Tiêu điểm

Ứng phó với đại dịch COVID-19: Cần nhiều giải pháp hỗ trợ cho nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu

Thứ Hai, 13/09/2021 | 13:14

Sau khi nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu từ Chỉ thị 16 chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản bắt đầu có những khởi sắc. Tuy nhiên, với việc thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7/2021 của 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã đẩy ngành tôm vào cảnh vô cùng khó khăn. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là cần những giải pháp mang tính bền vững ngay trong điều kiện phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chủ động “sống chung” và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhập tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến tại TX. Giá Rai.

CHUỖI SẢN XUẤT BỊ GÃY

Nhìn lại hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành tôm trong hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương mới thấy hết những tổn thất nặng nề do dịch bệnh gây ra.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng, người nông dân gặp khó về đầu vào lẫn đầu ra, đặc biệt có thời điểm giá tôm giảm hơn 50% vẫn không có thương lái thu mua. Nhiều nông dân phải chấp nhận thu hoạch non và không dám thả nuôi tôm mới, bởi không biết bao giờ địa phương mình lại phải thực hiện giãn cách xã hội. Thực tế là ở vụ nuôi này, nhiều nông dân rất trúng tôm nhưng lại bị lỗ nặng vì cảnh bán tháo bán chạy. Trong khi đó, vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm như: con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường… lại liên tục tăng giá, có nhiều mặt hàng tăng thêm từ 40 - 50% do phát sinh chi phí trung chuyển qua nhiều khâu và phải thực hiện test nhanh COVID-19.

Về hoạt động chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu bị đẩy vào cảnh lao đao, muốn giúp nông dân thu mua tôm cũng không được, do không có nhân công thu hoạch và gặp khó trong vận chuyển. Còn khi có tôm nguyên liệu vào nhà máy cũng không thể chế biến hết sản lượng, do chỉ tập trung được 300 công nhân. Vì vậy, tôm thu vào phải đem cấp đông, xong lại rã ra và hàng chế biến ấy mất đi từ 10 - 20% giá trị do trở thành hàng tái chế. Song, cái lo nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu chính là bị phạt vì vi phạm hợp đồng với các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài đã được ký kết ngay từ đầu năm, nhưng đến nay lại bị đẩy vào cảnh không có nguyên liệu chế biến. Nếu tâm lý nông dân sợ và không dám thả nuôi tôm vụ mới thì khó khăn này sẽ càng thêm chồng chất, nhất là vào giai đoạn cuối năm cần nhiều nguyên liệu phục vụ cho chế biến để thanh toán các hợp đồng.

Hiện nay, trừ địa bàn TP. Bạc Liêu còn thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương khác đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15, nhưng qua thống kê của Sở NN&PTNT thì nông dân hiện nay đã chậm thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Và mặc dù các công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua thủy sản của người dân, nhưng nhìn chung tiêu thụ tôm thương phẩm vẫn còn gặp khó khăn. Vì khi muốn bán tôm phải báo cho cơ sở, thương lái thu mua trước 2 ngày để họ làm thủ tục xin phép chính quyền địa phương (đối với các phường 2, 5, 8, thuộc TP. Bạc Liêu đang thực hiện Chỉ thị 16). Do vậy, mặc dù giá thu mua tôm thẻ đã tăng từ 5 - 10%, nhưng vẫn còn giảm khoảng 5 - 10% so với đầu tháng 8/2021 và giảm 15 - 20% so với tháng 5/2021. Cùng với đó, các phường trên địa bàn TP. Bạc Liêu đang thực hiện Chỉ thị 16 nên khó thuê lao động đi thu hoạch tôm, cải tạo ao nuôi và người dân cũng không được ra đường vào ban đêm (19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau). Điều này đã gây khó cho việc thu hoạch tôm, hoặc khi con tôm bị bệnh hay gặp sự cố vào ban đêm cần phải thu hoạch ngay. Qua đó, hình thành nên tân lý lo lắng cho người nuôi tôm, vì sản xuất ra hàng hóa nhưng không tìm được đầu ra do không chủ động được về thu hoạch và cả thị trường. Tất cả những bất cập và khó khăn này sẽ tác động trực tiếp đến diện tích và sản lượng tôm nuôi của năm nay. Trong khi sản lượng tôm là một trong những giải pháp quan trọng để giúp Bạc Liêu hoàn thành mục tiêu giữ vững tăng trưởng kinh tế.

Qua khảo sát, Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trong các tháng cuối năm là không thể tránh khỏi.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tôm Việt (TP. Bạc Liêu).

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT VÙNG

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT: Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, Bạc Liêu kiến nghị Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn giảm lãi suất vốn vay và các gói tín dụng ưu đãi… cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng, nhằm bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm nông nghiệp sẽ thu mua, đồng thời có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và cho nông dân vay vốn để tái sản xuất.

