Chung kết Hội thi Tiếng hát người làm báo “Âm vang vọng cổ”: Cái tình của nghệ sĩ không chuyên

Thứ Hai, 28/11/2022 | 17:18

Bởi vì không phải là dân chuyên nghiệp, những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, nhà báo hát chủ yếu bằng cái tình. Tình ở đây là tình yêu với câu vọng cổ, với một loại hình nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Bộ này và cái tình trong từng câu vọng cổ mà các soạn giả đã gửi thì người hát phải nhập tâm để thể hiện.

Tiết mục “Cây dừa nước mồ côi” của thí sinh Lê Hải Đăng (Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Bến Tre) và “Biển cạn” của thí sinh Lê Thái (Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Bạc Liêu) đoạt giải Nhì Hội thi. Ảnh: M.Đ - H.T

Ngọt từng câu ca

Ngân những điệu lý, lời nói lối, gác đầu vô vọng cổ hay “xuống xề” chưa ngọt, hát chưa chắc nhịp, chưa ăn đờn... mà Ban Giám khảo “bắt” được là chuyện không tránh khỏi! Nhưng quan trọng hơn cả là khi hát bằng cái tình, mỗi bản vọng cổ được các nhà báo thể hiện dễ gây cảm xúc cho người nghe.

Từ câu chuyện có thật, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) - soạn giả Trúc Linh đã viết bản vọng cổ “Bông bồn bồn rụng trắng” kể về mối tình không thành của hai người chung đơn vị, rồi gặp lại nhau sau mấy mươi năm xa cách, để “anh nói thương tôi trong sự ngỡ ngàng của đồng đội”. Câu chuyện đã trút vào từng lời ca đầy cảm xúc đã giúp cho Phạm Thị Cẩm Nguyên (Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Hậu Giang) đoạt giải Nhất Hội thi! NSƯT Đào Vũ Thanh thừa nhận Nguyên hát bằng cảm xúc, tâm trạng nên rất hay. Có lẽ vì vậy, mà dù dứt câu “biết nói sao cho dạ anh vừa, tóc em bạc trắng xin thay bông bồn bồn” Nguyên hát... lạ (vì trước giờ nhiều người hát, chưa nghệ sĩ nào hát như vậy - theo lời NSƯT Đào Vũ Thanh) thì cái cảm xúc thật thể hiện khi hát đã giúp Nguyên giành ngôi vị Quán quân Hội thi.

Tương tự, “Cây dừa nước mồ côi” - tiết mục mở màn cũng là giải Nhì của MC Lê Hải Đăng (Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Bến Tre) đã làm xúc động khán giả. Khi câu kết bản vọng cổ ngân lên “tôi gọi tôi là cây dừa nước mồ côi”, tôi thấy chị khán giả ngồi hàng ghế trước lấy vạt áo lau dòng nước mắt. Bản vọng cổ hay mà người ca nhập tâm thì lấy được cảm xúc người nghe là lẽ đương nhiên! 

Nhà báo ca vọng cổ chiếm được tình cảm khán giả bởi ca bằng cái tình, chất giọng ngọt trong tâm trạng như thế, chứ còn luyến láy cho đúng kỹ thuật, nhịp nhàng thì còn phải... học nữa. Mà nhà báo với ngồn ngộn công việc hằng ngày, học ca vọng cổ là chuyện xa vời. Tập dượt với thầy đờn để đi thi còn không được nhiều, đó là nỗi lòng của những thí sinh nhà báo khi tranh tài, giao lưu trong hội thi đặc biệt này.

Góp sứ mệnh gìn giữ vốn quý

Vọng cổ chắc chắn là di sản văn hóa phi vật thể của người Nam Bộ rồi, dù được thừa nhận chính thức hay chưa! Cho nên, Hội thi Tiếng hát người làm báo với chủ đề “Âm vang vọng cổ” khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ năm 2022 do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho 20 hội nhà báo khu vực tham gia chính là góp phần thực hiện việc gìn giữ phát huy giá trị một loại hình nghệ thuật độc đáo. Bằng những bản vọng cổ đặc sắc (dĩ nhiên, thí sinh nghiệp dư phải khéo chọn những bài bản của các soạn giả nổi tiếng, được nhiều người ca để dễ ca hơn), và những bản vọng cổ mang dáng hình xứ sở đã tạo nên thành công cho hội thi này. Nhiều khán giả đến từ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi thưởng thức trực tiếp tại Nhà hát Cao Văn Lầu đã chia sẻ cảm nhận chung: Hội thi thể hiện sự trân trọng nghệ thuật bản sắc của các nhà báo, nhiều thí sinh ca vọng rất truyền cảm, rất hay.

