Tiêu điểm
Vùng Bắc Quốc lộ 1A: Nỗ lực về đích cho từng vùng sản xuất
Chỉ còn 1 năm để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và tạo nên những tiền đề, động lực cho năm cuối của nhiệm kỳ 2025, các địa phương đang tập trung quyết liệt cho việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.
TẠO ĐỘT PHÁ CHO CÂY LÚA
Với điều kiện sinh thái đặc thù đã tạo cho huyện Hồng Dân hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy lợi thế này, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện Hồng Dân trở thành trung tâm sản xuất lúa và xuất khẩu gạo của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, Hồng Dân đã và đang tích cực tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững. Đặc biệt là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh mời gọi đầu tư để xây dựng huyện trở thành Trung tâm sản xuất lúa chất lượng cao và xuất khẩu gạo của tỉnh Bạc Liêu nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng, giá trị cho hạt lúa Hồng Dân.
Bên cạnh đó, chủ động liên kết sản xuất, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn. Đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho nông dân. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học, tạo sản phẩm sạch, nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào để tăng năng suất, lợi nhuận.
Tôm càng xanh của huyện Hồng Dân đang được đầu tư xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Cùng với tập trung sản xuất, Hồng Dân còn đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, huyện đã và đang xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ và nêu cao khẩu hiệu “luôn đồng hành” cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát triển trạm bơm điện, mạng lưới khuyến nông và phát triển kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác)… Định hướng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là quan hệ đối tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp…
Song song đó, đẩy mạnh phát triển hình thức kinh tế trang trại, nông trại gia đình theo hướng chuyên môn hóa, tập trung vào phát triển sản xuất một số loại cây, con, làm dịch vụ nông nghiệp và theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người làm nông nghiệp ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản rộng khắp, đa dạng loại hình và quy mô, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia…
Tuyến giao thông thủy Quản Lộ - Phụng Hiệp được huyện Phước Long khai thác trong phát triển giao thương và liên kết vùng. Ảnh: K.T
TĂNG CƯỜNG NGUỒN LỰC KINH TẾ
Nếu như huyện Hồng Dân có Nghị quyết 04 về đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thì Đảng bộ huyện Phước Long thi đua thực hiện Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) về xây dựng huyện Phước Long trở thành trung tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 01 cho thấy, Phước Long đã đạt được nhiều kết quả rất phấn khởi. Cụ thể trong phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, Phước Long đã phát huy tốt lợi thế tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, các trục lộ, trục nối Phước Long - Hồng Dân, Phó Sinh - Cạnh Đền, Chủ Chí - Huyện Sử trong giao thương. Cũng như, đẩy mạnh các hoạt động thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, kể cả nước ngoài đầu tư phát triển chợ, các siêu thị, đầu tư khai thác du lịch, khu vui chơi giải trí, xây dựng các khu dân cư mới.
Đặc biệt, với việc thực hiện tốt công tác phát triển và thành lập doanh nghiệp mới, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phước Long phát triển nhanh về số lượng và hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực. Đến nay, toàn huyện có 297 doanh nghiệp (tăng 121 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ), đạt 80,6% so với Nghị quyết Đại hội (121/150). Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cũng như trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân, an sinh xã hội trên địa bàn huyện…
KIM TRUNG
Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân - Nguyễn Văn Thới: Giải quyết 4 vấn đề lớn trong phát triển “tam nông”
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 04 của Huyện ủy và góp phần cùng thi đua thực hiện Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh, từ nay đến năm 2025, Hồng Dân sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và người dân nắm để hiểu được các chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp định hướng theo hướng tăng cao về giá trị nông nghiệp và phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương lồng ghép việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp vào chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, góp phần giải quyết được 4 vấn đề lớn trong phát triển “tam nông” là: hộ nghèo, thu nhập, lao động và kinh tế tập thể.
Cùng với đó, chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát đánh giá hiện trạng quy hoạch sử dụng đất sát với tình hình thực tế và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh học để phát triển bền vững và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Nâng cao giá trị trong nông nghiệp và quảng bá các thế mạnh của địa phương về du lịch, nông nghiệp sinh thái và các khu di tích lịch sử đã được công nhận. Cũng như, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào trong nông nghiệp, nhất là con tôm sú vốn là lợi thế lớn của địa phương có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Song song đó, ưu tiên thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và rà soát đánh giá, phân loại các dự án công trình đầu tư trong các lĩnh vực như: thủy lợi, điện… nhằm cân đối nguồn lực, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư, tránh việc đầu tư dàn trải không mang lại hiệu quả cao. Tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình dự án nông nghiệp công nghệ cao cho các hợp tác xã, cánh đồng lớn, nằm trong chuỗi giá trị liên kết, tăng cường công tác tập huấn các mô hình nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho nông dân. ứng dụng chuyển giao quy trình canh tác theo hướng an toàn, sinh học và bền vững cho môi trường sinh thái và sản phẩm chất lượng cao, từ đó, tạo ra giá trị tăng thêm trên sản phẩm…
Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trần Văn Liêm: Lấy doanh nghiệp, doanh nhân làm trọng tâm và đối tượng phục vụ
Xác định doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 của BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI), thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Song, huyện Phước Long vẫn đề ra mục tiêu đến năm 2025, huyện có 350 doanh nghiệp và đưa Phước Long trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Quốc lộ 1A. Đồng thời, hướng đến năm 2030 sẽ phát triển thêm đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ cơ bản đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện Phước Long sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò phát triển doanh nghiệp gắn với việc thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030”. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, tạo sự thống nhất xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân, chủ doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khuyến khích đội ngũ doanh nhân xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, nêu cao trách nhiệm xã hội. Tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Đặc biệt, sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số... nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận thông tin, công nghệ, nguồn lực về đất đai, tài chính gắn với phương châm: lấy doanh nghiệp, doanh nhân làm trọng tâm và đối tượng phục vụ.
Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật hành chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp…
Quan tâm thực hiện việc liên kết vùng và đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chủ trương liên kết, hợp tác để phát triển toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh mà huyện đã xác định như: thủy sản, lúa gạo, sản xuất, du lịch... Tập trung đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nhanh chóng tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh, ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác…
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam