Văn hóa - Nghệ thuật
Bánh lá rau mơ
Sau mấy ngày mưa tầm tã, thấy trời nắng ráo, Út lội ra vườn hái mớ rau vào chấm mắm kho thì thấy mấy dây mơ lông, không biết ai trồng hồi nào mà bỏ vòi, ra lá non mơn mởn. Vậy là Út vừa bứt dây giải thoát cho mấy cây mít tố nữ, vừa lựa ngắt lá ngon, tiện tay hái thêm mớ lá mít, với dự định hái xong rổ rau sẽ ra cuối vườn kiếm trái dừa khô rụng, chuẩn bị cho món bánh lá rau mơ…
Út có ấn tượng với món bánh lá rau mơ này là vào hè năm lớp 1. Lúc về quê thăm ông bà, bà ngoại kêu dì Út ra vườn hái lá rau mơ vô làm bánh cho Út ăn. Dì Út chỉ lớn hơn Út vài ba tuổi, nên tuy theo vai vế thì là dì cháu, nhưng trông cứ như đôi bạn, rất thân nhau. Khi ra vườn hái lá, dì dụ Út vò nhẹ lá mơ rồi đưa lên mũi ngửi, rất thơm. Út tin lời dì, làm theo thì nhăn mặt, lè lưỡi, trong lúc dì Út phá lên cười nắc nẻ. Dì nói: “Thơm dữ hôn? Lá mơ lông này người ta còn gọi là lá… thúi địt, nên nó có mùi thơm kinh dị lắm!”.
Cũng lần ấy, tuy rất dị ứng với cái mùi của lá mơ lông, nhưng Út bắt đầu thấy thích với cái cách tạo hình bánh đơn giản này: chỉ cần ngắt cục bột đã pha sẵn nắn, ấn dẹp theo chiều dài cọng lá dừa…
Khi bánh chín, nhớ lại cái mùi khó ngửi của lá mơ lông, Út cũng hơi ngần ngại, nhưng được sự khuyến khích của bà, Út nếm thử thì thấy bánh rất thơm, lại thêm vị béo, ngọt của nước cốt dừa, đậu phộng… Vậy là đâm ra ghiền ăn, lúc nào về quê cũng mè nheo ngoại với dì làm món bánh lá rau mơ. Không chỉ thích ăn, Út còn thích được nạo dừa, nắn bột.
Nhờ những lần vào bếp với bà mà Út cũng biết cách làm món bánh ưa thích này. Cách làm tuy đơn giản, nhưng khâu chuẩn bị hơi lách cách: Khoảng 200g lá mơ rửa sạch, cắt nhỏ xay với ít nước lọc để lấy 200ml nước cốt. Khoảng 700g dừa nạo ngâm với chút nước ấm trong vài phút, vắt lấy 400ml nước cốt; sau đó cho thêm chút nước để vắt lấy 300ml nước dão. Vài cọng hành lá xắt mịn. Một nắm đậu phộng rang vàng, bỏ vỏ, giã dập. Cho 300gr bột gạo, 30g bột năng, 10g đường, tí xíu muối, nước rau mơ và 100ml nước dão dừa nhồi đều, sao cho thành phẩm là một khối bột không dính tay là được. Vì cây dừa cao quá, nên Út không hái lá được, nên thay bằng lá mít để nắn bánh. Nắn một lớp bột mỏng đều lên lá (mặt có gân), cho vào xửng nước sôi hấp khoảng 8 - 10 phút (tùy theo độ dày của lớp bột), khi bột trở trong là bánh chín.
Bánh có ngon hay không một phần còn ở khâu thắng nước cốt dừa. Cho phần nước dão dừa còn lại (200ml), 20g bột năng, 40g đường, tí xíu muối, khuấy đều, bắc lên bếp, vặn lửa nhỏ nấu sôi, cho nước cốt dừa và hành lá vào, đảo đều rồi tắt bếp. Bánh chín bóc ra khỏi lá xếp vào dĩa, chan nước cốt dừa, rắc đậu phộng lên (xem ảnh) và thưởng thức …
Cũng ngần ấy nguyên liệu, cũng hương vị của món bánh dân dã năm nào, nhưng giờ thì ngoại không còn nữa, dì Út thì lấy chồng xa…, Út nhớ về ngày tháng cũ với một thoáng ngậm ngùi!
N.B
- Tiếp tục tập trung các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông
- ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thảo luận tại tổ đối với nhiều dự án Luật
- Rà soát nhu cầu chuyển trường về Cà Mau của con cán bộ
- Huyện Hồng Dân: Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2 - năm 2025 cho các đảng viên cao niên
- UBND TP. Bạc Liêu: Hạn chế lưu thông qua cầu treo Phường 8