Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn đờn ca tài tử trong xu thế mới
Đờn ca tài tử (ĐCTT) ngày nay không chỉ đơn thuần là bộ môn nghệ thuật để giải trí, mà đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để gìn giữ “đặc sản” Nam bộ này thì chúng ta phải tích cực thực hiện công tác bảo tồn. Song bảo tồn như thế nào cho phù hợp với xu thế phát triển của thời đại là chuyện đáng bàn.
Ngay sau khi ĐCTT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì Bạc Liêu lập tức xây dựng đề án với tên gọi: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu” và bắt đầu triển khai thực hiện vào cuối năm 2014. Mục đích của Đề án không nằm ngoài việc tiếp tục khẳng định giá trị nghệ thuật của ĐCTT, đồng thời góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương V - khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Biểu diễn đờn ca tài tử trên sân khấu. Ảnh: N.V
Thật ra không đợi đến khi có đề án hoành tráng được ban hành, chuyện bảo tồn đã diễn ra một cách tự nhiên trong đời sống của người dân. Đó là việc “truyền nghề” qua các thế hệ của những gia đình có truyền thống ca hát. “Chúng tôi luôn trăn trở một điều rằng, phải xây dựng và bảo vệ mô hình gia đình tài tử ở Bạc Liêu, làm cho mô hình ngày càng được nhân rộng để công tác bảo tồn đạt kết quả tốt hơn”, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở VH-TT&DL) - Văn Công Diệp cho biết.
Bên cạnh đó, thời gian qua Bạc Liêu cũng chú trọng việc khuyến khích, khơi gợi lên niềm đam mê ĐCTT trong thế hệ trẻ, nhất là học sinh - sinh viên thông qua các hoạt động tập huấn, dạy đờn ca từ cơ bản đến chuyên sâu. Tuy nhiên, theo ý kiến của những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này thì để thế hệ trẻ có khả năng nối nghiệp các tiền bối, không thể dừng lại ở chuyện tập huấn ngày một ngày hai. Cần xem bộ môn này như một môn học chính khóa, chứ không phải là hoạt động ngoại khóa nữa. Có như thế mới có thể tạo ra lớp kế thừa có trình độ nhất định.
Ở một khía cạnh khác, nếu muốn tạo sức hấp dẫn để thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt, thì nhất thiết phải làm đối tượng thưởng thức ĐCTT “cảm” được những gì mà loại hình nghệ thuật này mang lại. Ngày trước, “chơi” tài tử rất mộc mạc: chỉ cần cây đờn kìm (có khi thêm cây đờn cò) và chiếc chiếu trải trước sân nhà rộng rãi, thoáng mát là có thể đờn ca tới sáng! Song, ĐCTT ngày nay không chỉ để chơi cho thỏa niềm đam mê, mà còn để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển du lịch, văn hóa… nên đòi hỏi ĐCTT phải có những khuôn mẫu mới thì mới hấp dẫn du khách. Sự chuẩn bị của Bạc Liêu ở khâu này có thể thấy được nỗ lực rất lớn trong việc đưa ĐCTT vào phát triển du lịch, và phần nào thực hiện việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này theo kịp với thời đại. “Làm sao đáp ứng được tính hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng, truyền thống của ĐCTT, đó chính là vấn đề cấp thiết mà chúng ta cần làm hiện nay”, ông Văn Công Diệp bày tỏ.
Ngọc Trân
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu