Tiêu điểm

Trăn trở ly hương

Thứ Hai, 20/06/2022 | 16:23

Thực tiễn đã chứng minh, trong xây dựng và phát triển tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) thì nông dân chính là chủ thể và giữ vai trò quyết định. Song, với thực trạng nông dân bỏ quê lên thành thị mưu sinh đã trở thành vấn đề tác động tiêu cực và trực tiếp đến phát triển bền vững lĩnh vực này.

Lao động nông thôn thu nhập bấp bênh vì chủ yếu dựa vào mùa vụ. Trong ảnh: Nông dân huyện Phước Long cấy lúa.

“CHẢY MÁU” LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bạc Liêu tiếp tục khẳng định cư dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn.

Vì vậy, phải không ngừng đổi mới hình thức hoạt động các tổ chức của nông dân đảm bảo thực chất, hiệu quả. Hỗ trợ đào tạo, trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường. Phát huy nội lực, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Phát triển kinh tế hợp tác làm động lực gắn kết kinh tế hộ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát triển cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn, góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên, môi trường, kết cấu hạ tầng. Xây dựng nếp sống mới, phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm”, tự chủ, sáng tạo của người dân nông thôn. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm và họ thật sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới…

Từ những mục tiêu và định hướng chiến lược này cho thấy, vai trò của người nông dân đặc biệt quan trọng, nhất là nguồn lao động trẻ ở vùng nông thôn vốn rất dồi dào, chiếm gần 90% lực lượng lao động toàn tỉnh.

Tuy nhiên, các mục tiêu và định hướng chiến lược trên sẽ khó khả thi và khả năng hoàn thành là không cao khi nạn “chảy máu” nguồn lao động vốn trở thành một trong những vấn đề xã hội đáng trăn trở hiện nay. Đó là thực trạng nông dân ly hương với phần nhiều tập trung ở các hộ nông dân ít và không có đất sản xuất. Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, chỉ tính riêng số lao động đi ngoài tỉnh làm thuê trở về tỉnh cũng có trên 26.000 người và chủ yếu là lao động nông thôn (LĐNT), trong đó, chiếm trên 90% là lao động trẻ với độ tuổi bình quân khoảng 34 tuổi.

Người dân nông thôn lên TP. Bạc Liêu kiếm việc làm ở các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng.

Vấn đề đặt ra, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới liệu có hoàn thành khi lực lượng lao động chính đã không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và dẫn đến hệ lụy là vào mùa vụ luôn xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn lao động mà bằng chứng là chiếm gần 70% khâu thu hoạch của nông dân Bạc Liêu phải dựa vào đội ngũ lao động làm thuê ngoài tỉnh?

Nông dân Thái Minh Hòa (huyện Đông Hải) đi làm thuê ở tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Chẳng có ai lại muốn phải xa nhà và bỏ vợ con để đi nơi khác kiếm sống. Ở nông thôn muốn sống được thì phải có nhiều đất sản xuất, còn không thì phải có nhiều nhà máy thu hút lao động địa phương, chứ cả chục miệng ăn mà trông đợi vào công vuông nuôi tôm quảng canh thì sao mà sống nổi”. Đây cũng trở thành khó khăn chung của người nông dân ít đất và nhiều hộ gia đình phải chấp nhận ly hương, vì ở quê nhà họ không tạo được sinh kế để nuôi sống cả gia đình.

ĐỪNG ĐÁNH MẤT CƠ HỘI “DÂN SỐ VÀNG”!

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, lượng lực lao động của Bạc Liêu rất dồi dào và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi của giai đoạn “dân số vàng”. Đến nay, Bạc Liêu có trên 525.000 lao động từ 15 tuổi trở lên, chiếm 57,5% so với tổng dân số của tỉnh. Với cơ cấu dân số này, nếu không tập trung khai thác, tận dụng và phát huy thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển khi dân số bị già hóa. Nông nghiệp và nông thôn Bạc Liêu sẽ đi về đâu khi lượng lực lao động trẻ này thay nhau đi làm giàu cho các tỉnh và trở về quê khi hết tuổi lao động?!

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, Bạc Liêu cần khẩn trương xây dựng một chiến lược cho giai đoạn “dân số vàng” và xem đây là một trong những lợi thế cạnh tranh trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển của các nhà đầu tư đến với Bạc Liêu, vì hiện nay một số doanh nghiệp, nhà đầu tư không kiếm đủ nguồn lao động do phần lớn LĐNT đã xa xứ mưu sinh.

