Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer Nam bộ ở Bạc Liêu
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng bộ và chính quyền tỉnh quan tâm. Chiếm gần 8% trong tổng số dân ở Bạc Liêu, đồng bào Khmer với những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đã, đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy như một vốn liếng quý giá của văn hóa Bạc Liêu.
Bạc Liêu hiện có 32/64 xã có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đa số các xã đều nằm xa trung tâm kinh tế - văn hóa của tỉnh, nhiều xã là vùng căn cứ cách mạng, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer, thời gian qua các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên làm công tác dân tộc và sư sãi, đồng bào Khmer trong tỉnh về các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo gắn với triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng đối với công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer không chỉ có tác động tích cực đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bạc Liêu trong những năm gần đây.
Đồng bào Khmer ở Bạc Liêu đón tết Chôl - Chnăm - Thmây tại chùa Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Có thể phác thảo những nét chấm phá về đặc điểm của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ ở Bạc Liêu như thế này: Người Khmer có mặt ở Bạc Liêu khá sớm, họ có kinh nghiệm trồng lúa nước, tháo chua rửa phèn, tạo giống lúa mới… Người Khmer đến đây mang theo chữ viết riêng; những phong tục tập quán riêng. Phần lớn theo đạo Phật, thanh niên lớn lên thường phải xuống tóc đi tu, học giáo lý Phật học và học văn hóa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Bạc Liêu có 22 ngôi chùa Khmer, chùa không chỉ là nơi đọc kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Đó cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào dân tộc, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc ngũ âm, đội ghe ngo ở hầu hết các ngôi chùa Khmer. Chùa trở thành trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng người Khmer ở Bạc Liêu.
Cũng như nhiều tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer Nam bộ sinh sống, người Khmer ở Bạc Liêu gìn giữ những phong tục, nghi lễ thuộc về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời còn biết dung nạp văn hóa các dân tộc anh em trên đất Bạc Liêu là Kinh, Hoa; từ đó việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn đã như một chỉnh thể lại được kết tinh hài hòa thêm những nét đẹp đa sắc thái! Có thể tìm thấy những nét đẹp thuộc về phong tục, tập quán ăn sâu vào máu thịt của đồng bào, đó là ở những lễ hội truyền thống như: Chôl - Chnăm - Thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc… Mỗi lễ hội có những nét đặc trưng khác nhau nhưng tựu trung lại có những nét đặc điểm cơ bản như: chịu ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo. Các lễ hội mang tính thiêng liêng, trang trọng, các nghi thức trong lễ hội thường gắn với truyền thuyết tinh thần Phật giáo. Lễ vật giữ vai trò quan trọng trong việc dâng cúng trong lễ hội. Hội lễ thường kéo dài suốt đêm trong nhiều ngày. Những ngày lễ lớn, nhất là ban đêm, chùa đông đúc tín đồ, khách khứa. Hàng quán mọc lên đầy xung quanh chùa, sinh hoạt vui chơi và các lễ đọc kinh, cầu nguyện dài cỡ 2 - 3 giờ. Hội lễ thường gắn với các hình thức văn nghệ truyền thống của dân tộc. Trong các ngày lễ, chùa hay mời các đoàn nghệ thuật về biểu diễn miễn phí để phục vụ đồng bào. Những dịp hội hè, lễ tết như thế này, nghệ thuật cổ truyền của người Khmer được phát huy tác dụng, đó là sân khấu truyền thống Dù kê, Rô băm, các điệu múa dân gian như Sa-ri-ka-keo, Răm-vong… Các buổi biểu diễn mang đầy bản sắc văn hóa dân tộc. Một đặc điểm nữa là, vì người Khmer đa số làm nông nghiệp nên các lễ của họ thường tổ chức vào đầu mùa như lễ nhập hạ vào đầu mùa mưa, bắt đầu vụ mùa; lễ ra hạ bắt đầu vào cuối mùa mưa; tết vào mùa khô, lễ cúng Trăng vào vụ thu hoạch lúa nếp…
Tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer cũng được quan tâm bảo tồn. Những năm gần đây, Bạc Liêu đã đẩy mạnh việc đào tạo chuyên ngành văn hóa dân tộc như mở thêm lớp dạy chữ Khmer, các khóa dạy nghệ thuật dân tộc thiểu số, duy trì và phát triển các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân tộc thiểu số ở địa bàn khu dân cư và ở các chùa Khmer… Tỉnh đã nâng cấp Đội Thông tin Văn nghệ Khmer thành Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu với hơn 30 diễn viên chuyên phục vụ các chương trình văn nghệ, vui chơi giải trí cho đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Đài PT-TH Bạc Liêu thường xuyên nâng cao chất lượng của chương trình tiếng Khmer, Báo Bạc Liêu chữ Khmer cũng được phát hành miễn phí đến cộng đồng dân tộc Khmer, hầu hết người dân tộc thiểu số đều có phương tiện nghe nhìn chiếm 98%...
Nhiệm vụ gìn giữ những tinh hoa văn hóa người xưa để lại luôn được đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu chú trọng. Bên cạnh đó, còn có sự quan tâm từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan. Ngành VH-TT&DL thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; phục hồi và duy trì phát triển các lễ hội dân gian mang nét tiêu biểu của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong tỉnh, đây là động thái thực thi để góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các tộc người ở Bạc Liêu, trong đó có dân tộc Khmer Nam bộ nơi này. Tỉnh còn tổ chức tôn vinh những hạt nhân văn hóa, các nghệ nhân, nhân sĩ, trí thức, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc…
Trong hành trình du lịch về các tỉnh ĐBSCL, Bạc Liêu được đánh giá là “điểm hẹn văn hóa”. Thế thì, sự phong phú về “tài nguyên văn hóa” (trong đó có sự góp phần của các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Khmer) sẽ tạo thành thế mạnh để tỉnh phát triển. Như vậy, vấn đề phát huy và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer, phải được xem là nội dung cốt lõi để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển.
Nhật Quỳnh
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam