Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong tâm thức người Bạc Liêu

Thứ Tư, 09/10/2019 | 18:36

Cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác ở miền Tây, người dân Bạc Liêu thờ cúng anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực trong nhiều ngôi đình khắp tỉnh. Trong tâm thức bà con, nhân vật lịch sử này đã được thần hóa. Người dân tổ chức cúng giỗ vào ngày vị tướng hy sinh và tưởng nhớ Cụ Nguyễn trong các lễ hội khác gắn với nền văn minh lúa nước.

Giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tại ngôi đình ở ấp Ninh An (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân). Ảnh: N.Q

Theo tài liệu lịch sử, võ tướng Nguyễn Trung Trực hy sinh ngày 27/10/1868, nhằm ngày 12 tháng 9 năm Mậu Thìn, đến nay đã qua 151 năm. Ngày 12/9 âm lịch năm nay rơi vào ngày 10/10/2019, tỉnh Long An - quê cụ và hậu duệ Cụ Nguyễn đều cúng giỗ cụ vào ngày này. Riêng nhiều đình ở Bạc Liêu tổ chức giỗ Cụ vào ngày 28/8 âm lịch, cùng thời điểm với đình Nguyễn Trung Trực ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) - nơi có mộ phần của Cụ Nguyễn, đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Giỗ Cụ trong ngôi đình mới

Ở huyện Hồng Dân, từ thị trấn Ngan Dừa chạy về hướng xã Ninh Quới, qua chừng 4 cây cầu bê-tông sẽ thấy tấm biển chỉ dẫn nhỏ cặp lộ chỉ lối xuống đình Nguyễn Trung Trực (ấp Ninh An, xã Ninh Hòa). Men theo con đường nhựa bong tróc, rộng vừa đủ chiếc xe máy chạy là thấy ngôi đình. Đình vừa được xây cất lại tại vị trí cũ, bằng vật liệu kiên cố, tấm lợp fibro xi-măng, quét vôi trắng, nhưng quy mô nhỏ hơn ngôi đình cất vào năm 1918. Dấu tích ngôi đình xưa là những vòng tường gạch nung nằm lộ thiên. Ông Huỳnh Văn Trường, Trưởng Ban trị sự đình cho biết, việc cất lại đình tốn hơn 200 triệu đồng, do bà con địa phương và ngoài tỉnh đóng góp một phần, còn lại là từ tiền bán 2 công đất chung của đình được 130 triệu đồng. Danh sách người quyên góp cất đình được khắc mê ca, treo ngay vách tường phía trước của đình.

Có nơi thờ tự khang trang, cao ráo nên giỗ Cụ Nguyễn năm nay có phần sinh khí hơn mọi năm. Chiều ngày cúng tiên thường, bà con trong ấp tề tựu về đây chuẩn bị mâm bàn, lễ vật cúng từ những nông sản địa phương. Vào ngày giỗ chính, người chánh bái chủ trì thực hành các nghi thức cúng theo phong tục truyền thống tưởng nhớ tổ tiên của người Việt. Trước di ảnh của Cụ Nguyễn và Bác Hồ (đặt cạnh nhau), người chánh bái mặc áo dài chữ thọ, đầu đội khăn đóng kính cẩn thắp nhang và lầm rầm bài khấn, đứng ngay phía sau là các thành viên Ban trị sự đình và người cao niên trong ấp.

Việc thờ cúng Cụ Nguyễn tại đây đã trải qua hơn 100 năm, từ thời chưa có tên ấp. Con kênh trước đình hiện giờ, xưa kia là đường voi, trâu rừng lội, riết thành đường, gọi là rạch đường chống xuồng. Các ông kỳ lão lập ngôi miếu Ninh Thuận thờ Thần hoàng để qua mắt bọn lang sa, sự thật là thờ Cụ Nguyễn Trung Trực. Lúc đầu làm bằng cây lá đơn sơ, qua đầu thế kỷ XX, người dân góp lúa để xây cất lại ngôi đình lợp ngói đúc nền và bày ra 2 lệ cúng mỗi năm. Ngày 10/3 âm lịch giỗ tổ Hùng Vương, gọi là ngày hạ điền, và ngày 10/10 âm lịch cúng lệ Cầu Đông, gọi là ngày thượng điền, nhưng thực chất là giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực. “Giặc để ý dữ lắm, bọn chúng sợ dân ta noi theo tinh thần yêu nước của Cụ Nguyễn, nên các ông kỳ lão không dám làm lễ giỗ ngày 28/8 âm lịch mà phải che giấu bằng lệ Cầu Đông”, ông Huỳnh Văn Trường giải thích cho người cháu ngoại nghe.

