Văn hóa - Nghệ thuật
Cây dừa trước cửa
Cây dừa ba tôi trồng tự hồi nào không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ khi tôi lên 5 - 6 tuổi thì cây dừa trước cửa nhà đã có và những tàu lá dừa đã che mát khoảng sân. Trên thân dừa khoảng huốt đầu người lớn một chút có một cái lỗ độ chừng to hơn cái chén ăn cơm một chút. Và cái lỗ bọng ấy đã trở thành mái ấm của những đôi chim chìa vôi về làm tổ để sinh sản.
Đám trẻ con trong xóm như tôi hồi ấy cũng từng leo lên đó xem coi có trứng chim không để mà lấy về luộc ăn. Có khi trứng đã nở thành chim non rồi thì cũng bắt đem về nuôi. Nhưng đa số là chỉ nuôi được một vài ngày thì chim con chết. Vì tụi con nít thường ham chơi hơn là quan tâm đến chuyện cho ăn và chúng thích ăn thứ gì.
Ba của tôi sau cuộc chiến tranh ông cũng mang trên người những vết thương. Cứ mỗi khi trời trở lạnh là ba lại than đau nhức. Có lẽ từ những vết thương trên cơ thể nên ba cũng thương cho cây dừa. Bởi cái lỗ trên thân của nó cũng do bom đạn của chiến tranh gây ra. Cứ chiều chiều, ba thường chống gậy ra trước cửa nhìn sông, ba suy nghĩ mông lung điều gì đó, rồi lại nhìn lên cây dừa...
Theo dòng thời gian, những đôi chim chìa vôi cứ đến cái lỗ bọng của thân dừa làm tổ để sinh con đẻ cái, rồi lại đi. Thấy tụi con nít hay leo trèo lên cây dừa để bắt chim, có lần ba tôi rầy: “Mấy đứa không được leo bắt chim nữa nghe chưa! Leo trèo lỡ trượt té thì sao? Chim nó đến ở thì để cho nó ở, tụi con không được phá phách tổ ấm của chúng”. Nghe ba tôi rầy nên từ đó đám con nít chúng tôi chơi gì thì chơi chứ không dám trèo lên bắt chim nữa. Có lẽ sự bình yên được sống giữa bầu trời tự do là niềm khát khao của ba, nên ba tôi cũng muốn những đôi chim kia chúng cũng được tự do bên bầu trời của chúng.
Cây dừa cứ ngày một thêm cao. Những đôi chim chìa vôi không bị quấy phá nên thường đến làm tổ, sinh con. Và tiếng hót của nó nghe cũng thanh thót hơn trong những sớm bình minh.
Ba tôi cứ ngày một thêm già, cộng thêm vết thương sau chiến tranh để lại trên cơ thể nên cứ hành hạ thân xác của ba mãi. Sức cùng lực kiệt, rồi ba cũng đi về cõi vĩnh hằng. Ở nơi đó chắc là ba đã gặp những đồng đội năm xưa của mình đã ngã xuống vì quê hương Tổ quốc.
Tôi bây giờ cũng thường ra phía trước cửa nhà để nhìn sông. Đơn giản chỉ vì tôi nhớ ba. Rồi tôi lại nhìn lên cây dừa. Nó đã lão quá rồi. Và không biết bao lâu nữa nó đi theo ba? Còn cái lỗ trên thân nó chim vẫn thường đến ở. Mẹ của tôi thường hay nhắc tôi câu: “Con nhớ la chừng chừng mấy đứa nhỏ, đừng có cho đứa nào leo lên cây dừa phá phách tổ chim, kẻo vong hồn ba con ổng buồn”.
Bây giờ tôi đã là người lớn. Tôi hiểu được đâu là sự bình yên và tự do mà ba của tôi luôn khao khát. Sáng nay, mặt trời nhô lên từng tia nắng thật ấm áp. Có đôi chim chìa vôi từ thân cây dừa bay ra cất những tiếng hót thật yên bình!
Lê Văn Trường
(Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng)
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu