Bút ký

Có một dòng kênh mang tên Thủ tướng

Thứ Tư, 23/11/2022 | 15:45

Từ khu tưởng niệm trên quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long mà người dân Nam Bộ quen gọi thân mật là chú Sáu Dân, tôi theo “dấu chân” ông với hành trình vòng vèo hơn 700 cây số đi qua miệt đầm lầy “rốn phèn” Đồng Tháp Mười đến các con kênh xả lũ của tỉnh An Giang, Kiên Giang, rồi vòng về căn cứ vàm Chắc Băng, xuống rừng U Minh (Cà Mau), ngược lên Bạc Liêu, Sóc Trăng qua Trà Vinh... Mỗi địa phương tôi qua đều có những “công trình thế kỷ” của ông để lại. Mỗi công trình đó đều mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế, nâng cao đời sống người dân và còn giá trị đến hôm nay.

Dòng kênh được người dân địa phương gọi bằng cái tên dễ nhớ là “Kênh ông Kiệt” mang sức sống mới thông với kênh Vĩnh Tế (An Giang) vào mùa khô năm 1997 đã được đánh thức vùng đất hoang hóa ngập phèn Tứ giác Long Xuyên. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhớ mãi cảm xúc của mình khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó quyết định cho đào hệ thống kênh thoát lũ T4, T5, T6; dân địa phương mừng lắm, có người lại không tin là sẽ làm được, vì bao đời nay có “trị thủy” được vùng Tứ giác Long Xuyên đâu, cứ để mặc cho ông trời ban gì hưởng nấy.

Chỉ 4 tháng sau ngày khởi công, tuyến kênh dài 48km, rộng 40m, sâu 5 - 6m, trải dài từ An Giang qua Kiên Giang được đào xong. Một “đại công trình” thủy lợi nhanh nhất từ xưa đến nay trên vùng đất này. Ngày mở đập tạm ngăn kênh Vĩnh Tế với kênh T5 mới đào, mọi người vừa náo nức vừa hồi hộp chờ đợi. Ông Nhị không quên cảm xúc hớn hở, vui mừng khi dòng nước lũ đầu tiên từ kênh Vĩnh Tế cuồn cuộn đổ vào kênh mới đào để chảy ra biển Tây. Những con cá linh lấp lánh quẫy mình trong nước lũ để vào dòng kênh mới, bưng biền hoang hóa, đầy phèn chua đã được đánh thức để sức sống bừng lên mảnh đất này. Từ đó, kênh T5 đã được người dân địa phương tự gọi là kênh ông Kiệt hay kênh ông Sáu Dân như thay cho lời cảm ơn về tâm huyết và quyết sách hợp lòng dân của vị cố Thủ tướng. Tầm nhìn chiến lược khẩn hoang của các bậc tiền nhân đã được con cháu đời sau tiếp bước mở mang, phát triển đến tận hôm nay.

Các phương tiện vận tải tấp nập trên kênh T5. Ảnh: T.L

Với tầm nhìn xa trông rộng, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo và quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tạo ra hệ thống kênh T4, T5, T6 thoát lũ ra biển Tây làm thay đổi, thức tỉnh cả một vùng đất hoang hóa rộng đến hàng trăm ngàn héc-ta của vùng Tứ giác Long Xuyên. Từ cuộc sống bấp bênh, thiếu trước hụt sau, giờ đây hàng triệu cư dân vùng đất này đã an cư lạc nghiệp, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú nhờ sản xuất nông nghiệp từ chính vùng đất, công trình thủy lợi này mang lại.

Từ công trình rửa phèn, thoát lũ này, các địa phương đã phát triển thêm hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước… Từ đó, dân cư bắt đầu phát triển; hình thành nhiều vùng quê mới; phân bố dân cư khu vực biên giới, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới Tứ giác Long Xuyên.

Có lần được trò chuyện cùng GS-TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, ông cho rằng chính quyết sách táo bạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp người dân mở rộng sản xuất nông nghiệp, đưa Kiên Giang, An Giang trở thành địa phương đứng đầu về sản xuất lương thực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần nâng cao sản lượng xuất khẩu gạo lên hàng thứ nhất, nhì trên thế giới. GS-TS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh: “Lúc đó, có rất nhiều bàn luận của các chuyên gia và các vị lãnh đạo. Một nhóm trong đó có tôi nói bây giờ phải “khui” vùng phèn này ra thẳng biển Tây thì mới đưa được phèn ra. Sau khi đi xem, khảo sát vùng này, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có quyết định rất táo bạo, chấp thuận cấp kinh phí cho đào kênh này, khui vùng phèn ra thẳng biển Tây”.

Hiện nay, “dấu ấn” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn được khắc ghi trong cuộc sống của mỗi người dân An Giang, Kiên Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Ông không chỉ là một Thủ tướng, mà còn là ông Sáu Dân với tính cách thân tình, gần gũi đối với mỗi gia đình và người dân vùng đất này.

Hiện nay, nhiều con đường, trường học, công viên khắp các nơi trên cả nước được mang tên ông, thể hiện tình cảm, nguyện vọng của nhân dân luôn ghi nhớ, tri ân và biết ơn đối với công lao to lớn của ông hết lòng chăm lo đến đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Liên Phương

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.