Văn hóa - Nghệ thuật
Có những tháng Tư…
Tháng Tư, mùa hạ đến. Phượng vĩ thắp lửa từng chùm. Loài hoa học trò ấy nhuộm đỏ ký ức một thời của học trò 6X.
Minh họa: B.T
Suốt những năm cấp 3, tháng Tư, bao giờ nhóm bạn ấy cũng có ít nhất một chuyến đi. Đi, để tiễn mùa khô. Đi, để sửa soạn bước vào mùa thi bận rộn. Quan trọng nhất, đi để thỏa cái thú rong chơi. Tháng Tư được nhóm bạn ấy “mặc định” như một dấu mốc quan trọng của những năm tháng học trò.
Thường thì cũng chẳng đi xa. “Tọa độ” hay được “lai vãng” nhất là tuyến biển Nhà Mát và Giồng Nhãn - Hiệp Thành. Đường Cao Văn Lầu ngày ấy còn là một con đường đá lổn nhổn, gồ ghề, đầy những ổ “gà”, ổ “trâu”, ổ “voi”; nhà dân thưa thớt… Nhóm bạn ấy tự chọn cái “tên giao dịch” là “Băng Pít-nhít” (cái tên mà cho đến tận giờ này không thành viên nào lý giải được nghĩa của nó là gì). Bốn bạn nữ sinh được bảy chàng nam sinh thay phiên nhau chăm sóc, nhất là không phải tự đạp xe đạp bao giờ. Chỉ có điều, ông trời “chơi ác”. “Ai kia” lỡ “rung rinh” với “ai kia” lại không khi nào được chở “ai kia” một lần nào cả.
Cửa biển Nhà Mát (kênh 30 tháng 4) ngày ấy còn hoang vu lắm. Nhìn huốt tầm mắt chỉ có tượng Quan âm Nam Hải, ngôi “Nhà Mát” mà Đồn Biên phòng đóng quân, còn lại là dải rừng phòng hộ chạy dài cặp mé biển. Rong chơi, chụp ảnh, giỡn hớt chán chê, rồi cả nhóm lóc cóc chở nhau về Giồng Nhãn. Nhà Mỹ Lan ở đó. Ba mẹ, anh chị em của Mỹ Lan là những người quý bạn bè của con em mình, ai cũng xởi lởi, thân thiện, cho nên nhóm học trò “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…” thỏa sức nghịch phá. Trong khi nhóm nữ sinh lui cui chụm lửa nấu cơm, những chàng “ngự lâm pháo thủ” bắt đầu “tàn sát” cây vú sữa cổ thụ. Leo lên những cành không thể cao hơn được nữa, những “con khỉ” ấy bắt đầu rung lắc cành, chọc phá nhau (hầu hết sinh năm 1968 mà). Sợ té ư? Đã có những cây rơm bên dưới những tàng vú sữa, như được sắp đặt sẵn để “bảo hiểm” cho những học trò nghịch phá rồi mà! Chán “trò khỉ” rung lắc cây thì bắc qua màn bẻ trái, vò nặn và ngồm ngoàm những trái vú sữa ngay trên cây… Cơm được dọn lên bên gốc nhãn cổ. Không gian lặng vắng của Giồng Nhãn về chiều thường ngày chỉ nghe lao xao từng cơn gió biển rượt đuổi nhau trên những vòm lá nhãn, bữa ấy ồn ã những tiếng chọc ghẹo chí chóe của những học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi giỡn hớt… Lâu lâu ré lên những trận cười.
Tối lại, trong không gian thơm lựng mùi khói đốt lá nhãn khô, trăng dát vàng dát bạc trên những vòm lá nhãn, những “trai thanh gái tú” chở nhau trên con đường đất ngoằn ngoèo uốn lượn quanh những gốc nhãn và dọc theo Giồng Nhãn. Ngày ấy, giữa những vườn nhãn của từng nhà dân không có hàng rào như hiện giờ, con đường trong Giồng Nhãn kéo từ ngã tư Hiệp Thành đến tận chùa Xiêm Cán, như trải dài ra một không gian mời gọi cho những học trò “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” thỏa sức quậy tưng. Đêm về, nhóm con trai ra ngủ ở căn chòi giữ rẫy, mùi ngò rí, mùi rơm mới thơm lựng một góc trời… Lại một trận “tàn sát” những bụi củ cải đỏ (cà-rốt). Vị ngọt ngọt, hăng hăng của củ cải đỏ vừa nhổ lên, rửa sơ sơ và ngấu nghiến nhai tại rẫy còn đọng lại tận tới bây giờ.
Sớm hôm sau, qua một giấc ngủ say vẫn biết đường đánh thức nhau dậy, “tút tát dung nhan” và lại lóc cóc đạp xe chở nhau về “ngoài chợ”, để khi vừa dắt xe vô cổng trường cũng là lúc “tùng tùng tùng” trống đánh vô giờ học.
***
Có một tháng Tư, cận ngày thi tốt nghiệp lắm rồi. Đi đâu đây? Tắm đìa nhé! Vậy là hồ sen dưới Nghĩa trang liệt sĩ Minh Hải bận ấy chứng kiến cuộc tắm đìa tập thể của “Băng Pít-nhít”, cuộc đi cuối cùng của tháng Tư tuổi học trò. Tối ấy, nhật ký học trò của một thành viên trong nhóm ghi rằng: “Tạm biệt cô bạn học có ánh mắt tinh nghịch, dáng đi ngúng nguẩy, điệu múa dịu dàng… Chia tay rồi biết có lần gặp lại? Dù mai đây mốt nọ đường đời muôn nẻo, nhớ mãi những tháng ngày đùa nghịch bên nhau nhe bạn. Nếu mai đây có lần gặp gỡ. Xin cho nhau một nét môi cười…”.
Có một tháng Tư, sau ngày tốt nghiệp cấp 3 đúng 22 năm, lớp họp mặt chia tay cô chủ nhiệm nghỉ hưu. Mỹ Lan xuất hiện trong sự ngỡ ngàng rồi chuyển sang reo hò muốn vỡ bung không gian Hồ Nam bữa ấy. Không ai nghĩ rằng tuy mới chỉ hay tin trước đó 4 ngày, Mỹ Lan vẫn đã kịp đặt vé “đấp-bồ” (double: gấp đôi) bay từ California về. Bạn nói gọn là bạn “ham vui”, nhưng ánh nhìn đã nói lên tất cả.
Những tháng Tư đã xa là mảng hồi ức lớn lắm trong ký ức học trò, giờ đã thành gia tài vô giá. Tài sản không thể định giá ấy minh họa cho dòng chữ mà người bạn thân nắn nót ghi trong lưu bút học trò ngày rời trường phổ thông: “Kỷ niệm chẳng là gì/ Nếu người ta vội xóa/ Nhưng sẽ là tất cả/ Nếu lòng mình còn ghi”.
Tôn Nữ Bội Ngọc
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”
- Nệm giá rẻ