễn Văn Hồng (ấp Mỹ 2A, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) được tổ chức ngay khi miền Nam giải phóng, đất nước ca khúc khải hoàn. Đó là một đám cưới không có lễ rước dâu, nhưng niềm hạnh phúc như được nhân đôi cùng niềm vui chung của đất nước, đặc biệt ấm tình của tổ chức, của đồng chí, đồng đội. Đây cũng là đám cưới mà cô dâu và chú rể thực hiện theo di nguyện của người mẹ đã mất - Mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 15 tuổi, nối gót theo mẹ, cô gái trẻ Phan Thị Tám bắt đầu làm công tác liên lạc, 17 tuổi rời xa gia đình vào lực lượng TNXP. Tuổi trẻ của cô gái ấy của gắn liền với tuyến đường 1C huyền thoại nhưng đầy khói lửa. Khi ấy, Phan Thị Tám nghe tin mẹ đã hứa kết sui gia với một đồng đội thân thiết - mẹ của chàng trai Nguyễn Văn Hồng. Nhưng giữa thời chiến tranh loạn lạc nên cả hai cứ giấu chặt tình cảm ấy trong tim. Suốt hàng chục năm khói lửa chiến tranh, khi Phan Thị Tám lao vào bom đạn để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của tuyến đường 1C thì ở quê nhà, Nguyễn Văn Hồng cũng tham gia vào bộ đội địa phương, mỗi người một nhiệm vụ. Dù chỉ dành cho nhau “hẹn ước không lời”, nhưng trong tâm tư mỗi người luôn có sự tồn tại của đối phương.
Mãi cho đến ngày hòa bình thống nhất, bà Tám đã là thương binh, ông Hồng trở về quê chờ đón bà, cả hai gặp lại nhau trong phút giây hạnh phúc chung - riêng tràn ngập, hai trái tim trọn nhịp đập. Đám cưới của ông bà được tổ chức đứng ra tuyên bố, bởi cha mẹ, các anh em của cô dâu, chú rể hầu hết đều đã hy sinh và qua đời trong chiến tranh. 50 năm nước nhà độc lập là ngần ấy thời gian tình yêu của ông bà luôn đong đầy, bền chặt. “Bà ấy luôn là nhất trong lòng tôi” - ông Hồng cười hiền thổ lộ.
Nửa thế kỷ qua, vợ chồng bà Tám và ông Hồng luôn bên nhau chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống. Ảnh: T.H
Từ một thương binh có cuộc sống khó khăn, nhưng với ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, nữ thương binh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP - Phan Thị Tám đã nắm chặt tay chồng xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Hiện tại ông bà có cuộc sống thanh bình, viên mãn, kinh tế khá giả. Không chỉ là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, được sự ủng hộ hết mình từ ông, bà Tám còn tham gia nhiệt tình các phong trào do địa phương phát động, sẵn lòng giúp đỡ những gia đình hội viên cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
Những mối tình thời chiến đã từng là một phần của đời sống chiến tranh. Đó là những mối tình với nhiều cung bậc cảm xúc, có lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước, họ sẵn sàng gạt tình riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc; có tinh thần đoàn kết chung lòng giữa hậu phương và tiền tuyến; có những nỗi nhớ da diết, những hẹn ước… để rồi nửa thế kỷ chiến tranh lùi xa, những mối tình ấy vẫn còn sống mãi với thời gian, dệt thêu nên những câu chuyện đẹp và là tấm gương cho con cháu noi theo.
Đình Hải