Cùng nói chuyện lòng…

Thứ Hai, 21/03/2016 | 17:35

Lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác chuyên ngành văn học thật ra là nơi người giảng viên và học viên có dịp gặp gỡ để nói - nghe những chuyện của… lòng. Mới thấy rằng, học về văn chương trước hết là học những cái hay cái đẹp thuộc về con người…

Lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác văn học đi thực tế tại huyện Phước Long. Ảnh C.T

Lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác chuyên ngành văn học được Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh tổ chức nhằm mục đích nâng cao khả năng, kỹ năng viết lách của đội ngũ sáng tác văn chương. Không có giáo án, không theo một giáo trình cụ thể nào, chỉ bằng kinh nghiệm thực tế, những trải nghiệm rất đời thường, các giảng viên là nhà thơ Nguyễn Trọng Tín, thầy Lê Đình Bích (giảng viên Trường đại học Cần Thơ) không chỉ truyền đạt kinh nghiệm mà còn giúp học viên hiểu thêm nhiều điều hay, thú vị và hữu ích xung quanh nghiệp viết lách.

Sáng tác văn thơ chính là chuyện của cảm xúc, của lòng người, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín đúc kết trong những nhận định nghe thật thấu tình đạt lý: “Văn chương không có chuyện nghiệp dư hay chuyên nghiệp, mà là khi sáng tác người ta có dốc lòng hay không”. Nghĩa là, đừng nghĩ rằng sáng tác thơ văn là công việc có thể nói là làm được, và làm theo đơn đặt hàng, mà nó chỉ có thể “tượng hình”, ra đời từ chính cảm xúc chân thành nhất của người sáng tác. Thế nên, ông cũng cho rằng, đừng nên băn khoăn về đề tài sáng tác, “đề tài làm thơ luôn ở xung quanh mình, luôn công bằng với mọi người từ người làm chính trị đến anh nông dân, quan trọng là có tạo cảm xúc cho người ta làm thơ hay không…”. Cũng đồng quan điểm với Nguyễn Trọng Tín, thầy Lê Đình Bích cho rằng việc tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác là thu nạp kinh nghiệm sống, chứ không phải hướng đến mục đích “trả bài”.

Những giờ học rất ngắn ngủi, nhưng qua lớp tập huấn, học viên đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích về văn chương, và những điều hay lẽ phải thuộc về nhân cách con người trước khi đến với văn chương nữa! Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín mượn 4 câu thơ của một người bạn để minh họa cho cái sự bình thường mà đôi khi giữa bộn bề cuộc sống mình đã không nhận ra: “Người vá trời lấp bể/ Kẻ dựng lũy xây thành/ Phận ta là chiếc lá/ Việc của mình là xanh”, 20 chữ thôi, bài thơ đã nêu một triết lý rất đời thường: nhắc nhớ cái trách nhiệm nhỏ nhoi của mỗi cá nhân trong cuộc sống này. Còn thầy Lê Đình Bích thì dùng những câu thơ đặc sắc trong truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về sự độc đáo của văn chương nói chung và thi ca nói riêng: “… Người về chiếc bóng năm canh/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường…”. Tả cảnh nhớ nhung, cô đơn của con người, các nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh… có thể làm được, nhưng đến lúc “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” thì chỉ có văn học mới “làm” được, cho nên văn chương chính là vẻ đẹp của ngôn từ, có thể diễn tả những điều mà nghệ thuật khác không diễn tả được. Nhưng để làm được việc đó, văn chương đòi hỏi cái “Tài” và cái “Tâm” của người viết lách!

Tác giả thơ Huỳnh Thị Ngọc Yến đã “dốc lòng” ngay khi dự học bằng những sáng tác “nóng hổi” của mình, đó là bài thơ “Người làm thơ bình thường”: “Không phong cách/ Không điệu đàng con chữ/ Em bình thường/ Viết nỗi nhớ về anh… Em - người làm thơ không tên/ Câu chữ bình thường như lá cỏ/ Em - một tâm hồn bé nhỏ/ Chỉ biết hết mình trong lặng lẽ yêu thương”. Đó còn là bài “Ước là con số”, một sáng tác để “đối ẩm” với tập thơ “Gió lạnh phía người dưng” mà thầy Lê Đình Bích chia sẻ rằng trong tập đó, thầy đã viết về... 52 người phụ nữ đã đi qua đời mình! “Gặp nhau rất đỗi tình cờ/ Không hò hẹn/ Không đợi chờ/ Vẫn… mơ/ Năm mươi hai nàng trong thơ/ Còn em duy nhất bên bờ tình anh…”. Những vần thơ không mang tính chất báo cáo kết quả lớp học mà được viết bằng chính cảm xúc nên rất bất ngờ, rất tự nhiên như là... cảm xúc!

Thật chủ quan để nhận định lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác chuyên ngành Văn học này đã thành công tốt đẹp, nhưng có một điều chắc chắn rằng: mỗi học viên tham dự đã mang về những thành công cho riêng mình. Thành công đó trước hết là những bài học về nhân cách sống từ chính những sẻ chia rất đỗi chân thành của những người viết văn, làm thơ chân chính! Muốn viết văn chương, trước hết đó phải là một tâm hồn cao đẹp, những cảm xúc chân thành sẽ cho những câu chữ chân thành và dễ chạm đến trái tim người ta nhất! Không chỉ được học về văn học, sau lớp bồi dưỡng ngắn ngủi này, các học viên hiểu biết hơn về chữ “Nhẫn”, hiểu rằng giao tiếp thi ca chính là rèn luyện nhân cách... 

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.