Tiêu điểm
Xây dựng Phước Long trở thành trung tâm kinh tế - xã hội vùng Bắc Quốc lộ 1: Hướng đi đúng
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 01), đã tạo nên những tiền đề, động lực quan trọng cho chặng đường nước rút.
Vận chuyển lúa gạo trên tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp khu vực huyện Phước Long.
NỖ LỰC VÀ NĂNG ĐỘNG
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Huyện ủy Phước Long đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 01 cũng như quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy Phước Long còn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 01. Với tinh thần nhập cuộc một cách quyết liệt, trong 17 chỉ tiêu của Nghị quyết 01, đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên. Thực tế cho thấy, Đảng bộ và Nhân dân huyện Phước Long đã rất nỗ lực, năng động, sáng tạo và thi đua không ngừng để đạt các chỉ tiêu ngay trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn gặp nhiều khó khăn và chỉ đáp ứng khoảng 43% so với tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030.
Với sự quan tâm chỉ đạo tích cực, các thế mạnh kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát huy. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản của huyện trong những năm gần đây tăng trưởng với tốc độ khá cao, ổn định và đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng thời, từng bước hình thành các vùng chuyên canh có quy mô, diện tích, sản lượng hàng hóa lớn và chất lượng ngày càng nâng cao. Trong đó, đối với vùng ngọt ổn định đã giữ vững và khai thác tối đa diện tích canh tác trồng 13.736ha lúa và huyện đã hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung như: Vùng chuyên lúa tại xã Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, thị trấn Phước Long, xã Vĩnh Thanh; vùng chuyên sản xuất rau má, rau cần nước tại xã Vĩnh Thanh, vùng chuyên sản xuất bắp tại xã Vĩnh Phú Đông. Toàn huyện đã xây dựng 8 cánh đồng lớn hơn 1.080ha và thực hiện cấp mã vùng trồng lúa được 1.662ha. Cũng như, tích cực mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân trên cả 2 vùng sản xuất, theo giá thị trường.
Mô hình trồng dưa hấu của nông dân huyện Phước Long.
Đối với vùng chuyển đổi (mặn, lợ) đã khai thác có hiệu quả 22.477ha diện tích nuôi trồng thủy sản, từ quảng canh sang quảng canh cải tiến kết hợp, nuôi thâm canh và bán thâm canh tập trung với đối tượng nuôi gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua… Đặc biệt, đã huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay huyện đã xây dựng hoàn thành 5/5 xã đạt NTM kiểu mẫu. Về xây dựng huyện NTM nâng cao thực hiện hoàn thành 31/38 chỉ tiêu trong 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và dự kiến công nhận vào cuối năm 2025.
CẦN “CÚ HÍCH” MỚI
Phải khẳng định rằng, những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Phước Long nỗ lực thực hiện trong thời gian quan là đáng ghi nhận, tuyên dương. Song, việc thực hiện Nghị quyết 01 cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Kinh tế của huyện tuy phát triển nhưng chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao và có sức chi phối cả nền kinh tế nên trong tương lai gần sản xuất nông nghiệp vẫn còn là “trụ cột”. Vì vậy, việc phát triển nhà máy chế biến “con tôm sú sạch” và “gạo hữu cơ” mang thương hiệu của cả vùng Bắc chính là vấn đề phải được tính đến khi Phước Long hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế về giao thông. Trong đó, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển các khu, cụm công nghiệp chính là chiếc “chìa khóa” để tháo gỡ các khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất và thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển mạnh xây dựng, công nghiệp và thương mại, dịch vụ, du lịch.
Tôm sú nuôi trên đất lúa - sản phẩm chủ lực của vùng Bắc Quốc lộ 1 cần được đầu tư khai thác theo chiều sâu.
Muốn vậy, huyện đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu và ban hành một chính sách, cơ chế đặc thù cho địa phương trong việc huy động nguồn lực, ưu tiên vốn đầu tư và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác để thu hút doanh nghiệp. Có vậy, Phước Long mới tạo được “cú hích” mới trong thu hút nguồn lực, hoàn thành các tiêu chí và có thêm nhiều nguồn lực khác ngoài việc ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước. Qua đó, tạo nên những tiền đề, động lực với vai trò dẫn dắt cả nền kinh tế và phát triển an sinh của cả vùng Bắc Quốc lộ 1.
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bạc Liêu, cách trung tâm tỉnh khoảng 40km, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Cà Mau, phía Nam giáp TX. Giá Rai, huyện Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi và phía Bắc giáp huyện Hồng Dân, về mặt địa lý, huyện Phước Long nằm ở vị trí trung tâm các huyện, thị xã. Chính vị trí này đã tạo ra những lợi thế riêng cho huyện liên kết với các địa phương trong khu vực. Mặt khác, Phước Long cũng có khả năng kết nối với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, TP. Cần Thơ thông qua tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ. Qua đó, tạo ra khả năng kết nối rộng khắp khi nhiều dự án giao thông phát triển. Đặc biệt, về định hướng quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, Phước Long có nhiều tuyến đường huyết mạch, quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của tỉnh đi qua địa bàn như: Đường tỉnh ĐT.980 từ Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền nối với đường Hồ Chí Minh, đường từ cầu Phước Long 2 đi Ba Đình nối với đường Hồ Chí Minh… Tất cả những lợi thế này cần được huyện Phước Long quan tâm khai thác và chủ động xây dựng kế hoạch mang tính kết nối liên vùng, nhằm phát huy tốt vai trò trung tâm của mình mà phát triển về giao thông phải đi trước một bước.
Tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Lao động được giải quyết việc làm ở Công ty nhựa Tý Liên. Ảnh: K.T
Kết quả 17 chỉ tiêu của Nghị quyết 01
7 chỉ tiêu đạt từ 100% trở lên (Quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, ô đê bao khép kín trên địa bàn huyện; Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt; Sản lượng lương thực; Sản lượng thủy sản; Tỷ lệ hộ nghèo; Tỷ lệ bao phủ sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp - thủy sản; Tỷ lệ bao phủ BHYT). Đạt từ 80% đến trên 90% có 4 chỉ tiêu (Tốc độ tăng trưởng; Tổng sản phẩm trên địa bàn huyện; Cơ cấu kinh tế; Đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và chỉ tiêu đạt 60% đến dưới 80% có 3 chỉ tiêu (Thu nhập bình quân đầu người; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện). Đạt dưới 60% có 3 chỉ tiêu (Tỷ lệ lấp đầy Cụm công nghiệp Chủ Chí đạt 100% và huyện Phước Long xây dựng thêm ít nhất 1 cụm công nghiệp khác tỷ lệ lấp đầy trên 70%; Phát triển năng lượng sạch; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng 2, tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên).
.................................................................................................................................................................................................................................
Bí thư Huyện ủy Phước Long - Nguyễn Chí Thiện: Tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01, kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Kinh tế của huyện có sự phát triển khá nhanh, bền vững, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được chỉ đạo quyết liệt và đạt kết quả khá cao, làm thay đổi rõ nét mọi mặt của nông thôn. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác giảm nghèo nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo tốt. Đời sống, vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng theo hướng tập trung, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại có tính liên kết phục vụ có hiệu quả trong việc phát triển KT-XH ở vùng Bắc Quốc lộ 1. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị, xã hội ổn định. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã phát huy tốt vai trò, chức năng chủ động đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 01.
Có được thành quả quan trọng ấy là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ngành, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ giúp đỡ cho huyện. Đặc biệt là sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo kỳ quyết của Huyện ủy, UBND huyện Phước Long và sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp trong huyện cũng như sự chung tay phát triển của các huyện lân cận. Trong đó, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên, đồng tình hưởng ứng chủ trương của tỉnh. Từ đó, góp phần thực hiện tốt việc huy động đa dạng hóa mọi nguồn lực đầu tư...
Tiếp tục phát huy thành tích này, Đảng bộ và Nhân dân huyện sẽ tiếp tục thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 với quyết tâm xây dựng Phước Long trở thành trung tâm phát triển KT-XH của vùng Bắc và trở thành vùng kinh tế năng động dẫn dắt các địa phương khác cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Đẩy mạnh mời gọi đầu tư
Tiếp tục thi đua thực hiện Nghị quyết 01, cùng với quan tâm chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Trong đó, tiếp tục phát huy lợi thế tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, các trục lộ, trục nối Phước Long - Hồng Dân, Phó Sinh - Cạnh Đền, Chủ Chí - Huyện Sử. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thương mại - dịch vụ, công tác cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư... để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kể cả nước ngoài đầu tư phát triển chợ, các siêu thị, đầu tư khai thác du lịch, khu vui chơi giải trí, xây dựng các khu dân cư mới. Chú trọng xây dựng Trung tâm thương mại thị trấn Phước Long quy mô 1,59ha; xây dựng 3 khu đô thị mới (Khu đô thị mới thị trấn Phước Long; khu đô thị Phó Sinh và khu đô thị Chủ Chí). Cũng như, kêu gọi đầu tư xây dựng 2 khu du lịch sinh thái, gồm: Khu du lịch Vườn chim ấp Long Hòa (thị trấn Phước Long) và Khu du lịch Vườn chim ấp Bình Hổ (xã Vĩnh Phú Tây). Khuyến khích, kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ thương mại dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, kết nối với tua du lịch của tỉnh. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy nội địa. Chỉnh trang xây dựng hệ thống cống, vỉa hè, điện chiếu sáng khu vực thị trấn Phước Long. Xây dựng 3 bến trung chuyển hàng hóa sử dụng chung cho đường bộ và đường thủy, gồm: thị trấn Phước Long, Phó Sinh - xã Phước Long, Chủ Chí - xã Phong Thạnh Tây B (mỗi bến 0,5ha), thực hiện giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng 3 bến xe khách tại bến thị trấn Phước Long, bến Phó Sinh, xã Phước Long và bến Chủ Chí, Phong Thạnh Tây B.
Cùng với đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi, đảm bảo tỷ lệ phục vụ tưới tiêu 100% diện tích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng ô thủy lợi khép kín gắn với trạm bơm điện; thực hiện sên vét các kênh mương bị bồi lắng để phục vụ sản xuất, phục vụ giao thông đường thủy. Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, các công nghệ tưới tiết kiệm nước và tự động hóa. Đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, bưu chính viễn thông, các khu du lịch, thương mại và dịch vụ. Xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, trung tâm thương mại, nhất là Trung tâm thương mại thị trấn Phước Long...
LƯ TRUNG
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc