Văn hóa - Nghệ thuật
Chương trình văn hóa - văn nghệ dành cho thiếu nhi: Thiếu và yếu!
Bạc Liêu là tỉnh có phong trào văn hóa - văn nghệ (VH-VN) phát triển khá mạnh. Song, đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người lớn. Trẻ em chưa có nhiều chương trình VH-VN đúng với lứa tuổi của mình để thưởng thức, giải trí.
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền clip nhảy hiện đại rất phản cảm được diễn ra tại Công viên nước Đầm Sen (TP. HCM). Vũ công ăn mặc gợi cảm và thực hiện những động tác uốn éo bị cho là không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Được biết, chương trình này khởi động nhằm phục vụ các bạn nhỏ đến đây vui chơi trong kỳ nghỉ hè. Trước sự phản ứng gay gắt từ phía dư luận, chương trình đã buộc phải tạm dừng.
Từ vụ việc này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn: thiếu nhi đã và đang thụ hưởng chương trình VH-VN đúng với lứa tuổi chăng? Tại Bạc Liêu, tuy không xảy ra tình trạng quá mức như chuyện ở Công viên nước Đầm Sen, nhưng thực tế thiếu nhi tỉnh nhà đã và đang phải thưởng thức “ké” các chương trình VH-VN dành cho người lớn, do có quá ít chương trình dành riêng cho các em. Chương trình dành cho thiếu nhi chỉ quanh đi quẩn lại có liên hoan Hoa phượng đỏ, Hội trại Ước mơ hồng, hội thi Giai điệu tuổi hồng, các hoạt động văn nghệ vào dịp Quốc tế thiếu nhi, Trung thu, Ngày Nhà giáo Việt Nam. Giám đốc Nhà thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm - Nguyễn Chí Hiếu, thừa nhận: “Từ trước đến nay, Nhà thiếu nhi chỉ có các hoạt động năng khiếu hè cho thiếu nhi, chứ tổ chức các chương trình VH-VN thì vẫn còn hiếm hoi”. Ông Nguyễn Văn Ngươi, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Hồng Dân cũng cho biết địa phương này còn hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí nên đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các chương trình. Nếu được đầu tư đúng mức, thì việc tổ chức các chương trình VH-VN chất lượng phục vụ thiếu nhi sẽ không khó khăn nữa”.
Chương trình văn nghệ do Nhà Thiếu nhi Phùng Ngọc Liêm tổ chức chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Ảnh: H.T
So với người lớn, thiếu nhi chịu khá nhiều thiệt thòi trong việc hưởng thụ văn hóa tinh thần. Em Nguyễn Thoại Vy, 10 tuổi (phường 7, TP. Bạc Liêu) thổ lộ: “Em thấy các cô chú, anh chị có nhiều chương trình ca nhạc, ca cổ để xem, còn tụi em thì lâu lâu mới được một lần. Nếu có những chương trình ca nhạc có nhiều bài hát đúng với lứa tuổi tụi em, thì vui biết mấy!”. Do ít được sống trong không gian âm nhạc dành riêng cho mình, nên hệ quả là một bộ phận thiếu nhi chỉ biết giải trí bằng cách “ôm” điện thoại thông minh để chơi game, lướt web và đáng bận tâm nhất là tình trạng “yêu sớm” mà một phần nguyên nhân từ việc nghe những bài hát, xem những chương trình giải trí quá độ tuổi của mình.
Từ thực trạng trên, việc tổ chức đa dạng, phong phú các chương trình VH-VN dành cho thiếu nhi rất cần được quan tâm đúng mức. Trước tiên là tạo môi trường lành mạnh để thiếu nhi giải trí, sinh hoạt cộng đồng thay vì ngồi ở nhà ôm thiết bị điện tử thông minh. Bên cạnh đó, các chương trình văn nghệ này sẽ là cơ hội để ngành chức năng phát hiện những tài năng mới nhằm bổ sung vào phong trào VH-VN tỉnh nhà. Ông Nguyễn Chí Hiếu cho hay: “Dự kiến tháng 7 tới, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình văn nghệ định kỳ 2 tuần/lần, bao gồm nhiều năng khiếu như: đàn, hát, nhảy hiện đại… Hy vọng thông qua chương trình sẽ hé lộ nhiều tài năng để chúng tôi có kế hoạch đào tạo, chăm bồi ”.
Ngọc Vũ
- Những bí thư chi bộ gần dân, tận tụy với công việc
- Gắn kết tình nhân ái qua những suất ăn 0 đồng
- Phát động trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Hội thảo tuyên truyền pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
- Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025