Tiêu điểm
Thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, toàn diện
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 132 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024. Trong đó, có nhiều vấn đề cần khai thông để khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX vượt qua thách thức, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và bao trùm.
Hợp tác xã Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình) liên kết sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân. Ảnh: T.A
ĐÓNG GÓP VÀO GDP CÒN THẤP
Thông báo nêu rõ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển KTTT, HTX, nổi bật là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng; Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Kết luận 70 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Quốc hội đã ban hành Luật HTX vào các năm 1996, 2003, 2012 và 2023. Luật HTX năm 2023 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có nhiều điểm mới về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản, phát huy các giá trị tốt đẹp của mô hình HTX; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; mở rộng loại hình tổ chức KTTT, hoàn thiện quy định về tổ chức đại diện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực KTTT; đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô hình HTX.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển KTTT, HTX. Cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển KTTT, HTX đã tương đối đầy đủ và cũng đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần KTTT, HTX đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế đất nước nói riêng.
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KHU VỰC KTTT, HTX
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua, KTTT, HTX đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ. Cụ thể, KTTT, HTX đã có sự thống nhất chung trong chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX, thể hiện qua các nghị quyết, kết luận, chiến lược, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành đồng bộ, thống nhất. Từ đó, nhận thức chung trong xã hội về phát triển KTTT, HTX đã được nâng lên.
Thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của các HTX và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, trong đó có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực, qua đó đã thúc đẩy huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khu vực KTTT, HTX phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, không gian, dư địa và mục tiêu, yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm…
Để khắc phục những hạn chế và yếu kém này, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển khu vực KTTT, HTX theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Đến năm 2030 cả nước có khoảng 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
Theo đó, để khu vực KTTT, HTX phát triển, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2023 đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật HTX năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024). Các bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng, phát triển HTX trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất - kinh doanh vì mục tiêu chung của các thành viên và của HTX. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nòng cốt HTX phải được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng quản lý, quản trị HTX. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khu vực KTTT, HTX vượt qua thách thức, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và bao trùm…
Tập trung củng cố nâng chất hoạt động hợp tác xã
Tính đến nay, Bạc Liêu có 226 HTX với trên 25.730 thành viên và tổng vốn điều lệ hơn 1.223.850 triệu đồng. Nhìn chung, hoạt động của khu vực KTTT, HTX luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT, HTX nên nhu cầu thành lập mới các HTX tiếp tục tăng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, hoạt động của các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực và tác động đến thu nhập hộ thành viên, tạo việc làm và tác động về an sinh xã hội. Các HTX cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu chung của thành viên, trong giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm cho thành viên, từ đó tăng thu nhập hộ thành viên tham gia HTX.
Năm 2024 này, Bạc Liêu phấn đấu thành lập mới 20 HTX với 400 thành viên. Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động 20 HTX.
Theo đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về bản chất và tầm quan trọng của phát triển KTTT, HTX. Qua đó, tạo nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và tạo điều kiện cho các HTX xây dựng mối liên kết giữa các HTX với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Trong đó: ưu tiên tạo điều kiện cho các HTX tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, tham quan học tập mô hình HTX làm ăn hiệu quả, tìm kiếm thị trường, nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho khu vực KTTT, HTX của tỉnh…
TÚ ANH
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam