Tiêu điểm

Ưu tiên xây dựng các khu, cụm công nghiệp: Quyết liệt nhưng cũng cần thận trọng

Thứ Hai, 15/08/2022 | 17:57

Sau khi Báo Bạc Liêu thực hiện chuyên đề “Ưu tiên xây dựng các khu, cụm công nghiệp: Vì một Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững”, đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về vấn đề này. Đồng thời, UBND tỉnh đã có ngay các giải pháp chỉ đạo với mục tiêu đưa sản xuất công nghiệp trở thành một trong những trụ cột quan trọng góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm sức bật mới cho nền kinh tế tỉnh nhà.

Phát triển các CCN để xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - một trong những nhu cầu bức thiết hiện nay. Trong ảnh: Chế biến tôm tại huyện Hòa Bình.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG PHẤN KHỞI

Sau khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép bổ sung quy hoạch, đưa vào quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN), các địa phương rất phấn khởi và xem đây là cơ hội vàng trong thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thay vì lâu nay chỉ trông chờ vào việc hình thành các khu công nghiệp mà bỏ quên thế mạnh vốn có từ các CCN địa phương.

Thông tin từ các địa phương cho biết, sau khi thông báo mời gọi đầu tư hạ tầng vào các CCN ở các huyện như Hòa Bình, Phước Long, Đông Hải… đều có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Theo đó, các địa phương đã sẵn sàng đón một làn sóng đầu tư mới trên tinh thần luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào các CCN với chức năng sẽ tạo nên những động lực mới cho kinh tế tăng trưởng nhanh.

Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hoà Bình, phấn khởi nói: “Với việc thành lập CCN ở xã Vĩnh Mỹ B đã giúp huyện giải quyết tốt bài toán tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân với 100% sản lượng lúa trong toàn huyện đều được bao tiêu. Điều đáng mừng là CCN này đã có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng vốn đầu tư trên 427 tỷ đồng, gắn với xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu có tổng công suất 300.000 tấn/năm. Như vậy, với diện tích 30ha, CCN này cơ bản được lấp đầy và huyện sẽ xin thêm một CCN khác chuyên chế biến hàng thủy sản xuất khẩu với quy mô 75ha ở ấp Thị Trấn A (thị trấn Hòa Bình) có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ tham gia giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương”.

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa. Ảnh: K.T

NHIỀU VIỆC CẦN PHẢI LÀM

Việc các địa phương phát triển mạnh các CCN là điều đáng mừng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển bền vững và cần có ngay các giải pháp trên tinh thần chủ động ứng phó.

Đó là việc lựa chọn nhà đầu tư phải thật sự thận trọng và cần được sàng lọc kỹ. Cụ thể là chọn những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng các CCN, nhằm chủ động tránh những nhà đầu tư thiếu năng lực vào khai thác các CCN chỉ với mục đích “xí đất”, hoặc bán lại dự án gây khó khăn trong việc xử lý, thu hồi dự án. Chính quyền địa phương cũng phải thật sự kiên quyết thu hồi dự án nếu nhà đầu tư triển khai chậm so với quy định và lựa chọn nhà đầu tư khác. Đặc biệt, phải kiểm tra, phát hiện ngay nhà đầu tư lợi dụng dự án để kêu gọi, huy động vốn trái với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư vào khai thác hạ tầng và cho thuê lại hạ tầng cần quản lý, thương thảo giá thuê theo đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp nhà đầu tư “hét giá” và đưa CCN vào tình trạng “đóng băng”, do giá thuê quá cao nên không doanh nghiệp nào tiếp cận được.

