Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn nhạc ngũ âm: Câu chuyện dài!
Kỳ cuối: Khôi phục “hồn” dân tộc
Không có dàn nhạc ngũ âm để chơi, một số chùa đã “tùy cơ ứng biến” bằng nhiều hình thức khác nhau. Song, đó chỉ là cách “sở kẹt” trước mắt, về lâu dài ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ đồng bào Khmer bảo tồn “tài sản quý” của dân tộc, để điệu ngũ âm vang vọng mãi trong từng phum sóc.
“Tùy cơ ứng biến”
Không có nhạc cụ để chơi, một số chùa đã “tùy cơ ứng biến” bằng cách thuê đội văn nghệ ngũ âm của những chùa khác nhằm phục vụ lễ hội tại địa phương mình. Anh Trần Na Rinh, Đội trưởng Đội văn nghệ ngũ âm chùa Bupharam (chùa Cái Giá chót, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) cho hay: “Chúng tôi theo đuổi loại hình nhạc dân tộc này từ lúc thành lập đội văn nghệ đến giờ. Thành viên trong đội hầu hết là dân lao động, phải kiếm sống từng ngày, nhưng cứ ở đâu gọi biểu diễn phục vụ, chúng tôi đều tranh thủ, thậm chí bỏ cả việc nhà để đến. Vì niềm đam mê quá lớn nên không thể bỏ được!”. Niềm đam mê ấy đã thắp lửa cho mấy anh em đi qua nhiều vùng, nhiều tỉnh khác nhau với mong muốn giữ mãi những giai điệu của từng chiếc trống, chiếc đàn Rô-Niết-Ek.
Còn Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Đìa Muồng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) thì đưa ra sáng kiến phục vụ nhạc ngũ âm cho lễ hội ở địa phương bằng cách… mở đĩa. “Khi có lễ lộc, đám tang thì chùa mở đĩa, hay phát nhạc ngũ âm bằng thẻ nhớ (USB). Mỗi lần có đi đâu, tôi thường mua 5 - 7 đĩa để dành sử dụng. Vì chùa không có dàn nhạc thì phải “chữa cháy” bằng cách như thế, chứ thuê mướn dàn nhạc trong thời gian dài thì chùa không có điều kiện”, Hòa thượng Lý Sa Mouth chia sẻ.
Đội văn nghệ chơi nhạc ngũ âm tại chùa Cái Giá chót. Ảnh: N.V
Vang mãi điệu ngũ âm
Là người “nặng nợ” với văn hóa - nghệ thuật dân tộc, anh Thạch Si Phol không khỏi trăn trở trước tình trạng “vắng dần tiếng ngũ âm”. Anh đề xuất: “Trước mắt, Nhà nước cần sớm hỗ trợ dàn nhạc cho các chùa. Đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động để góp phần bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc này, chẳng hạn như: hội thi, liên hoan nhạc ngũ âm nhằm tạo điều kiện cho các đội văn nghệ có dịp giao lưu, tranh tài…”.
Trong khi đi tìm câu trả lời về phương hướng bảo tồn loại hình âm nhạc độc đáo này, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa xã đang có biểu hiện “đóng băng” vì không có hoạt động; vậy nên chăng, những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống có thể tạo phong trào sinh hoạt văn hóa - văn nghệ bằng cách đưa dàn nhạc ngũ âm vào đây sinh hoạt. Như thế sẽ vừa giúp các đội văn nghệ có nơi để sinh hoạt định kỳ, vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức loại “nhạc quý” của bà con đồng bào Khmer.
Mặt khác, trong lúc ngành “công nghiệp không khói” ở Bạc Liêu đang trên đà phát triển, chúng ta nên nghĩ đến chuyện đưa nhạc ngũ âm vào phục vụ du khách. Tiếng đờn, tiếng trống của dân tộc Khmer có thể khơi gợi cho du khách muốn khám phá nhiều nét đặc trưng của vùng đất giao thoa văn hóa Kinh - Hoa - Khmer tại Bạc Liêu.
Chúng tôi hy vọng rằng, mai đây khi đêm về trên các phum sóc, thì tại các thiết chế văn hóa xã vẫn hắt lên thứ ánh sáng ấm lòng người cùng với tiếng ngũ âm rộn rã, tắm tưới tâm hồn của đồng bào Khmer.
Ngọc Trân
- Tiếp tục sạt lở kênh 30/4, khóm Chòm Xoài
- Khai mạc Giải Tennis Nha sĩ Bạc Liêu lần 2
- Hơn 11.200 cán bộ, đảng viên trong tỉnh được quán triệt Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam