Tin tức

Đến năm 2100, Bạc Liêu có thể sẽ nằm dưới mực nước biển

Thứ Sáu, 17/12/2021 | 17:44

(BL-NQ) Sáng 17/12, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (gọi tắt là Viện, Trường đại học Cần Thơ) tổ chức hội thảo trực tuyến với 3 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang về “Quản trị về sụt lún đất và quản lý nước dưới đất tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

PGS-TS. Văn Phạm Đăng Trí - Phó Viện trưởng, dự báo năm 2090 - 2100, một phần lớn ĐBSCL, trong đó chủ yếu là Cà Mau và Bạc Liêu sẽ nằm dưới mực nước biển. Để dự báo này không xảy ra, các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân phải chung tay khôi phục nguồn nước ngầm.

Hiện tồn tại nghịch lý giữa nhu cầu sử dụng nước và lưu lượng nước sông Mêkông, dẫn đến mặn xâm nhập, ô nhiễm nguồn nước mặt, giảm diện tích các cánh đồng ven sông. Nghịch lý này làm gia tăng áp lực khai thác nước ngầm.

Các nhà khoa học nhận định, chiều cao nguồn nước ngầm ĐBSCL liên quan lưu lượng nước sông và nước mưa. Các tỉnh miền Tây đang có xu hướng ít sử dụng nước mưa, nước sông, 78% sử dụng nước giếng khoan, số còn lại sử dụng nước ở các trạm cấp nước tập trung.

Việc khai thác nước ngầm khiến đồng bằng bị sụt lún đất hơn 1cm mỗi năm. Hiện tượng này thấy rõ ở các tỉnh ven biển, nơi ghi nhận số lượng lớn giếng khoan nước ngầm ngày càng gia tăng, chủ yếu giếng khoan công suất dưới 200m3/ngày đêm của hộ gia đình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các nhà khoa học, nhà quản lý địa phương đề xuất cần trữ nước mưa, khử nước mặn, nước lợ trở thành nước sinh hoạt, phổ cập nước ngầm (ít nhất là ở tầng nông), các đô thị cần có các bãi xanh, khoảng trống để nước mặt thấm xuống. Hiện chưa thể dừng khai thác nước ngầm, mà cần có lộ trình từ thích nghi đến chống chịu.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.