Văn hóa - Nghệ thuật
Ấn tượng Liên hoan Tiếng hát đất và người Bạc Liêu
Sôi nổi, lắng đọng và cảm xúc là cảm nhận của nhiều người khi thưởng thức các tiết mục tham gia Liên hoan Tiếng hát đất và người Bạc Liêu lần thứ I - 2024 (gọi tắt là Liên hoan). Nhiều bạn trẻ yêu ca hát đã được tỏa sáng trên sân khấu và mang đến những phần trình diễn đầy ấn tượng.
Thí sinh Lê Thành Ngươn (huyện Vĩnh Lợi) - đoạt giải Nhất tại Liên hoan Tiếng hát đất và người Bạc Liêu lần thứ I.
Nhiều giọng hát nổi bật
Với mục đích tạo sân chơi để người yêu âm nhạc trên địa bàn tỉnh được giao lưu, trau dồi, thể hiện kỹ năng ca hát, Liên hoan thu hút 60 thí sinh thi tài với thể loại tân nhạc. Diễn ra với 2 vòng, sau vòng sơ loại, 12 giọng ca nổi bật đã bước tiếp vào vòng chung kết diễn ra tối 29/7. Bên cạnh đó, nhiều bài hát hay về đất và người Bạc Liêu cũng được các thí sinh chọn thể hiện trong phần thi và mang lại hiệu ứng tốt. Cùng chọn ca khúc “Trở lại Bạc Liêu” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển để thi diễn, thí sinh Nguyễn Phạm Minh Thư và Phạm Ngọc Ngân lại mang đến hai cảm xúc khác nhau khi trình diễn - một giọng hát trẻ trung, mộc mạc và một giọng hát ngọt ngào sâu lắng.
Bên cạnh những gương mặt quen thuộc đã từng thử sức ở nhiều cuộc thi trong tỉnh, nhiều thí sinh mới với độ tuổi trẻ trung cũng để lại nhiều phần thi cảm xúc. Làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đam mê ca hát, thí sinh Ngô Tố Lan tạm gác lại công việc để về Bạc Liêu tham gia Liên hoan lần này, Tố Lan chia sẻ: “Tôi rất thích ca hát và đam mê với những bài hát về quê hương mang âm hưởng dân gian. Chính vì vậy tôi đã chọn hai bài hát về chủ đề quê hương để thi diễn. Dù làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng Bạc Liêu vẫn chứa đựng những hồi ức đẹp về hình bóng quê hương trong trái tim tôi”.
Các thí sinh trong đêm chung kết xếp hạng. Ảnh: T.N
Bồi dưỡng phong trào văn nghệ
Liên hoan Tiếng hát đất và người Bạc Liêu lần thứ I là một trong những sân chơi mới về tân nhạc để những người đam mê thể loại này được phát huy năng khiếu nghệ thuật. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động văn nghệ quần chúng của tỉnh nhà, tìm ra những giọng hát thực lực, gương mặt mới để bồi dưỡng cho phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương.
Diễn ra tại Cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Liên hoan không chỉ là cuộc thi về ca hát mà còn là nơi thưởng thức âm nhạc thú vị với không gian thoáng đãng, cổ điển tại đây. Chăm chú nghe các giọng ca thi diễn, chị Nguyễn Thu Hà (Phường 2, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi đến đây để uống cà phê cùng gia đình và rất vui khi được theo dõi các phần thi của các thí sinh. Theo tôi, Bạc Liêu hiện có nhiều cuộc thi về cổ nhạc, cải lương, đờn ca tài tử nhưng về tân nhạc thì chưa nhiều, vì vậy những cuộc thi như thế này sẽ làm đa dạng nhiều sân chơi để người đam mê được thử sức”.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, ở thể loại tân nhạc, các bài hát đăng ký dự thi đa dạng, phong phú và mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Liên hoan cũng thu hút nhiều thí sinh trẻ tuổi với phong cách biểu diễn tự tin, dạn dĩ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thí sinh chọn bài hát khó, chưa phù hợp với chất giọng; mắc lỗi về phát âm, nhả chữ, sắc thái biểu cảm chưa linh hoạt nên chưa mang đến sự hấp dẫn cho người xem. Dẫu vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, nhưng không thể phủ nhận sự nỗ lực của nhiều thí sinh đã mang đến nhiều phần trình diễn thăng hoa, cảm xúc.
Thí sinh Lê Thành Ngươn (huyện Vĩnh Lợi) - đoạt giải Nhất tại Liên hoan, chia sẻ: “Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban tổ chức, Ban giám khảo đã tạo ra một sân chơi tuyệt vời để những người trẻ như tôi được theo đuổi đam mê ca hát. Sự ủng hộ, cổ cũ của người thân, bạn bè cũng là động lực rất lớn để tôi chạm đến giải thưởng cao nhất tại Liên hoan lần này. Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng trau dồi kỹ năng thanh nhạc tốt hơn để có thể thử sức ở nhiều cuộc thi khác”.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 6 giải Khuyến khích, 2 giải Ba, 1 giải Nhì và 1 giải Nhất cho các thí sinh.
BÙI TUYẾT