Hình ảnh quê hương, xứ sở được các soạn giả viết bằng cái tâm, cái tài, giờ được thể hiện bằng cái tình nghệ sĩ của những nhà báo lại càng tha thiết hơn, như “Biển cạn” của soạn giả Ngô Hồng Khanh đã được nhiều người ca, giờ “qua tay” phóng viên Lê Thái (giải Nhì, Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Bạc Liêu) lại ngọt lạ lùng! Khán giả Linh Nguyên (TP. Hà Nội) xem qua kênh YouTube của Đài PT-TH Bạc Liêu, nhận xét: “Tôi theo dõi cuộc thi thấy thí sinh Bạc Liêu có chất giọng ấm áp, truyền cảm rất hay”. Có lẽ vì anh là người Bạc Liêu, ca về xứ muối Bạc Liêu thì phải thấm chất mặn mòi rồi. “Biển cạn” của Bạc Liêu, “Chuyện hoa sen” của Đồng Tháp, “Cây dừa nước mồ côi” của thí sinh đến từ tỉnh Bến Tre..., từng tên đất cứ vào câu vọng cổ ngọt lịm. Hay Trần Thị Cẩm Thúy (giải Ba, Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Bình Dương) cũng tạo ấn tượng khi ca bản vọng cổ viết riêng cho nhà báo - “Ngòi bút nữ hoa”.

“Ca... rớt mà coi như không có chuyện gì xảy ra, vẫn ca bình thường kiểu như “chiến đấu” đến lời ca cuối cùng” - NSƯT Huỳnh Khải nhận xét vui như thế, nhưng cũng là cách ông khẳng định sự trân quý tình yêu nghệ thuật, yêu câu ca vọng cổ của những nhà báo. Chữ tình, sứ mệnh gìn giữ vốn quý của địa phương đã tạo nên thành công cho Hội thi này.

CẨM THÚY

Biên tập viên Phạm Thị Cẩm Nguyên (Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Hậu Giang): Góp phần lan tỏa giá trị của đờn ca tài tử

Phạm Thị Cẩm Nguyên - Quán quân Hội thi với tiết mục “Bông bồn bồn rụng trắng”. Ảnh: M.Đ

Là người con của miền Tây thì đờn ca tài tử, vọng cổ đã ăn sâu vào trong máu rồi, nên khi tham gia hội thi, có cơ hội được thể hiện khả năng này nữa thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn đối với tôi. Đây là cuộc thi để những người làm báo có sân chơi thư giãn sau những ngày cung cấp thông tin đến khán, thính giả gần xa. Đặc biệt, nghề báo là nghề tuyên truyền,  lan tỏa những giá trị nhân văn, sâu sắc nhất cho mọi người thì mong rằng cuộc thi sẽ là cách để chúng tôi lan tỏa giá trị của đờn ca tài tử - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Tạo nét đẹp trong xây dựng môi trường văn hóa ở các cơ quan báo chí

Đây là cuộc thi ca cổ đầu tiên trên phạm vi cả nước dành riêng cho đối tượng là người làm báo. Hội thi nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử, Cải lương, làm phong phú thêm các hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Hội thi cũng nhằm tăng cường sự giao lưu hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí, các nhà báo thuộc 20 hội nhà báo khu vực Đông và Tây Nam Bộ.

Các thành viên Ban Giám khảo đến với Hội thi không chỉ để chấm điểm, mà chính sự tâm huyết với nghề, các vị giám khảo đã góp ý hỗ trợ về kỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các thí sinh để góp phần làm cho phong trào ca vọng cổ phát triển sâu rộng hơn trong những người làm báo và tạo nét đẹp văn hóa trong phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam đang phát động.

Nhật Quỳnh (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.