Văn hóa - Nghệ thuật
Bà cụ và gánh chè
Bà cụ ấy đã già lắm rồi. Nghe mẹ nói đã thấy bà ngồi bán chè cả chục năm nay. Bà thường mặc cái áo len màu ghi cũ sờn và mái tóc đã bạc gần hết. Bà bán hai loại chè: đậu trắng và đậu đen. Nhưng hình như người ở xóm tôi không khoái ngọt nên ngày nào tôi cũng thấy gánh chè của bà chỉ vơi một nửa từ khi quảy gánh ra khỏi nhà tới lúc trời đã tối sẫm.
Nhưng tôi lại là đứa khoái ăn quà vặt và hảo ngọt. Cứ xế chiều, tôi lại thích thú đến chỗ bà ngồi ăn hai chén chè và nghe bà kể chuyện phiếm. Đủ cả mọi thứ, từ chuyện Tấm Cám xa xưa, cả đến chuyện cây mận đầu xóm mãi không ra trái, hay là chuyện về người con trai duy nhất của bà. Bà bảo, đó là người con mà bà hy vọng và cũng hãnh diện nhiều lắm. Anh đang học trên một trường đại học danh tiếng ở thành phố. Có khi cả năm anh chỉ về mấy ngày Tết, dúi cho bà chút tiền, rồi lại đi mất. Mà có khi anh cũng không về. Tôi không góp gì vào câu chuyện của bà, mà chỉ ngồi im lắng nghe vì tôi biết bà rất cô đơn và cần người tâm sự. Mẹ tôi bảo, có lần ghé ăn chè mà cứ thấy bà dụi mắt mãi, rồi lắc đầu nói: “Sao lâu rồi chưa thấy thằng con về thăm”.
Số lần tôi đến gánh chè của bà ngày một tăng, đủ khiến cho bà nhớ rõ mặt mình. Thường thì chén chè của tôi bao giờ cũng nhỉnh hơn người khác. Trong tâm trí trẻ con lúc đó, tôi ước mình được làm con cháu của bà để được ăn chè đến thỏa thích.
Có lần tôi thắc mắc khi thấy bà cứ bán mãi hai loại chè này mà không chịu đổi món, dù cứ phải ăn chè ế trừ cơm. Bà xoa đầu tôi và bảo: “Vì thằng con bà thích ăn hai loại chè này lắm. Bà muốn tìm thấy hình ảnh của đứa con trai đã lâu không được gặp qua những người ăn chè”. Nhìn vào đôi mắt ươn ướt của bà mà tôi nghe sống mũi của mình cay cay.
Ba tôi tìm mua được một ngôi nhà trên thành phố với giá khá “mềm” qua một người bạn thân. Cả nhà tôi tất bật dọn dẹp để kịp năm mới trong ngôi nhà mới. Tôi hơi buồn vì từ nay không còn được ăn món chè quen thuộc và không còn được nghe bà kể chuyện nữa. Đã từ lâu rồi, tôi như tìm thấy hình ảnh của bà nội qua đôi mắt của bà cụ ấy. Hai người giống nhau đến lạ, nhưng rồi những niềm vui mới và những bộ quần áo thời trang trên thành phố khiến tôi nhanh chóng quên mất bà. Quen dần với nếp sống thành thị với những quán ăn sang trọng, nên tôi không còn nhớ về nơi xóm nghèo có một gánh hàng rong. Ngày trước, tôi trách anh con trai của bà cụ, nhưng tôi cũng đâu khác gì. Tôi và anh đều quên lãng bà ấy trong tâm trí rồi.
Lâu lắm tôi mới được về thăm quê cũ do ba có chuyến công tác ở gần đó. Qua cửa kính ôtô, tôi chợt nhìn thấy một bà cụ mặc chiếc áo len màu ghi cũ và mái tóc đã bạc trắng. Là bà cụ ấy vẫn ngồi bên gánh chè thuở nào. Tôi dừng lại hỏi mua. Từng ký ức dần trỗi dậy khi tôi nhìn vào đôi mắt của bà. Tôi vẫn chưa quên bà, nhưng bà đã không nhận ra tôi. Bà bán chè cho tôi như những người khách lạ qua đường. Tự nhiên tôi thấy lòng mình chùng lại...
Chân bước về phía ôtô mà tôi cứ ngoái đầu nhìn lại. “Vào xe nhanh đi con, trời sắp mưa rồi!” - tiếng mẹ gọi làm chân tôi bước nhanh hơn. Chiếc xe lăn bánh, bóng của bà cụ cũng khuất xa. Ngồi trong xe mà lòng tôi cứ đau đáu nghĩ về hình ảnh bà cụ lủi thủi với gánh hàng rong. “Người già sao cô đơn quá, nhất là khi không có con cháu ở cạnh bên”, lời đúc kết của mẹ khiến tôi lại nghĩ đến con trai bà: không biết anh ấy đang ở đâu, có còn nhớ đến người mẹ già mòn mỏi bán từng chén chè sống qua ngày để chờ con trở về?
PHẠM MAI THẢO (lớp 3NV2, trường đại học Bạc Liêu)
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới