Trong nước

Những chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018

Thứ Sáu, 26/10/2018 | 16:53

Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày 26/10 thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng 26/10. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu Quốc hội bày tỏ rất phấn khởi trước thành công lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và bước phát triển ngoạn mục của đất nước trong điều kiện nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiệt hại của thiên tai, dịch bệnh trong nước... Các đại biểu đều chung nhận định, với sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2018. Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Là đại biểu phát biểu ý kiến đầu tiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội) cho hay, cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước, đặc biệt là những chỉ số hết sức ấn tượng: Năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu; tăng trưởng GDP đạt ở mức cao, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, đặc biệt tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến và nông sản; nợ công giảm; tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, đầu tư tư nhân ước đạt 42,7%... Những con số trên cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp với Chính phủ. Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên. Qua báo cáo giữa kỳ, đánh giá chung có 23 kết quả đạt được, thành công khá toàn diện...
Tuy nhiên, đại biểu TP. Hà Nội cho rằng, các lĩnh vực đều có những khía cạnh chưa an tâm hoặc chưa thật sự hiệu quả. Đại biểu dẫn chứng, đầu tư FDI chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả như mong muốn, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm… Đại biểu cũng băn khoăn khi y tế trong những năm qua có những tiến bộ rất đáng ghi nhận, nhưng dịch bệnh vẫn còn, có khi còn rộ hơn, chân tay miệng, sốt xuất huyết, sởi... thỉnh thoảng bùng phát trở lại…
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ phấn khởi khi năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Đại biểu cho biết, đầu nhiệm kỳ, với bề bộn những khó khăn, các đại biểu hết sức lo lắng. Nay nhìn lại, chúng ta đã có những bước phát triển ngoạn mục, GDP tăng trưởng từ trung bình 5,91% giai đoạn 2011-2015 đã tăng lên 6,57% giai đoạn 2016-2018, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, nợ công, nợ xấu giảm, FDI 2018 ước đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay… Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện… Kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước. Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn...
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nhắc đến nhiều vấn đề tồn tại chưa được giải quyết, cụ thể như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn, đường cao tốc vừa thông xe đã hư hỏng, tình trạng thất thu thuế... cần những giải pháp căn cơ hơn.
Cũng phấn khởi trước những tín hiệu đáng mừng trong thu chi ngân sách như giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư... song đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) cho rằng việc chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu chi thường xuyên lớn, theo đại biểu, là do bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tổ chức trung gian, số người hưởng lương từ ngân sách còn rất lớn. Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, giảm trên 86.000 biên chế, hay thực hiện hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu tỉnh Hải Dương, khi đối chiếu với các mục tiêu đề ra thì còn những bất cập, hạn chế, khó khăn. Từ thực tế trên, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy nhà nước, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất một số cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. 
Còn đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) ghi nhận các kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là GDP tăng cao nhất trong nhiều năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, lạm phát được kiểm soát, nợ công, nợ xấu giảm, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, còn một số tồn tại, hạn chế cần làm rõ trong báo cáo, như tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định qua các quý, động lực tăng trưởng 2018 là do đâu, tỷ lệ thu ngân sách từ thuế và phí chưa đạt chỉ tiêu, cơ cấu chi thường xuyên vẫn ở mức cao, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động còn cao, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không...
Ghi nhận những tín hiệu tích cực từ tình hình kinh tế - xã hội và những tồn tại chỉ ra trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Sơn (TP. Đà Nẵng) cho rằng, việc chuyển biến chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, vẫn còn sự chồng chéo, xung đột giữa pháp luật và chính sách hay hành chính công, sự chỉ đạo còn bất cập của các bộ, ngành, địa phương... vẫn là những rào cản trong đầu tư, khiến doanh nghiệp và người dân gặp không ít khó khăn, phiền hà khi giao dịch hay thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi, kiến nghị của mình. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến tình trạng này để có giải pháp thích hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo điều kiện cho các chính sách hỗ trợ trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, đầu tư nghiên cứu những hệ thống dự báo, cảnh báo kịp thời những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu hết sức khó lường nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân...
C.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.