Chuyện từ​ hạt muối Bạc Liêu

Thứ Hai, 15/08/2022 | 16:09

Ngày hội Tôm và Muối (trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 sắp tới) là hoạt động chưa có tiền lệ trên phạm vi cả nước! Khi trả lời phỏng vấn của báo giới về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện này, ở phía câu chuyện về muối, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Ngày hội nhấn mạnh rằng, đó là cách để nâng tầm giá trị cho nghề muối, cho hạt muối Bạc Liêu “phải làm sao để người làm muối sống được với nghề, khấm khá lên từ hạt muối”.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều trao bằng khen của UBND tỉnh cho những diêm dân đã có công gìn giữ và phát huy nghề làm muối tại Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”.

Nghiêng về phía diêm dân

Chia sẻ của Trưởng BTC làm tôi nhớ đến phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Cao Xuân Thu Vân (nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) trong lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” hồi cuối năm 2020. Đại ý là: cộng đồng và chính quyền địa phương phải tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống “Nghề làm muối Bạc Liêu”, đặc biệt là tập trung nâng đời sống cho bà con diêm dân trên địa bàn, xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu và quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ để thương hiệu này ngày càng bay xa.

Trong bao nhiêu mối lo và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo dành cho nghề muối, hạt muối Bạc Liêu, tôi thấy kết tinh lại chính là nỗi lo cho đời diêm dân. Những mùa “muối đắng” vì bấp bênh giá cả, hay những cơn mưa trái mùa làm ruộng muối tan thành nước mắt diêm dân cần lao chính là những gam màu tối trong bức tranh muối trắng bạt ngàn trên mảnh đất Bạc Liêu cả trăm năm qua...

Với hơn 100 năm phát triển, hạt muối Bạc Liêu đã gắn chặt với đất, với người như một phần hương vị không thể thiếu của quê hương. Dẫu cho có bao thăng trầm, khốn khó thì nhiều lắm những gia đình diêm dân ba, bốn đời rồi vẫn nối nhau bám lấy cái nghiệp cơ cực của cha ông. Để đến hôm nay, từ kinh nghiệm sản xuất của người xưa và những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật ngày nay, hạt muối Bạc Liêu đã được nâng lên tầm cao mới! Nghề muối Bạc Liêu được vinh danh từ bao nhiêu gian truân, khổ nhọc; hạt muối mùa nối mùa vẫn được kết tinh từ biển thành những hạt trắng ngần, vẫn là muối nhưng muối Bạc Liêu ngọt đầm vị mặn!

Thế thì hôm nay, khi đã được định giá trị ở tầm quốc gia, với trách nhiệm và lòng tự hào, chúng ta phải có cách phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này với đúng ý nghĩa, bản chất vốn có của nghề làm muối ở xứ sở mình.

Các sản phẩm từ muối Bạc Liêu. Ảnh: C.T

“Ngọt hóa” hạt muối Bạc Liêu

“Ngọt hóa” hạt muối - là cách nói ẩn dụ khi hạt muối hóa thân vào hình tượng nghệ thuật, là ca dao, vọng cổ…

Có chứng kiến diêm dân phơi mình trong nắng trên ruộng muối mặn rát bỏng đôi chân mới thấu nỗi vất vả của nghề muối. Vậy mà hình ảnh hạt muối hễ đi vào nghệ thuật là mặn mà, đáng yêu! Ai người Việt Nam chắc cũng biết câu “Tay bưng đĩa muối chấm gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Còn đây là hình ảnh hạt muối trong bản vọng cổ “Biển cạn” của soạn giả Ngô Hồng Khanh: “Cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển càng yêu Gành Hào... Muối Long Điền vẫn mặn nghĩa thủy chung, sao người con gái đồng bưng vội rời xa quê biển… Chiều nay tôi lại chèo ghe muối Bạc Liêu, như chở nặng tình quê đi khắp nẻo… Gành Hào ơi, mênh mông tình biển mặn, dẫu biển cạn non mòn tình ta vẫn mênh mông...”.

Tác giả Vưu Long Vĩ (Bạc Liêu) cũng đôi lần mượn hạt muối Bạc Liêu để đưa vào các sáng tác của mình. Khi thì gieo vào lòng khán giả tâm tư u hoài, khắc khoải với bản vọng cổ nhịp 16 “Chiều trên đồng muối Kinh Tư” (từng tạo dấu ấn ở một Liên hoan hát ru Nam bộ tổ chức tại Bạc Liêu), khi thì lắng đọng ngọt ngào với “Ngọt tình hạt muối Kinh Tư” (tiết mục đoạt Huy chương Vàng tại hội diễn Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông lần thứ XVIII - năm 2022). Dù mang vị mặn nhưng muối Kinh Tư, muối Long Điền và tựu trung là hạt muối Bạc Liêu thật đặc biệt khi được “ngọt hóa” trong từng câu vọng cổ.

Và giờ sự “ngọt hóa” cũng đang được hiện thực hóa theo nghĩa bóng. Nghĩa là, làm sao cho diêm dân sống được với nghề muối, khấm khá lên nhờ hạt muối, không còn tiếp diễn những mùa “muối đắng”, thì đó chính là câu chuyện làm “ngọt hóa” cho nghề muối và hạt muối Bạc Liêu đó thôi! 

Đó là việc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; tổ chức lễ hội muối định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho diêm dân ổn định cuộc sống, hướng dẫn và chuyển giao những ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng muối, giúp diêm dân an tâm gắn bó và tiếp tục trao truyền cho thế hệ sau về nghề làm muối.

Một di sản khi được công nhận thì chuyện quan tâm hàng đầu là bảo vệ, phát huy giá trị di sản đó. Cho nên đối với di sản “Nghề làm muối ở Bạc Liêu”, mối quan tâm hàng đầu là chăm lo cho người nắm giữ cái nghề di sản. Bởi, tựu trung lại, nhân vật gìn giữ nghề và để cho nghề thành di sản chính là những con người cần lao một nắng hai sương chắt chiu từng giọt biển để kết tinh vào hạt muối với bao nhiêu kinh nghiệm, nhọc nhằn trăm năm qua. Tất cả những dự định để tôn vinh, phát huy giá trị nghề, mối quan tâm dành cho nghề muối luôn hướng về phía đời sống diêm dân là vì vậy.

Ngày hội Tôm và Muối đang được xúc tiến với tinh thần chu đáo, khẩn trương chính là động thái thiết thực, ý nghĩa góp phần nâng chất cho con tôm, hạt muối Bạc Liêu. Làm cho hạt muối có giá trị và tiếng tăm vang xa cũng chính là nâng chất đời diêm dân trong thì hiện tại và tương lai khi nghề làm muối đã là di sản của quốc gia.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.