Người làm thủ từ hơn 30 năm

Ở một nơi khác, ấp Thành Thưởng B (xã An Trạch A, huyện Đông Hải), Ban trị sự đình Nguyễn Trung Trực cũng cúng giỗ Cụ Nguyễn. Đình được lập sau khi vị tướng dưới trướng của Trương Định “đám lá tối trời” hy sinh 17 năm. Để che mắt thực dân Pháp, đình mang tên đình làng Thạnh Huê (thuộc tổng Long Thủy), sau ngày đất nước thống nhất, mới chính thức lấy tên đình Nguyễn Trung Trực. Ngày 11/10/2006, tỉnh có Quyết định 701/QĐ-UBND công nhận đình Nguyễn Trung Trực ở ấp Thành Thưởng B là di tích lịch sử - văn hóa. Và cho đến nay, đây vẫn là ngôi đình Nguyễn Trung Trực duy nhất của tỉnh được xếp hạng di tích. Ngày giỗ vị anh hùng dân tộc và lễ hội Kỳ yên cầu “quốc thới dân an” do đình tổ chức thu hút đông đảo người dân 2 bên bờ kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau và nhiều nơi khác đến tham dự, thực hành tín ngưỡng dân gian. Cô chèo đò cạnh cổng tam quan của đình kể: “Hôm tiên thường và ngày giỗ chính, bà con qua lại nườm nượp, số ít thì có thư mời của đình, còn lại nhớ ngày tìm về. Bà con quyên tiền giỗ cụ, người có ít góp ít, người có nhiều thì góp nhiều”. 

Tấm lòng người dân dành cho anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực thì kể sao cho hết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến người thủ từ nơi đây, cụ Nguyễn Văn Sáu đã ở tuổi 82. Mấy ngày qua, triều cường dâng ngập sân, nhà bếp, hiên sau của đình cả tấc nước, mỗi ngày 2 lần, khiến đồ đạc phải được kê cao. Khi nước rút, để lại một lớp phù sa nhão nhoẹt. Và cũng ngày 2 lần cụ thủ từ cùng một phụ nữ làm công quả dùng nước xịt, quét dọn cả tiếng đồng hồ mới xong. Cụ Sáu là người Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) qua Bạc Liêu làm thuê từ hồi sau giải phóng và rồi làm thủ từ đình Nguyễn Trung Trực từ năm 1985, hàng ngày lo nhang khói cho hương linh Cụ Nguyễn, quét dọn chánh điện, còn khuôn viên đình thì giao cho mấy người làm công quả đảm trách. Cụ Sáu thường cởi trần, cổ đeo chùm chìa khóa cửa nẻo của đình, còn cánh tay trái thì mang 2 chìa khóa tủ cá nhân mà cụ thường gọi là chìa khóa “cuộc sống”.

Sau khi mẹ mất (đã hơn chục năm nay), các con của cụ Sáu mấy lần kêu cha về nhà ở để tiện bề phụng dưỡng, nhưng cứ mỗi lần về cụ lại ngã bệnh. Cụ Sáu nói: “Có duyên nợ với Ông rồi, phải sống với Ông thôi!”. Năm ngoái, sau ngày giỗ Cụ Nguyễn hơn tháng, đình bị trộm đột nhập chánh điện lấy đi tất cả lư hương, chân nhang và vật dụng khác làm bằng đồng. Cụ Sáu phát hiện sự việc thì đã trễ, song chắn cửa sổ bị cưa, gian thờ trống lỏng. Cụ bất lực, ngồi bệt trên sàn nhà mà khóc. “May mắn ngay trong đêm đó Cụ Nguyễn hiển linh gia hộ cho Ban trị sự và người dân quanh đình tìm lại được toàn bộ đồ thờ. Bọn trộm để đồ thờ trong 2 cái bao đựng cua, trùm bọc đen lại và để dưới gốc cây còng, cách đình không xa”, ông Trịnh Minh Dũng, Phó Ban thường trực Ban trị sự đình, thuật lại.

Đình Nguyễn Trung Trực là một thiết chế văn hóa, nơi giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và ngày mai. Trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều ngôi đình là nơi đóng quân, nuôi chứa bộ đội, hiến chiêng đồng, đồ lễ bộ bằng thau cho Mặt trận Việt Minh để đúc súng, đạn, cho nên đình Nguyễn Trung Trực trở thành một trong những mục tiêu bắn phá của kẻ thù. Dù trải qua biến thiên lịch sử, người anh hùng Nguyễn Trung Trực vẫn sống mãi với dân tộc, là vị “Thượng đẳng linh thần” trong lòng nhân dân và tinh thần đánh Tây, xả thân vì nước của ông đã được thế hệ hôm nay vận dụng và phát huy trong thời đại mới.

Mạnh Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.