Nông dân huyện Hồng Dân tập kết tôm nguyên liệu chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Kim Trung

Cùng với đó, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, xử lý nghiêm các đối tượng cơ hội, lợi dụng tình hình dịch bệnh để ghim hàng, tăng giá giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và ép giá thu mua nông sản của nông dân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chế biến nông sản như: hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân (kể cả đối tượng tham gia các hoạt động vận chuyển phục vụ sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản khi vào tỉnh) và xem xét giảm giá điện sản xuất cho nông dân.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đẩy mạnh liên kết vùng thông qua cung cấp đầu mối sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản. Rà soát, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp về nhu cầu nông sản thu mua, sản lượng thu mua... để phối hợp giữa các tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thống nhất phương thức kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vận chuyển lưu thông khi đáp ứng đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định chung. Đặc biệt, về lâu dài cần có chính sách đầu tư phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt và nâng cao giá trị nông sản, nhất là giúp bảo quản được lâu trong những thời điểm khó tiêu thụ mà không làm giảm chất lượng hay hư hỏng…

KIM TRUNG

Ông Hồ Văn Linh - Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình: Tập trung các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích nông dân thả nuôi tôm mới

Xác định thực hiện “mục tiêu kép”: vừa giữ vững tăng trưởng kinh tế, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch COVD-19 hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, với quyết tâm góp phần thúc đẩy, khôi phục lại sản xuất, nhất là con tôm vốn được xem là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vì vậy, UBND huyện Hòa Bình đã chủ động xây dựng phương án phát triển sản xuất nông nghiệp vào các tháng cuối năm để đảm bảo phát triển sản xuất được duy trì và hoàn thành kế hoạch năm 2021. Trong đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích nông dân thả nuôi tôm mới. Hiện diện tích thả giống theo mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh đến nay hơn 8.735/9.100ha, đạt 96% so với kế hoạch và diện tích thu hoạch là 5.131ha với tổng sản lượng 28.317 tấn.

Để hoàn thành mục tiêu diện tích thả giống đạt 100% và cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư phục vụ sản xuất như: con giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y... được lưu thông trên địa bàn khi đã tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế. Cho phép lưu thông đối với hàng hóa, lái xe, phương tiện vận tải giữa các vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao với các khu vực khác khi có giấy xác nhận của cơ quan y tế địa phương về đảm bảo an toàn dịch bệnh COVID-19.

Cùng với đó, chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh vật tư thủy sản (giống, thức ăn, thuốc) trên địa bàn, xác định nhu cầu vận chuyển để kịp thời hỗ trợ các cơ sở này vận chuyển vật tư cung cấp cho người dân..

Bên cạnh đó, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19, vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa sản xuất - kinh doanh theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tổ chức tốt việc phân luồng giao thông thông suốt, không để xảy ra ùn tắc tại các chốt kiểm soát. Đặc biệt là đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh trong những ngày giãn cách xã hội.

Ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS): Cần ưu tiên tiêm chủng 2 mũi vắc-xin cho công nhân sản xuất chế biến tôm

Con tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% toàn ngành Thủy sản và tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình. Trong đó, Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng tôm lớn và có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của ngành tôm.

Để nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp ổn định sản xuất và nắm bắt các cơ hội thị trường tiêu thụ mạnh vào những tháng cuối năm, đặc biệt khắc phục hậu quả do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong vận chuyển hàng hóa, cần ưu tiên tiêm chủng vắc-xin cho các tài xế vận tải, nhân viên giao hàng, các cá nhân thuộc nhóm người phải đi ra ngoài theo đặc thù ngành nghề như: thương lái, công nhân kéo tôm và công nhân của các cơ sở thu mua tôm... Cũng như cần bãi bỏ quy định về giờ giới nghiêm đối với một số ngành nghề đặc thù làm việc về đêm như: thu mua, vận chuyển tôm thịt, công nhân kéo tôm, người giao - nhận con giống...

Cùng với đó, kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các chốt tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải “luồng xanh” có mã QR Code theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ kiểm soát dịch bệnh trên con người, còn xe và hàng hóa thì thực hiện công tác khử khuẩn theo hướng dẫn chung để đảm bảo an toàn. Trong phạm vi cấp tỉnh cũng nên cấp “thẻ xanh” cho tài xế, xe giao hàng của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thiết yếu đang được phép hoạt động. Thẻ này được UBND cấp huyện hoặc Sở Giao thông - Vận tải cấp để lưu thông hàng hóa nội tỉnh. Để làm tốt công tác này thì quy định về điều kiện để được cấp “thẻ xanh” cũng cần được tập trung làm tốt như: tài xế đã được tiêm ngừa, kết quả xét nghiệm còn hiệu lực, vận chuyển hàng hóa thiết yếu...

Về khâu thu hoạch tôm, cần thành lập và đào tạo “tổ thu mua đặc biệt” tại địa phương. Theo đó, các tổ này sẽ tổ chức thu hoạch, thu mua cho các trường hợp ao tôm không tiêu thụ, vận chuyển được, hoặc trường hợp giá tôm rớt xuống đáy… để có thể vận chuyển trực tiếp lên nhà máy chế biến, giảm khâu trung gian, từ đó nâng được giá bán, lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Về người nuôi tôm, không nên “treo ao” mà nên tiếp tục thả nuôi ở mật độ thưa, nuôi về kích cỡ lớn để bán được giá cao, vì dự báo sức mua thị trường cuối năm sẽ tăng mạnh. Tận dụng mọi cách để giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm cho ăn, giảm sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh để bán được tôm sạch. Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nuôi tạo hợp đồng lâu dài, tránh tình trạng “vỡ kèo” khi giá ngoài thị trường cao hơn giá mua ký hợp đồng với công ty, đến lúc có dịch thì tìm đến các công ty hoặc bị thương lái ép giá.

Đối với chế biến xuất khẩu, cần ưu tiên khẩn trương tiêm vắc-xin đủ 2 mũi cho lực lượng cán bộ, công nhân làm việc trong các nhà máy chế biến, các công nhân của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, hướng dẫn áp dụng nguyên tắc “5K” phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện cho ổn định sản xuất…

K.T (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.