Tin tức
Bàn giải pháp nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng ĐBSCL
Ngày 29/11, tại TP. Cần Thơ, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” và Bạc Liêu đã tham dự diễn đàn này - (ảnh).
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nơi cung cấp hơn 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu cùng nhiều loại thủy sản và trái cây. Toàn vùng hiện có khoảng 18 triệu dân, trong đó 75% dân số sống chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trong vùng đang ngày càng chịu nhiều tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và các loại hình thiên tai, nhất là hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, mưa lũ và triều cường, sạt lở bờ sông và bờ biển, giông lốc, sét… Những hiện tượng này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều người dân và gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, thời gian qua, hạn mặn đã khiến nhiều hộ dân tại vùng ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, đồng thời khiến nhiều diện tích trồng lúa bị thiệt hại và giảm năng suất. Đơn cử, mùa khô năm 2023 - 2024 có khoảng 73.900 hộ dân tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt, 1.189ha lúa bị giảm năng suất và 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng… Về sạt lở bờ sông, ĐBSCL có tổng cộng 686 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 591,3km và sạt lở bờ biển 57 vị trí, với tổng chiều dài khoảng 233,6km..
Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, viện, trường và đơn vị có liên quan đã cập nhật, cung cấp các thông tin về tình hình ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH tại vùng ĐBSCL và định hướng các giải pháp ứng phó, đặc biệt là những giải pháp nâng cao năng lực của cộng đồng trong phòng, chống và giảm thiểu các tác động. Đồng thời, cung cấp các thông tin và nhận định về tình hình thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ năm 2025. Qua đó, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề ra các giải pháp, cách làm hay nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng và thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương với địa phương trong phòng, chống thiên tại. Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây, các cấp, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền và tập huấn để nâng cao ý thức, hành động của người dân và các bên có liên quan trong chủ động phòng, chống thiên tai. Tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình thời tiết và các loại hình thiên tai. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia các loại hình bảo hiểm về thiên tai và bảo hiểm trong nông nghiệp. Quan tâm tăng nguồn lực đầu cho vùng ĐBSCL, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về công trình và giải pháp phi công trình nhằm ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển và các loại hình thiên tai. Chú ý hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn để đầu tư các công trình, dự án có quy mô cấp nông hộ nhằm chủ động trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh…
Tin, ảnh: KIM TRUNG
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản