Bạc Liêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 26/12/2022 | 16:22

Với nhiều lợi thế sẵn có, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh đã định hướng chiến lược phát triển cho du lịch (DL) Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm DL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà trước mắt là trung tâm tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (gồm 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).

Để đạt được mục tiêu này, có 3 lĩnh vực được tập trung phát triển là: trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện khí và điện mặt trời); trung tâm nuôi tôm công nghệ cao và trung tâm DL.

Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu) là sản phẩm DL OCOP 4 sao đầu tiên của ĐBSCL. Ảnh: H.T

Nền tảng xây khát vọng

Bạc Liêu xây dựng nền tảng khá vững vàng để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm DL của tiểu vùng Bán đảo Cà Mau. Trước hết, đó là quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc xác định DL là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Có thể thấy, ít có tỉnh, thành phố ở khu vực ĐBSCL mà trong vòng chưa đầy 10 năm đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về DL! Nếu như Nghị quyết 02 (năm 2011) Bạc Liêu đặt mục tiêu khiêm tốn nhằm kích thích sự phát triển DL với những giải pháp căn cơ; thì đến Nghị quyết 11 (năm 2018) Bạc Liêu đã mạnh dạn đề ra những mục tiêu mang tính vươn cao, cụ thể là xác định đến năm 2025, sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, DL thật sự trở thành một trong 5 trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm DL của ĐBSCL.

Những năm gần đây, Bạc Liêu đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm DL, dịch vụ DL, đặc biệt là các sản phẩm DL văn hóa, DL tâm linh, DL sinh thái... từng bước khẳng định được thương hiệu trong khu vực và cả nước, được thị trường đón nhận, du khách ưa thích và được hầu hết các doanh nghiệp lữ hành lớn đưa vào chương trình tua, tuyến khai thác có hiệu quả. Có thể điển hình như DL văn hóa gắn với giá trị bất hủ của bản “Dạ cổ hoài lang” và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, DL gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu, DL văn hóa tâm linh với các cơ sở tôn giáo nổi tiếng như: khu Quan âm Phật đài (TP. Bạc Liêu), chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi), Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai)...; DL xanh tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh sinh thái rừng ven biển; DL nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghệ cao; DL sinh thái - cộng đồng kết hợp tham quan các vườn chim, vườn cò, vừa phát triển DL vừa kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học...

Sản phẩm DL gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu là một trong những thế mạnh của DL Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Không ngừng làm mới

Hiện nay, Bạc Liêu có 10/43 điểm DL được Hiệp hội DL ĐBSCL công nhận là điểm DL tiêu biểu, nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tuy nhiên, không tự mãn với những gì đang có, Bạc Liêu đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp làm mới, nâng cấp, bổ sung thêm các sản phẩm DL để thu hút du khách. Trước mắt là tập trung khai thác có hiệu quả Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP. Bạc Liêu) - đây là sản phẩm DL OCOP 4 sao đầu tiên của ĐBSCL; khẩn trương xây dựng Đề án phát triển DL nông nghiệp vùng Bắc Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, Căn cứ Cái Chanh (huyện Hồng Dân) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, sắp tới Bạc Liêu sẽ tiếp tục trình hồ sơ đề nghị công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Tháp cổ Vĩnh Hưng. Nếu được công nhận, Bạc Liêu sẽ là một trong số ít các tỉnh ĐBSCL có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, đây sẽ là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển DL.

Dự báo thời gian tới, hạ tầng dịch vụ DL Bạc Liêu sẽ có bước phát triển vượt bậc với nhiều dự án đã được khởi công và chuẩn bị khởi công với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Nguyễn Hoàng... hứa hẹn sẽ là động lực để tiếp tục thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng dịch vụ DL Bạc Liêu. Tuyên truyền, quảng bá, liên kết, mở rộng các mối quan hệ hợp tác về DL ngày càng được chú trọng mà dấu mốc quan trọng là trong năm qua, Bạc Liêu đã tổ chức nhiều sự kiện DL lớn, tiêu biểu nhất là tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - DL Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.

Để hiện thực hóa quyết tâm của Bạc Liêu trong định hướng phấn đấu trở thành một trong những trung tâm DL của ĐBSCL, mà trước mắt là tiểu vùng Bán đảo Cà Mau; Sở VH-TT-TT&DL cũng đã đề xuất Bộ VH-TT&DL quan tâm hỗ trợ, tư vấn cho Bạc Liêu xây dựng Đề án phát triển DL Bạc Liêu trở thành trung tâm của tiểu vùng Bán đảo Cà Mau, hướng tới trở thành một trong những trung tâm DL của ĐBSCL, Đề án phát triển sản phẩm DL Bạc Liêu, mà trước mắt là tập trung phát triển một số sản phẩm DL mang đặc trưng của Bạc Liêu. Bên cạnh đó, còn là việc hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tua, tuyến DL đến Bạc Liêu, các tua, tuyến liên kết giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trong khu vực, đặc biệt là tiểu vùng Bán đảo Cả Mau; hỗ trợ tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp DL lớn đầu tư vào Bạc Liêu và tiểu vùng Bán đảo Cà Mau; tạo điều kiện cho Bạc Liêu đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế để khai thác và phát huy giá trị các công trình văn hóa, thể thao của tỉnh, thông qua đó quảng bá hình ảnh DL Bạc Liêu đến với du khách trong và ngoài nước.

Trần Thị Lan Phương (Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.