Một vấn đề quan trọng khác, các dự án xây dựng hạ tầng phải thực hiện đúng các quy định về môi trường, xử lý và xả thải, tránh trường hợp đưa vào hoạt động mới tiến hành làm hạ tầng cho môi trường. Cũng như cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các CCN, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Môi trường. Xây dựng hệ thống quản lý môi trường cho CCN và cần hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hoặc di dời vào CCN…

Về tầm nhìn xa hơn, việc thành lập các CCN sẽ kéo theo sự phát triển của các cơ sở dịch vụ, thương mại, nhà trọ và cả việc hình thành nên các khu dân cư tự phát theo kiểu “lúa thóc đến đâu bồ câu đến đó”. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu và chủ động quy hoạch liên quan đến các vấn đề phát sinh này, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch chung được đặt trong tính tổng thể gắn với các định hướng phát triển trong tương lai, hạn chế tình trạng bất ổn về thị trường bất động sản ở các CCN theo kiểu tự phát, tự phân lô, bán nền và chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Có thể nói, việc thành lập các CCN đã thật sự trở thành nhu cầu tất yếu và mở ra nhiều cơ hội, là “đường băng” cho tỉnh nhà cất cánh vươn xa.

LƯ DŨNG

 

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ở khu dân cư di dời vào cụm công nghiệp

Để giúp các địa phương và các nhà đầu tư hiểu rõ hơn quan điểm chỉ đạo của tỉnh về phát triển các CCN, phóng viên Báo Bạc Liêu đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận

PV: Thưa ông, UBND tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp chiến lược nào cho phát triển các CCN ở các địa phương?

Ông Lê Tấn Cận: Phải khẳng định rằng, giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chính là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Trong đó, có phát triển các CCN ở các địa phương, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Để phát triển các CCN ở các địa phương theo đúng quy hoạch và đảm bảo tính bền vững, phát triển có định hướng gắn với quy hoạch tổng thể của tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương ổn định sản xuất, kinh doanh các cơ sở hiện có. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, phân tích chọn lựa những cơ sở đang hoạt động có hiệu quả, khuyến khích họ tiếp tục đầu tư mở rộng về quy mô lẫn thay đổi thiết bị, kỹ thuật và công nghệ. Qua đó, đề nghị tỉnh tham gia đầu tư vốn tín dụng ưu đãi và các giải pháp thiết thực. Cũng như hướng dẫn họ đầu tư vào các dự án quan trọng của tỉnh với nhiều hình thức, tùy theo khả năng có thể tham gia.

Song song với sắp xếp lại các doanh nghiệp, cơ sở hiện có, đối với các doanh nghiệp đầu tư mới thì cần ưu tiên, khuyến khích tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh như: công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản; công nghiệp sản xuất hàng dệt may, lắp ráp điện tử, nhất là ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến hàng nông - thủy sản xuất khẩu.

Đặc biệt, sẽ mở rộng, phát triển công nghiệp nông thôn và các dịch vụ gắn với du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn. Luôn coi công nghiệp nông thôn là một bộ phận quan trọng của quá trình CNH-HĐH, nhằm tạo việc làm tại chỗ, sơ chế nguyên liệu tại chỗ để cung cấp cho các cơ sở chế biến của tỉnh, giải quyết lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, nông nhàn và cả bài toán “ly nông bất ly hương”. Từ đó, nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị.

Một giải pháp quan trọng khác nữa là tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh liên kết liên doanh với các tổ chức, cá nhân lớn trong và ngoài nước, từng bước nâng dần năng lực sản xuất và vị thế của các cơ sở, ngành nghề nông thôn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tiến tới xuất khẩu mạnh.

Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm, kết hợp hài hoà giữa thu hút lao động với đổi mới công nghệ, hợp lý hóa tổ chức, nâng cao tay nghề giữa sản phẩm truyền thống với hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh sản phẩm và nâng cao thu nhập cho lao động. Tạo điều kiện để duy trì, xây dựng và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống có lợi thế về nguyên liệu…

Tóm lại, để phát triển các CCN ở các địa phương hiện nay, cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, phát triển công nghiệp nông thôn một cách bền vững trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh, sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Thứ hai, phát triển mạnh ngành nghề công nghiệp nông thôn hiện có, tập trung phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế so sánh kết hợp đầu tư mở rộng sản xuất với đổi mới công nghệ, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị sản phẩm.

