Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện về vị Đại tướng đi… xây chùa
Với phong cách thật giản dị với vài câu phát biểu ngắn gọn tại lễ khởi công xây dựng Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu, ít ai ngờ rằng, ông là người phát tâm xây dựng công trình tâm linh này, càng không biết rằng ông là một Đại tướng với những chiến công lẫy lừng trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Ông là Đại tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Phạm Văn Trà (bìa phải) cùng với lãnh đạo tỉnh và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu đặt đá khởi công xây dựng Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Đại tướng của dân
“Người xưa có nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, chính vì vậy lúc nào tôi cũng nghĩ mình là dân, chứ không phải là quan. Làm quan thì chỉ có một thời, làm dân thì mãi mãi. Cứ nghĩ mình là dân thì sẽ thoải mái, chẳng phải suy nghĩ gì. Nhiều người quan cách, khi làm quan không gần gũi dân nên khi về hưu mới thấy hụt hẫng vì không ai đến với mình. Còn tôi, từ khi về hưu, bạn bè, anh em vẫn đến với tôi rất đông”. Với suy nghĩ ấy, “anh Ba Trà” (cách gọi thân thương của nhiều người dành cho Đại tướng Phạm Văn Trà) đi đến đâu cũng được dân mến yêu. Ông giản dị, hiền hòa đến khó ngờ rằng đó là vị tướng lĩnh xông pha nhiều chiến trận với biết bao chiến công hiển hách, là niềm tự hào của quê hương Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Một vị Đại tướng với vóc người khiêm tốn, đến nỗi muốn tham gia vào quân ngũ phải bỏ đá vào túi quần để không bị thiếu cân. Đó là câu chuyện của chàng thanh niên 17 tuổi cách đây hơn 60 năm.
Xuất thân trong một gia đình có nhiều người tham gia cách mạng, chú và cha đều hy sinh trong những trận càn quét của địch càng nung nấu trong Phạm Văn Trà ý chí sẵn sàng xả thân cứu nước, trả thù nhà. 17 tuổi, chàng thanh niên ấy xin nhập ngũ. Xã không nhận với lý do thiếu tuổi, lại thấp bé nhẹ cân (dù đã mang thêm đá vào người), Phạm Văn Trà lên tỉnh, tỉnh cũng không đồng ý. Không nản chí, anh quyết lên quân khu xin tham gia chiến đấu, vì chiến trường đang cần người nên anh may mắn được nhập ngũ. 19/8/1953 là ngày anh không bao giờ quên: ngày chính thức đứng vào hàng ngũ quân đội, được cầm súng đánh giặc.
Phạm Văn Trà trực tiếp cầm súng chiến đấu ở những vị trí vô cùng hiểm nguy thời ấy, nhiều lần bị thương nhưng vẫn không làm người tân binh nao núng. Với những đóng góp xứng đáng, Phạm Văn Trà lần lượt được phong nhiều cấp bậc, từ một anh lính thông tin (1953), rồi sĩ quan quân giải phóng miền Nam (1964), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 - Quân khu 9 (1973), Tham mưu trưởng Sư đoàn 4, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 330 - Quân khu 9 (1975 - 1977), Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, tham chiến đấu tại Campuchia (1980), Phó Tư lệnh mặt trận 979, Phó Tư lệnh Quân khu 9 (1985 - 1988), Tư lệnh Quân khu 3 (1989 - 1993), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 12/1995), đến tháng 12/1997, được phân công giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
MANG TÂM HƯỚNG PHẬT
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có ghi chép: năm 1229, vua Trần Nhân Tông xuất gia tu tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, pháp hiệu Trúc Lâm Đầu Đà; Ngài được truyền thừa chính thức của phái Yên Tử. Từ đó, Thiền phái Trúc Lâm (còn gọi là Trúc Lâm Yên Tử, hay Trúc Lâm Tam tổ) hình thành. Một vị vua đã hai lần hiệu triệu toàn quân, toàn dân qua hội nghị Bình Than và hội nghị Diên Hồng đánh bại hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên, đem lại thanh bình, thạnh trị cho đất nước, rồi sau đó rời ngai vàng đi tu hành theo Thiền phái Trúc Lâm. Cuộc hành trình hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay của Thiền phái Trúc Lâm đã hướng đến tinh thần cao cả: “Đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trên tinh thần đó, Đại tướng Phạm Văn Trà đã đi khắp mọi miền đất nước, phát tâm xây chùa với tâm nguyện mong muốn khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm của vị Phật hoàng Trần Nhân Tông, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo của thiền phái này. Hiện nay, trên cả nước có trên 50 cơ sở lớn nhỏ thuộc hệ thống Thiền viện Trúc Lâm. Trong đó, vị Đại tướng đi xây chùa này đã chủ công xây dựng 6 ngôi chùa ở miền Bắc và 7 ngôi chùa ở miền Nam, trong đó có Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu vừa khởi công xây dựng trong tháng 5/2016 vừa qua.
Một Đại tướng bình dị, gần dân và mang tâm hướng Phật, đó là hình ảnh của vị Đại tướng đặc biệt mang tên Phạm Văn Trà. Hơn 80 tuổi, nhìn sự nhanh nhẹn, tháo vát khiến người ta dễ hình dung ra được thời trai trẻ oai hùng của ông, một anh tân binh thấp bé nhẹ cân mà lắm chiến công! Về Bạc Liêu xây thiền viện, ông chọn cửa Phật làm nơi tịnh dưỡng, nói chuyện Phật pháp, đạo - đời và gần gũi với bất cứ người dân nào khi họ bắt chuyện cùng ông. Với danh tiếng và uy tín của mình, Đại tướng Phạm Văn Trà đã hoàn thành ý nguyện vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp, phật tử khắp chốn xây dựng những ngôi Thiền viện Trúc Lâm trải khắp đất nước, trong đó ở miền Nam, tiêu biểu là Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP. CầnThơ). Cũng ý nguyện đó, anh Ba Trà tiếp tục phát tâm xây thiền viện cho Bạc Liêu, mai này sẽ trở thành một điểm đến tâm linh độc đáo, không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị dòng Thiền của Phật giáo Việt Nam, mà còn tạo cho nơi này một điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch.
Thiền phái Trúc Lâm có truyền thống Hộ quốc an dân cao quý, người sáng lập là một vị vua. Ngày nay, vị Đại tướng của dân đi xây thiền viện, tiếp tục sứ mệnh làm lan tỏa truyền thống cao quý ấy khắp mọi miền đất nước.
Cẩm Thúy
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu