Tin tức

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông - thủy sản sau giãn cách

Thứ Sáu, 17/09/2021 | 18:24

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu.

(BL-CL) Sáng 17/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông - thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực Nam Bộ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu có đồng chí Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Theo đánh giá chung của các đại biểu tham dự hội nghị, trong thời gian 2 tháng giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam, các hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản bị tác động nặng nề, kéo theo kết quả xuất khẩu giảm mạnh. Quá trình phục hồi sản xuất của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi các nguyên nhân như: Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vác-xin nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị COVID-19… Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện chỉ có 30% - 40% các doanh nghiệp có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất. Chi phí chung cho sản xuất tăng rất cao đang là áp lực lớn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Theo tính toán của VASEP, trung bình để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất cần từ 3 - 6 tháng; khôi phục 70% công suất sản xuất cần từ 9 tháng đến 1 năm; khôi phục 100% công suất sản xuất cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 kim ngạch đã đi xuống. Đến tháng 8 là tháng thứ 4 giảm liên tiếp và giảm đến 22,5%.

Thương lái thu mua lúa ở huyện Vĩnh Lợi. Ảnh: C.L

Để vượt qua thời kỳ khó khăn hiện tại và hậu COVID-19, Bạc Liêu đã nhận diện rủi ro, lựa chọn kịch bản, đặc biệt cần tư duy nhạy bén - hành động nhanh - quyết tâm cao để biến những tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến bối cảnh thành những hành động chính xác, nhanh chóng. Sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và chiến lược ứng biến theo tuần, cũng có thể theo ngày, xây dựng kịch bản chuẩn bị cho tình huống xấu nhất để chúng ta luôn trong tư thế chủ động trước những sự thay đổi và biến động; tận dụng tối đa cơ hội để tồn tại và trụ vững qua thời gian dịch bệnh.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh - kiểm tra vật tư đầu vào, có biện pháp kiềm chế tăng giá đối với vật tư đầu vào và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; xem xét đề xuất thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các vùng sau giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam, để khôi phục sản xuất hậu COVID-19, các địa phương cần thống nhất các phương án hướng dẫn sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản, chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.