Bạc Liêu không thiếu món ngon!

Thứ Sáu, 07/07/2017 | 15:36

Mới đây, khi đánh giá về các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, một vị lãnh đạo của ngành Văn hóa cho rằng: “Món ăn Bạc Liêu rất nghèo nàn”. Nói vậy, thật không đúng chút nào, vì Bạc Liêu vốn giàu sản vật thì món ăn làm sao nghèo nàn cho được?! Chẳng qua là ngành quản lý vẫn chưa khai thác được các món ngon và đưa các món ngon ấy trở thành đặc sản.

Giàu món ngon
Với một tỉnh có vị trí địa lý và điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu có vô số món ngon. Đó là các món ăn còn mang đậm hương vị nồng nàn của hương lúa, vị mặn của biển. Nếu về các địa phương vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, chỉ tính riêng đặc sản đồng quê cũng có đến hàng chục món khiến du khách háo hức được trải nghiệm, khám phá như: mắm chua không xương ăn kèm rau rừng với thịt ba chỉ luộc; cá trê vàng chiên chấm nước mắm gừng; năn bộp nhúng thịt trâu kho; cá bống tượng chưng tương; đọt choại và vô số loại rau đồng non ngọt lạ lùng khác nhúng cá lóc đồng nấu hèm; nhất là món tôm hấp trái dừa hay tôm càng xanh nướng chấm muối ớt thì ngon không tả nổi. Anh Nguyễn Thành, một người bạn ở TP. HCM được mời ăn món tôm hấp tỏ ra rất phấn khích, vì lâu nay dân thành phố cứ đinh ninh rằng “đã là con tôm sú là phải sống ở nước mặn, chớ ngờ đâu lại được ăn tôm tươi sống ngay trên đất lúa và nuôi bằng quy trình sinh thái cho sản phẩm sạch”. Chỉ chi tiếc nhỏ này thôi, con tôm Bạc Liêu đã có thể tạo thêm sức hút cho thực khách và làm cho các món ăn được chế biến từ tôm sẽ hấp dẫn hơn.
Nếu vùng ngọt du khách có thể thưởng thức các món ngon mang lại từ đồng quê, thì ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A đặc sản mang lại từ biển cũng phong phú và hấp dẫn không kém. Đó là các món ngon được chế biến từ cá và nhiều loại thủy hải sản như: lẩu đầu cá rún nhúng rau xanh; cháo cá khoai; cháo hàu; dưa bồn bồn chấm cá nâu kho trái giác; mực hấp nước dừa; nghêu hấp Thái; sò huyết rang muối; cua gạch son rang me… 
Qua đó cho thấy, Bạc Liêu “không nghèo” món ăn, thậm chí rất giàu, quan trọng là ngành quản lý đã khai thác được các món ngon này hay chưa. Hay các món ăn này kinh doanh theo kiểu tự phát, thay vì xây dựng các điểm bán để du khách thích món ngon nào là được thưởng thức ngay món đó, thậm chí xây dựng thương hiệu cho các món ngon chuyên phục vụ khách du lịch. Bởi một trong những tiêu chí để thu thút du khách lâu nay đứng đầu vẫn là ẩm thực, sau đó mới đến khám phá cảnh đẹp, nghỉ dưỡng và vui chơi, mua sắm.

Bánh tằm Ngan Dừa ở huyện Hồng Dân. Ảnh: L.T

Cần phát huy tính cộng đồng
Với một tỉnh có nền văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa càng làm cho các món ngon không ngừng được bổ sung và giao thoa về văn hóa. Như món bánh tằm Ngan Dừa ở huyện Hồng Dân đã phản ánh sinh động sự gắn kết này và làm cho món bánh ngon khó tả. Nếu như người Khmer có công tạo ra cọng bánh tằm trắng nhỏ ngon béo, thì người Hoa lại có công làm cho món bánh ngon hơn khi kết hợp thêm xíu mại và cả thịt heo quay. Rồi món ngon ấy lại không thể thiếu món nước mắm chua cay với ớt đỏ, tỏi trắng giã nhuyễn chan vào bánh tằm, làm cho món này không chê vào đâu được.
Ngoài những món ngon có sự giao thoa về văn hóa, ở mỗi dân tộc đều có các món ngon mang đậm tính truyền thống. Nếu khai thác được các món này, sẽ làm phong phú thêm nền ẩm thực của địa phương. Và quan trọng hơn là tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách. Bởi phần lớn du khách hiện nay, không chỉ có nhu cầu thưởng thức món ngon, mà còn thông qua món ngon để trải nghiệm và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Như món bánh bột đỏ của người Triều Châu mà dân gian gọi là “àn cuối” vốn trở thành món bánh thể hiện nét văn hóa đặc thù của cộng đồng người Hoa. Và ở nhiều nơi, món bánh này được xếp vào đặc sản phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, món bánh này ở Bạc Liêu chỉ xuất hiện vào các ngày lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa, chứ ít được bày bán để phục vụ khách du lịch.
Đề cập đến những chuyện này để thấy rằng, Bạc Liêu có rất nhiều món ngon chưa được khai thác, mà nguyên nhân chính vẫn là chưa phát huy được vai trò của cộng đồng. Trong khi, đối với phát triển du lịch, việc phát huy vai trò và thu hút được sự tham gia tích cực của cộng đồng chính là nền móng cho phát triển bền vững. 
Xét ở góc độ nào đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính xã hội hóa cao. Do đó, hoạt động phát triển du lịch cùng với sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế phải phát huy cho được tính cộng đồng. Một bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch ở nhiều quốc gia cho thấy, muốn phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Vì khi vai trò cộng đồng được phát huy, sẽ có những tác động tích cực trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động, thậm chí chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động chuyển từ nghề nông sang làm dịch vụ du lịch (như việc tổ chức tham quan nhà cổ, nhãn cổ gắn với mô hình “một ngày làm nông dân” ở xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông để cảm nhận sinh hoạt của gia đình người Hoa ở khu vực này). Đây sẽ là yếu tố tích cực góp phần làm giảm tác động của cộng đồng đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên. Đồng thời, qua đó sẽ góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường, khôi phục và giữ gìn các làng nghề truyền thống, phát triển thêm nhiều món ăn ngon khi du lịch thật sự trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình… Đây chính là một trong những giải pháp đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 43/KH-UBND tỉnh về thực hiện Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc huy động toàn xã hội tham gia làm du lịch gắn với phương châm: “Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”.
Lư Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.