Thứ ba, phát triển công nghiệp gắn chặt với phát triển thương mại, dịch vụ và nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho công nghiệp nông thôn; phát triển công nghiệp nông thôn gắn với quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nông dân và quá trình đô thị hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

PV: Vậy, Bạc Liêu sẽ làm gì để hoàn thành “3 trọng tâm” này, thưa ông?

Ông Lê Tấn Cận: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm này, UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành việc đầu tư xây dựng, quản lý các CCN, nhất là phát huy vai trò của Sở Công thương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp đối với các CCN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp ở khu vực dân cư di dời vào CCN. Đồng thời, xây dựng, phát triển khu tái định cư, mở rộng, phát triển ngành nghề nông thôn để ổn định cuộc sống cho nhân dân trong khu vực phải di dời; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng, quy hoạch chi tiết cho các CCN bằng nguồn ngân sách Trung ương, địa phương theo các cơ chế chính sách đã được phê duyệt.

Xây dựng cơ chế chính sách để huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng các CCN gắn với các chính sách ưu đãi trong thu hút các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó, các thủ tục hành chính sau đăng ký, chứng nhận đầu tư sẽ được hoàn thiện theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, tăng cường tính phục vụ, hỗ trợ và giảm phiền hà, rút ngắn được thời gian cho doanh nghiệp, bao gồm các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xây dựng và quản lý môi trường…

PV: Xin cám ơn ông!

KIM TRUNG (thực hiện)

 

Ông Trần Thanh Mến - Bí thư Huyện ủy Đông Hải: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư vào CCN

CCN của huyện Đông Hải nằm ở ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây) với quy mô 70ha đã được UBND tỉnh phê duyệt rất thuận lợi về giao thông thủy lẫn giao thông bộ.

Để thu hút đầu tư vào CCN này, huyện sẽ tập trung thực hiện hoàn thành quy hoạch chi tiết để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho CCN theo quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư vào CCN sản xuất, kinh doanh. Huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng tỉnh tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào CCN, nhất là các lĩnh vực giàu tiềm năng, thế mạnh như: công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu biển; sản xuất ngư - lưới cụ, các thiết bị phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá…

Đặc biệt, Đông Hải sẽ thực hiện tốt các giải pháp giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về cấp phép sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, huyện Đông Hải đề xuất UBND tỉnh có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào huyện theo quy định của pháp luật…

 

Trần Văn Diệu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long: Xây dựng các CCN là tin vui cho doanh nghiệp

Một trong những khó khăn, bất cập của các doanh nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu hiện nay chính là không có đất để mở rộng và xây dựng các nhà máy chế biến. Lâu nay, các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh chỉ ký đến tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm là hết công suất. Vì vậy, đến tháng 5 gần như các nhà máy đều không dám ký thêm các hợp đồng mới, do công suất đã đạt đến cực đại.

Xuất phát từ bất cập này, nguồn tôm nguyên liệu bị chảy ra các tỉnh ngoài gây lãng phí và thất thu. Đáng quan tâm hơn là không thúc đẩy được ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh phát triển và gây khó cho việc hoàn thành chỉ tiêu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Bạc Liêu muốn xây dựng tỉnh trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước thì không đơn giản là tăng sản lượng nuôi tôm, mà cái đích cần đạt chính là phát huy giá trị kinh tế mang lại từ con tôm. Muốn vậy, chỉ có phát triển mạnh chế biến hàng thủy sản xuất khẩu.

Việc các địa phương xây dựng các CCN thật sự là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu được ưu đãi đầu tư, công ty chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mặt hàng giá trị gia tăng từ con tôm với công suất 18.000 tấn/năm và tham gia giải quyết cho khoảng 3.000 lao động của địa phương.

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.