Cám dỗ của đồng tiền

Thứ Sáu, 27/07/2012 | 19:17

Trước một phiên tòa tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái để trục lợi, chuyện người ta thường quan tâm là số tiền hưởng lợi. Bao nhiêu tiền để đánh đổi lương tâm, đạo đức và làm tha hóa một cán bộ, công chức?

Nếu nói vài triệu đồng, thậm chí là vài chục triệu, chắc cũng chẳng ai ngu dại mà đánh đổi. Thế nhưng, rất nhiều phiên tòa, số tiền tham ô, nhận hối lộ là không lớn, chỉ vài chục triệu đồng, thậm chí là vài triệu đồng mà thôi. Nhiều người nghe tới đó, đều chắc lưỡi hít hà: “Có bao nhiêu tiền đâu mà làm vậy!”. Nhất là với các bị cáo có chức vụ cao, giữ công việc tốt. Vậy sự thật là như thế nào.

Đứng trước một cám dỗ, một phong bì mà đương sự biết rõ trong đó có những gì, sẽ có một phép tính. So sánh và quyết định. Và nếu cho rằng, việc làm của mình chẳng ai biết, nhận cũng không ai hay và không nhận cũng thế thôi. Rồi sẽ có lần thứ hai, thứ ba, thứ n… Những kẻ đã nhận sẽ không thể từ chối bởi chính sự cám dỗ của đồng tiền đã lôi kéo họ đi, che khuất ánh sáng làm họ mê muội. Đến khi bị phát hiện, đôi khi chỉ là một lần trong cái tù mù “n” lần ấy, bị khởi tố, bị xử lý hình sự. Nhiều người tiếc rẻ, có đáng gì so với chức vụ, công việc của họ. Nhưng có đáng hay không, có tiếc không, chắc chỉ có người trong cuộc mới hiểu thấu. Riêng tôi, chỉ tiếc là tiếc ở cái lần đầu tiên, khi một cán bộ trong sạch chấp nhận bị sự cám dỗ của đồng tiền. Lần chìa tay đầu tiên thỏa hiệp với lực hút của đồng tiền…


Trong nhiều vụ án giết người mà bị cáo bị xét xử, tuyên án ở khung hình phạt cao nhất: tử hình, đều có dính đến đồng tiền. Vì tiền mà giết người, cướp của, bản án luôn nặng nề, dù là hình phạt của pháp luật hay dư luận xã hội. Như vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra chưa lâu tại TP. Bạc Liêu. Nạn nhân bị chính bạn thân của mình sát hại, lấy hết tài sản và đốt xác phi tang. Kẻ thủ ác đến khi bị bắt, bị giam giữ, mới hoảng hốt với mức án mà mình phải nhận lãnh. Ở trại giam, cán bộ trại cho biết, chắc sẽ “dựa cột” thôi. Gia đình, cha mẹ bị cáo cũng chạy vạy khắp nơi, nhờ cậy để xem có cách nào giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, chỉ cần không bị tử hình là còn hy vọng có ngày về. Nhưng ai dám giúp một kẻ mất hết tính người như vậy được nhẹ tội, dù chỉ ở góc độ nhân đạo? Lỡ tay làm chết một con vật, lòng còn thấy ăn năn hối hận, chứ đừng nói làm chết một con người. Nhiều bác tài lái xe khi lỡ gây ra tai nạn làm chết người, đã không thể cầm vô lăng được nữa bởi những day dứt, giằng xé của lương tâm. Nhưng đó là tội không cố ý. Còn cố tâm, cố sức để giết người vì những đồng tiền, vì cám dỗ vật chất, sao lại được dung tha. Đó chính là quả báo, là lưới trời lồng lộng. Kẻ giết bạn mà còn muốn phi tang xác chết, làm sao để không còn ai biết được tội ác của mình, và thản nhiên xài những đồng tiền do giết bạn mà có, sao đáng để được tha thứ.

Sự cám dỗ của đồng tiền không phải khiến ai cũng trở thành tội phạm, thành kẻ giết người. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, không đủ rèn luyện đạo đức, không đủ để có những định hướng đúng đắn sẽ khiến một số kẻ - không đơn giản chỉ là lầm đường lạc lối, mà còn trở thành hiện thân của tội ác, trở thành quỷ dữ. Và một khi bị đền tội, thì đồng tiền cũng đâu còn có ích.

Đồng tiền có quan trọng cho cuộc sống? Câu trả lời dĩ nhiên là có. Một người bạn của tôi, trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo phải thử thách giữa lương tâm và sự cám dỗ của đồng tiền, đã nói như vầy: “Tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng không cần phải bán rẻ lương tâm để có được nó”.

Ai mà không trân trọng những lương tâm trong sạch như thế. Và với xã hội, cần nhiều, thật nhiều những suy nghĩ như thế.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.