Cần đào tạo nhân lực cho loại hình nghệ thuật Dù kê

Thứ Tư, 27/07/2016 | 16:41

Nghệ thuật Dù kê là sản phẩm trí tuệ, văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam bộ, ra đời trong quá trình lao động của người dân vào đầu thế kỷ XX. Thuộc loại hình sân khấu ca kịch có tính chất tổng hợp, Dù kê đòi hỏi một đội ngũ nhân lực có năng khiếu cả về ca, múa, cảm thụ âm nhạc và diễn xuất… Trong khi đó, trường lớp chuyên nghiệp để đào tạo đội ngũ này lại chưa có, đó là khó khăn chung trong việc đào tạo nhân lực cho sân khấu Dù kê hiện nay ở các tỉnh, thành phố, trong đó có Bạc Liêu.
Thực trạng…
Từ năm 2007 đến nay, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã gây tiếng vang với khoảng 10 vở Dù kê được Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ phát sóng trên phạm vi cả nước. Hơn nữa, với thế mạnh tổ chức những chương trình nghệ thuật tổng hợp, vừa ca múa vừa biểu diễn Dù kê, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu không chỉ làm hài lòng khán giả trong tỉnh, mà còn được đón chào nồng nhiệt khi đi biểu diễn ở các tỉnh bạn như Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang...
Thế nhưng, việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nghệ thuật Dù kê lại là một băn khoăn! Anh Lâm Thế Hiệp, Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, thẳng thắn nhìn nhận: “Với thực trạng trong công tác đào tạo nhân lực cho nghệ thuật Dù kê hiện nay nói chung ở nhiều tỉnh, thành phố, thì việc duy trì, gìn giữ nghệ thuật này đã gặp khó khăn, phát triển loại hình này thì càng khó khăn hơn…”. Theo anh Hiệp, khó khăn lớn nhất chính là công tác đào tạo nhân lực trên lĩnh vực này còn mang tính truyền nghề, chưa bài bản và chưa có tính thống nhất, hệ thống. Hiện nay, trên phạm vi cả nước vẫn chưa có trường nghệ thuật Khmer nên toàn ê-kíp như đội ngũ diễn viên, nhạc công, nhạc sĩ, biên đạo, biên kịch… thường do các đoàn tự đào tạo. Chính những hạn chế trong công tác đào tạo nhân lực đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình nghệ thuật này. Thật vậy, một đội ngũ nhân lực nắm vững các bài bản, thao tác, trình độ, kỹ năng đã khó tìm thì câu chuyện bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này càng khó khăn hơn!
Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu hiện có trên 30 diễn viên, nhạc công, trong đó có khoảng 5 diễn viên biểu diễn khá điêu luyện trên sân khấu Dù Kê, tiêu biểu là Hiệu Thị Liên đã đoạt huy chương Vàng và Thạch Thia đoạt huy chương Bạc tại liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê lần thứ I - năm 2013 tại tỉnh Sóc Trăng. Những diễn viên này đều học nghề theo cách thức được truyền đạt từ các nghệ nhân đi trước, ngoài ra họ chưa được học qua trường lớp chuyên môn!

Trích đoạn một vở Dù kê do Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu thể hiện. 
Ảnh: M.H

Giải pháp
Nghệ thuật Dù kê nói riêng, nghệ thuật Khmer Nam bộ nói chung có những nét đặc thù riêng so với các loại hình nghệ thuật khác, do đó đòi hỏi cần có chương trình đào tạo chuyên biệt với trường lớp chuyên biệt, sự truyền nghề là hữu hiệu nhưng sẽ dễ bị sai lệch, mai một theo thời gian. Điều đó có nghĩa là bên cạnh việc tôn trọng công việc tự đào tạo của các đoàn nghệ thuật, của người đi trước truyền dạy lớp trẻ thì cần nghiên cứu hình thành khoa văn hóa - nghệ thuật Khmer tại các trường trung cấp văn hóa - nghệ thuật hiện nay, về lâu dài tiến tới hình thành trường cao đẳng văn hóa - nghệ thuật cấp khu vực. Một đội ngũ giảng dạy chuyên nghiệp (sử dụng đội ngũ nghệ nhân chuyên nghiệp kết hợp giảng viên có trình độ) với giáo án, chương trình chuyên môn, bài bản thì việc đào tạo sẽ có kết quả tốt hơn. 
Khi chưa đủ lực để thực hiện giải pháp trên, trước mắt công việc cần nhanh chóng làm có lẽ là cần có chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý để động viên, khuyến khích những nghệ sĩ “gạo cội” tích cực tham gia truyền nghề cho lớp trẻ bằng nhiều hình thức, thu thập tư liệu, hình ảnh, ghi hình lại những bài giảng về sân khấu Dù kê để làm tư liệu tham khảo cho công việc giảng dạy sau này…
Rất nhiều việc cần phải làm trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực giữ gìn, kế thừa và phát triển nghệ thuật Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ, nhưng gốc rễ quan trọng của vấn đề, thiết nghĩ là sự quan tâm của Nhà nước đối với loại hình nghệ thuật này. Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đoàn nghệ thuật Khmer các tỉnh, thành phố cần quan tâm nhiều hơn đối với lĩnh vực sân khấu Dù kê với góc độ gìn giữ và pháy huy giá trị một di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc. Quán triệt được định hướng này mới tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực kế thừa đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đủ tài năng và phẩm chất để tiếp tục phát triển nghệ thuật Dù kê trong xã hội hiện đại.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.