Văn hóa - Nghệ thuật
Có một “đám lá tối trời” làm nên lịch sử…
Đầu tháng 6/2016, Báo Bạc Liêu tổ chức đoàn cán bộ, phóng viên đi học tập kinh nghiệm nghiệp vụ và tham quan tại một số tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Mỗi điểm dừng chân đã cho chúng tôi những trải nghiệm khá sâu sắc, ấn tượng hơn hết là truyền thống lịch sử cách mạng và những giá trị thuộc về văn hóa bản địa của tỉnh bạn.
Ở điểm đến tỉnh Long An, chúng tôi đã bồi hồi xúc động khi đứng trước Công viên tượng đài mang tên “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Nơi đã cho chúng tôi hiểu thấm thía vì sao mà những bài vọng cổ thật hay đã được các tác giả ưu ái viết dành tặng riêng cho mảnh đất trung dũng, kiên cường này…
Công viên tượng đài ấy là điểm tham quan đầu tiên của đoàn chúng tôi trong cuộc hành trình. Công trình tọa lạc tại khu phố Thanh Xuân (phường 5, TP. Tân An, tỉnh Long An). Buổi chiều hôm ấy mưa và gió đầy trời, nhưng lời giới thiệu của chị thuyết minh viên đã khiến lòng người nghe ấm lại. Ấm lại bởi xúc động, nghẹn ngào với truyền thống anh hùng, những hy sinh cao cả mà quân và dân Long An đã lấy đó để góp phần giành lại độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh thần thánh.
Qua lời giới thiệu, chúng tôi được biết công trình được khởi công xây dựng vào năm 2004 và khánh thành nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 28/4/2010). Trên khuôn viên 6ha ấy, Công viên tượng đài gắn với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” mà Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã phong tặng cho Long An vào năm 1967 cũng đã đại diện cho truyền thống lịch sử vẻ vang, khí tiết, cốt cách sáng ngời của những người con Long An năm xưa. Và sự tri ân, tôn vinh của hôm nay khi xây dựng một công trình bề thế cũng nhằm noi gương đầy tự hào để viết tiếp những trang sử vàng ấy! Công trình bề thế bởi đây là sự hội tụ của nhiều nhóm tượng đài, ở nhóm tượng người mẹ và chiến sĩ, từ nét điêu khắc thể hiện tính bi hùng nhắc nhở mọi người sống trong hòa bình, no ấm đừng quên công ơn của những người đã nằm xuống. Ở quần thể tượng kề bên được kết thành dáng rồng thiêng của dân tộc đang vươn mình bay lên như ý chí quật cường của Long An. Bệ rồng phía dưới là biểu tượng con thuyền cách mạng với khí tiết “trung dũng kiên cường” mà Đảng là người cầm lái đưa nhân dân và chiến sĩ Long An đến bến bờ chiến thắng. Khắc sâu vào bệ đá là biểu tượng tinh thần đoàn kết với hình tượng quân và dân, những đại diện cho 4 chữ vàng còn lại của Long An - “toàn dân đánh giặc”.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bạc Liêu nghe thuyết minh về “Đám lá tối trời” tại tầng hầm trưng bày của Công viên tượng đài “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Ảnh: H.T
Cảm giác lạnh người khi bước vào hầm trưng bày (được khoét xuống lòng đất) nhanh chóng mất đi, thay vào là cảm nhận rất thật về Long An của một thời kỳ đầy máu lửa, đạn bom. Không gian đêm tối mênh mông, tiếng côn trùng nỉ non, tiếng đạn bom, trực thăng pháo kích, hình ảnh dòng sông, rặng dừa nước, những cây tràm với tổ chim, ổ kiến vàng thật đến không ngờ. Chính vì sự tái hiện quá chân thật ấy, nên nhìn những chiến sĩ thương tích đầy người, máu loang một khúc sông, những chiếc cầu người để cứu thương kịp thời cho đồng đội... đã khiến ai cũng bồi hồi! Và kia là “đám lá tối trời”, một cái tên tôi nghe mà ngờ ngợ, quen quen. Lục tìm trong trí nhớ, thì ra, có lần, soạn giả Trọng Nguyễn đã đưa “đám lá tối trời” vào trong bản vọng cổ “Bên sông Vàm Cỏ” mà ông viết riêng cho Long An. Nhờ đến nơi này, tôi được biết thêm rằng có một “đám lá tối trời” đã đi vào lịch sử Long An. Đầy chất thi ca trong câu hát mang hình tượng “con chim sáo tật nguyền bay qua đám lá tối trời tìm bầy bạn”, “đám lá tối trời” ấy còn là nơi ghi lại một đoạn sử oai hùng của đất này. Từ năm 1945, “đám lá tối trời” (thuộc địa phận xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) được chọn làm căn cứ cách mạng của Long An vì đặc điểm địa hình có thể che mắt địch với những rặng dừa nước mọc um tùm đến “tối trời”. Trong trận càn năm 1966, căn cứ “đám lá tối trời” vẫn đứng vững, các cơ sở bên trong vẫn được bảo vệ an toàn. Kết thúc trận càn này, ta tiêu diệt khoảng 200 tên địch, trong đó có 4 tên cố vấn Mỹ, 1 đại úy bảo an, bắt sống một số tên, bắn chìm 1 tàu chiến, thu 30 súng (chiến thắng này cũng được phục dựng mô hình tại một gian trưng bày trong tầng hầm). Sau trận càn năm 1966, bọn địch hết sức kinh hoàng khi nhắc đến tên gọi “đám lá tối trời” và từ đó cũng không dám mở đợt càn quét nào vào đây nữa...
Đám lá tối trời với trạm quân dân y dã chiến, hình ảnh chuyển thương và cứu thương trong điều kiện hết sức khó khăn, những dụng cụ cứu thương cũng thật thô sơ, tiếng bom đạn cày xới bên hàng dừa mịt mù... Không gian đó đã khơi gợi cho chúng tôi một đoạn phim lịch sử hào hùng sống động nhất ở một địa danh rất đỗi bình thường, giản dị.
“Đám lá tối trời”, một địa danh trong những trang sử vẻ vang của Long An cũng đã đi vào một bài vọng cổ mà mỗi lần nghe, ai cũng ngấn lệ vì xúc động. Nhiều lần, nghệ sĩ Thanh Hằng đã hát trong nước mắt: “Chiều hôm sau con chim sáo bay đi, bỗng dưng nó không về nữa. Cây bần cô đơn, bóng mẹ cũng cô đơn, mẹ mới lẩm bẩm: chắc nó bay qua đám lá tối trời, tìm bạn thăm bầy bên vàm sông Nhật Tảo...”. “Mẹ ơi con chưa về thăm Rạch Cát, chưa qua đám lá tối trời nơi thằng Út đóng quân. Để gặp con chim sáo con bảo nó về với mẹ, cho gánh cô đơn vơi nhẹ ở bờ vai”... Hình tượng con chim sáo tật nguyền chọn cây bần trước nhà mẹ làm quê hương để như an ủi nỗi cô đơn của người Mẹ Việt Nam anh hùng lần lượt vĩnh biệt chồng và 6 người con, hình ảnh “đám lá tối trời” được lặp đi lặp lại như một điệp khúc bi hùng... Chọn những chi tiết đắt giá làm rơi nước mắt người nghe, người Bạc Liêu - soạn giả Trọng Nguyễn - đã dệt thành khúc ca bi tráng cho Long An.
Rồi lại có một “Dòng sông quê em” (nhạc Trương Quang Lục, vọng cổ Huyền Nhung) cũng viết: “Long An ơi chung thủy đợi chờ. Quê hương em là bài ca bất tận, trung dũng kiên cường đánh giặc toàn dân. Qua Vàm Cỏ Đông lại nhớ về Tân Trụ, hỏi nơi nào không mang kỷ niệm quê hương...”.
Mỗi nơi đi qua sẽ cho chúng ta những hiểu biết, cảm nhận mới về vùng đất, con người mà mình gặp gỡ. Về Long An trong hành trình này, chúng tôi đã hiểu vì sao những bài ca dành riêng cho Long An lại tràn đầy cảm xúc và dễ khiến người ta xúc động rồi trân quý đến như vậy! Có lẽ vì xúc cảm ấy được bật ra rồi hóa thành những lời ca để ngợi ca mảnh đất với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của đất anh hùng Long An.
Cẩm Thúy
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu