Văn hóa - Nghệ thuật
Công cha, nghĩa mẹ…
Hình ảnh người mẹ mặc bộ đồng phục tân thạc sĩ để con trai quỳ lạy báo ơn đang lan truyền trên các trang mạng xã hội trong mấy ngày qua. “Bà Chung bún” nuôi con ăn học thành thạc sĩ góp thêm câu chuyện về công cha, nghĩa mẹ đã nuôi con thành đạt từ sự nghèo khó, thiếu thốn.
Cách đây không lâu, cũng có hình ảnh tương tự khi cô gái tốt nghiệp đại học khoác lên người cha - là thợ hồ - bộ lễ phục của chính mình! Đối với một đất nước giàu lòng hiếu học như Việt Nam ta thì những hình ảnh đó dễ gây xúc động! Và đó cũng chỉ là những đại diện trong số khá đông khó đếm nổi - những người cha, người mẹ với công nghĩa cao dày khi gồng gánh nuôi con ăn học.
Hôm nọ, con tôi đi học về bảo: “Mẹ ơi, mẹ có biết là mẹ giàu lắm không?”. Tôi bất ngờ với câu hỏi của con, rồi thằng bé lớp 6 nhanh miệng kể: “Trong lớp cô con kể, để nuôi một đứa con ăn học hết đại học, cha mẹ phải tốn ít nhất gần 1 tỷ đồng”. Thằng bé kể cô giáo nó liệt kê từng khoản chi phí, bao gồm quần áo, tập vở, học phí, nhà trọ… tất tần tật thành ra con số đó. Tôi cũng khá ngỡ ngàng khi cô giáo dạy cho các trò nhỏ của mình phép tính này. Chắc có lẽ chưa có người cha, người mẹ nào ngồi lại để tính toán rằng mình đã nuôi mỗi đứa con sẽ tốn kém bao nhiêu?! Và chắc rằng, cũng những người cha, người mẹ ấy, có thể dè sẻn từng đồng khi mặc cả, mua sắm những món đồ riêng tư cho mình; nhưng luôn hào phóng trước lời đề nghị của con, mua cho con món này, món kia, để con đến trường hoặc khi nghe “mẹ ơi tới ngày đóng tiền rồi”, thì bằng mọi giá sẽ kiếm cho đủ món tiền ấy để con không mặc cảm với bạn bè rằng nhà mình nghèo…
Hình ảnh hai mẹ con “bà Chung bún” được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Đó là tôi đang nói những người cha, người mẹ có thu nhập khá ổn định. Đối với những người nghèo khó như anh thợ hồ, như bà Chung bán bún ngoài chợ thuộc một vùng quê Quảng Ngãi kia… thì việc nuôi đứa con thành cử nhân, thạc sĩ, phải đánh đổi bằng cả một quãng đời nhọc nhằn trên quãng đường đầy chông chênh, vất vả. Những giọt nước mắt, những cái quỳ lạy mẹ cha để đáp tạ ơn nghĩa cao dày đó cũng chưa bao giờ đủ. Mà sự thành công khi bước vào đời - trước hết phải là con người tử tế - bởi đường phía trước còn dài, mới là điều mà mẹ cha hằng mong mỏi!
Khi vừa bắt gặp hình ảnh trên, như một phản xạ tự nhiên của cảm xúc, anh bạn đồng nghiệp của tôi đã chia sẻ về trang cá nhân của mình kèm theo một câu trạng thái - cũng là lời trong một bản rap khá nổi tiếng của Đen Vâu (Mang tiền về cho mẹ): “Không có mẹ con chỉ là đồ bỏ mà thôi”.
Công cha, nghĩa mẹ cao rộng như trời biển, mỗi khi những câu chuyện gắn liền với công đức ấy được cộng đồng chia sẻ như thêm một lần nhắc cho mọi người điều đó.
Nhật Quỳnh