Cùng với đó, cần tính lại bài toán đào tạo nghề cho LĐNT và cả tính hiệu quả của nó. Bởi thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng hiệu quả thật sự chưa cao. Chỉ tính riêng việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm cũng có hàng ngàn lao động được đào tạo nghề. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2015, số LĐNT được đào tạo nghề là trên 66.250 lao động và được hỗ trợ học nghề trên 35.840 lao động. Hay giai đoạn 2016 - 2020, số LĐNT được đào tạo nghề là 109.585 lao động và được hỗ trợ học nghề hơn 16.330 lao động. Đó là chưa tính đến trong thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm hàng năm Bạc Liêu cũng có trên 35.000 lao động được đào tạo nghề và tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước và các địa phương đã triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ khác để giải quyết việc làm như: Dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp…

Lao động nông thôn được giải quyết việc làm ở các công ty xây dựng ở huyện Hồng Dân.

Rõ ràng, Bạc Liêu đã tiêu tốn ngân sách không nhỏ cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhưng tại sao nông dân cứ mãi ly hương? Nghịch lý này cần được mổ xẻ, phân tích và làm rõ trách nhiệm, nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước và chủ động phòng ngừa căn bệnh thành tích, phong trào.

Tồn tại bất cập này bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là vai trò của Hội Nông dân các cấp và vai trò chủ thể của nông dân còn chưa được phát huy một cách hiệu quả. Việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân còn mang tính hình thức, phong trào, kém hiệu quả và chủ yếu dừng ở phạm vi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất chứ chưa giải quyết được bài toán việc làm; còn nông dân tham gia các lớp tập huấn này chủ yếu với mục đích được hỗ trợ, trao tặng cây, con giống chứ chưa thật sự quan tâm đến việc tạo ra sinh kế và việc làm bền vững.

Tất cả những bất cập và thách thức trên cần một cuộc cách mạng trong giải quyết bài toán việc làm, thu nhập cho người nông dân và giúp họ thoát khỏi nỗi ám ảnh ly hương - vốn trở thành nỗi trăn trở và day dứt của nông dân!

KIM TRUNG

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Phát triển kinh tế nông thôn để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững chính là tập trung phát triển kinh tế nông thôn để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ tăng cường đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn gắn với ban hành các chính sách thu hút đầu tư khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động, từng bước giảm tình trạng di cư lao động từ nông thôn ra thành thị với phương châm “ly nông bất ly hương”.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô, nhằm tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch cụ thể để hình thành một nền kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác. Khuyến khích, có chính sách hỗ trợ nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường như: nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản... nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho LĐNT.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Lê Thanh Giang: Xây dựng và hình thành thị trường lao động chính thức tại vùng nông thôn

Với nhiệm vụ được giao quản lý trên lĩnh vực lao động - việc làm, Sở LĐ-TB&XH sẽ tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “ly nông bất ly hương”.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất với cấp thẩm quyền ban hành các chính sách thu hút đầu tư, nhằm hình thành nên các khu sản xuất có quy mô lớn và giải quyết được nhiều LĐNT.

Cùng với đó là phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho từng giai đoạn của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của tỉnh. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực đào tạo phục vụ cho phát triển nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, thực hiện thường xuyên công tác thu thập thông tin thị trường lao động để nắm lực lượng lao động tại các địa phương, nhất là lao động chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không thường xuyên để có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn, kết nối việc làm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Từng bước xây dựng và hình thành thị trường lao động chính thức tại vùng nông thôn, giúp người lao động tham gia làm việc tại địa phương nơi mình sinh sống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải - Nguyễn Hồng Cẩm: Tạo sinh kế bền vững cho người nông dân

Huyện Đông Hải luôn xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT là mục tiêu hàng đầu trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì, tạo việc làm mới, giúp người lao động tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2021, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng huyện đã tập trung giải quyết việc làm cho 5.080 lao động, đạt 101% kế hoạch và 6 tháng đầu năm 2022 tạo việc làm mới cho 3.419 lao động, đạt 68% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho LĐNT của huyện vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đó là việc làm ở một số nơi vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, việc làm ở nông thôn mang tính chất thời vụ, sản xuất nông nghiệp luôn chịu tác động và chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật sinh học, điều kiện tự nhiên. Trình độ LĐNT phần lớn mang tính phổ thông, sản xuất phụ thuộc vào kinh nghiệm, có việc làm nhưng thu nhập không ổn định, một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề.

Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động chưa thật sự nhận thức sâu sắc trong công tác học nghề - giải quyết việc làm, tác phong làm việc, trình độ đáp ứng của người lao động còn hạn chế. Các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động với quy mô vừa và nhỏ nên chưa thu hút và đáp ứng nhu cầu việc làm tại chỗ của nhiều lao động.

Tất cả những khó khăn và bất cập trên sẽ được UBND huyện Đông Hải tập trung giải quyết với mục tiêu là không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống và tạo sinh kế bền vững cho người nông dân.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.