Văn hóa - Nghệ thuật
Bảo tồn bánh dân gian Khmer
Bánh gừng và bánh ớt là hai loại bánh dân gian truyền thống, thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Khmer. Tuy nhiên, hai món ăn đặc sản này đang dần mai một trong đời sống hiện đại. Do đó, việc tạo dựng thương hiệu là một giải pháp cần thiết để khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với bánh dân gian, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của bà con phum sóc.
Độc đáo đặc sản dân gian Khmer
Cũng như các dân tộc anh em trên đất Bạc Liêu, văn hóa ẩm thực của người Khmer hết sức phong phú và độc đáo. Trong đó, bánh gừng và bánh ớt là những đặc sản dân gian gắn liền với đời sống của người dân phum sóc. Bánh được làm từ những nguyên vật liệu đơn giản nhưng hấp dẫn bởi vẻ ngoài bắt mắt giống củ gừng, trái ớt - những nông sản quen thuộc với mọi người.
Trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây hoặc Sen Đôn ta, bánh gừng và bánh ớt được các gia đình dâng lên bàn thờ tổ tiên để nhắc nhớ công ơn, sự vất vả của cha ông đã làm ra hạt lúa, hạt nếp. Đặc biệt, bánh gừng còn là lễ vật không thể thiếu trong những dịp đám hỏi, đám cưới của người Khmer, bởi loại bánh này tượng trưng cho sự chung thủy, keo sơn của đôi vợ chồng. Ông Danh A (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Vào những ngày tết cổ truyền của người Khmer, nhiều gia đình thường quây quần bên chái bếp để làm bánh gừng, bánh ớt. Thanh niên lo phần nhào bột, thiếu nữ khéo tay thì nặn bánh, còn các cụ già phụ trách chiên bánh và ngào đường cát. Trải qua nhiều thế hệ, việc làm bánh đã trở thành nét văn hóa truyền thống của phum sóc”.
Gần 10 năm qua, gia đình bà Tăng Thị Lan (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) vẫn chung thủy với nghề làm bánh gừng, bánh ớt. Ban đầu, gia đình làm bánh chỉ để cúng tổ tiên, đãi khách trong những ngày lễ quan trọng. Được bà con trong phum sóc hết lời ngợi khen, gia đình dần phát triển thành nghề mưu sinh. Với nghệ nhân dân gian này, việc làm bánh không những phát triển kinh tế, thắt chặt hơn tình cảm gia đình, mà còn rèn cho người phụ nữ Khmer nhiều đức tính tốt đẹp.
Bánh gừng và bánh ớt Bạc Liêu tham gia lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V - 2016 tại TP. Cần Thơ. Ảnh: H.T
Cần được bảo tồn
Trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục, tập quán cổ truyền của đồng bào Khmer ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong đó, việc làm bánh gừng, bánh ớt cũng không còn được người dân “mặn mà” như trước. Vẫn có mặt trong nhiều gia đình, song món ăn này phần lớn được người dân mua ở chợ. Về phum sóc trong những mùa lễ hội đã vắng đi cảnh nhà nhà rộn ràng làm bánh gừng, bánh ớt.
Mới đây, Bạc Liêu tham dự lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ V - 2016 tại TP. Cần Thơ. Cùng với các loại bánh khác, bánh gừng và bánh ớt đã thu hút sự quan tâm, thưởng thức của nhiều thực khách. Kết quả, đặc sản dân gian Khmer này đã được Ban tổ chức trao huy chương Vàng. Theo ông Vương Duy Bảo, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VH-TT&DL thì sức hấp dẫn của bánh gừng và bánh ớt nằm ở sự dân dã về nguyên vật liệu và cách chế biến. Đặc biệt, việc kết hợp thêm một số loại rau, củ như: bồ ngót, trái gấc… đã làm cho món bánh của Bạc Liêu khác biệt so với các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh - những địa phương có văn hóa ẩm thực Khmer vô cùng đặc sắc.
Có thể nói, kết quả này đã phần nào phản ánh sự độc đáo của món bánh gừng và bánh ớt. Và đây cũng là cơ hội để Bạc Liêu tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho bánh dân gian Khmer trước nguy cơ mai một. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng phòng VH-TT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Với những thành công đạt được tại lễ hội, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đề nghị công nhận thương hiệu bánh gừng, bánh ớt cho xã Hưng Hội. Đây là việc làm cần thiết để khai thác tối đa giá trị của bánh dân gian Khmer, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đồng bào phum sóc. Sắp tới, huyện sẽ đưa hai loại bánh này vào các điểm du lịch của địa phương và trong tỉnh để quảng bá, giới thiệu nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer”.
Để xây dựng thương hiệu cho hai món bánh này, ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ những nghệ nhân Khmer trong quá trình làm thủ tục, quảng bá sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thi “làm bánh khéo”… để khuyến khích và khơi dậy trách nhiệm của bà con Khmer trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy hơn nữa nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
HỮU THỌ
- Xã Định Thành và Định Thành A đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
- Tọa đàm kỷ niệm Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam
- 21 thí sinh tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi cấp thành phố năm học 2024 - 2025
- Gần 100 vận động viên tranh tài tại Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025
- Xây dựng dữ liệu cho bản đồ du lịch thông minh tại Bạc Liêu