Tiêu điểm
Tăng trưởng xanh - hướng đi cho tương lai
Đầu tháng 5/2024, cùng với việc công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn công bố Chỉ số PGI (Chỉ số tăng trưởng xanh cấp tỉnh) năm 2023. Năm thứ 2 công bố, chỉ số này đã thu hút sự quan tâm của các địa phương, nhất là trong điều kiện phải ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng chế phẩm vi sinh cho mô hình “lúa thơm, tôm sạch”.
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Chỉ số PGI được xem là một công cụ chính sách rất hữu ích, có tác động bổ trợ tích cực đến việc thực hiện Chỉ số PCI và thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện với môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng. Gồm 4 chỉ số thành phần với 46 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố, Chỉ số PGI sẽ góp phần hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố đánh giá, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị môi trường tại các địa phương.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số PGI 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (24,2 điểm). Đối với khu vực ĐBSCL, có 9 tỉnh nằm trong tốp 30 được công bố lần này. Riêng Bạc Liêu, Chỉ số PGI không công bố nhưng qua thông tin của VCCI thì tỉnh nằm trong tốp trung bình khá. Nếu vậy, Chỉ số PGI năm 2023 của tỉnh đã được cải thiện, vì năm 2022 chỉ số này của Bạc Liêu đạt khá thấp so với các tỉnh khu vực ĐBSCL và có những chỉ số thành phần xếp ở cuối bảng. Như chỉ số chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chỉ có 1,39 điểm và nằm ở cuối bảng xếp hạng của khu vực.
Nông dân huyện Phước Long trồng dưa theo hướng GAP.
Để có được sự cải thiện trên bảng xếp hạng, thời gian qua, Bạc Liêu đã tích cực triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2023 - 2030. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023 - 2030. Đến nay dự thảo Kế hoạch đang được ngành chuyên môn hoàn thiện và tỉnh sẽ ban hành triển khai thực hiện trong thời gian tới.
XANH HÓA SẢN XUẤT
Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023 - 2030 xác định “chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số… Đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Cũng như, tận dụng cơ hội để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp”.
Đối với một tỉnh có nền kinh tế giàu tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như Bạc Liêu, thì ngoài các dự án năng lượng tái tạo, Bạc Liêu cũng đã và đang thực hiện tăng trưởng xanh trên lĩnh vực thế mạnh là nông nghiệp. Từ khi có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết 09 năm 2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chủ trương phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH theo Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tỉnh Bạc Liêu đã xác định xây dựng nền nông nghiệp “thuận thiên”, chủ động. Một nền “nông nghiệp thông minh” ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng năng suất và bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng để hướng đến nông nghiệp xanh, thích ứng với BĐKH, sống chung với hạn, mặn dần được hình thành. Đây cũng là một trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng, xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ và thể hiện mục tiêu liên tục vì một nền kinh tế xanh. Trong đó, tập trung cho 2 đối tượng chủ lực là con tôm và cây lúa gắn với mục tiêu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành tôm công nghiệp của cả nước.
Giới thiệu mô hình tuần nước trong nuôi tôm công nghệ cao góp phần tránh ô nhiễm môi trường và tái sử dụng tốt tài nguyên nước. Ảnh: K.T
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự vào cuộc, tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, đồng lòng của doanh nghiệp và nông dân, đến nay, Bạc Liêu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp “thuận thiên” hướng đến nền nông nghiệp xanh, thích ứng với BĐKH. Như trong nuôi trồng thủy sản, nông dân đã sử dụng con giống chất lượng để tăng trưởng nhanh, sức đề kháng bệnh cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường. Đặc biệt, đã xây dựng thành công mô hình sản xuất “thuận thiên” tôm - lúa và không ngừng được nâng chất, mở rộng. Nếu như năm 2000, diện tích tôm - lúa có khoảng 12.856ha thì đến năm 2023 diện tích đã đạt 46.489ha (tăng gấp 3,62 lần). Đồng thời, nông dân cũng chuyển đổi đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và trồng màu kết hợp với nuôi trồng thủy sản; phát triển các mô hình luân canh cây trồng cạn trên đất trồng lúa (2 vụ lúa - 1 vụ màu, 1 vụ lúa - 2 vụ màu hoặc 1 lúa - 1 vụ màu)…
Trong bối cảnh BĐKH đang gây tác động đến tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng Chỉ số PGI đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, thiết nghĩ Bạc Liêu cần có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển đổi phương thức kinh doanh, sản xuất xanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo động lực để tạo ra giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Thu Dung - Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản: Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tăng trưởng xanh
Để thúc đẩy và xây dựng ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, thích ứng với BĐKH, Bạc Liêu cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” trên cơ sở sớm đưa Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu vào hoạt động để phát triển tôm bố mẹ, vật tư đầu vào để chủ động. Cũng như, mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch (tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến kết hợp), ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận theo yêu cầu thị trường (như: ASC, BAP, …), xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh để xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc và các thị trường khác để tăng tính cạnh tranh nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần tích cực bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển nhằm đa dạng sinh kế cho người làm nghề rừng; tái sử dụng phế phụ phẩm làm phân hữu cơ, tạo khí sinh học và khuyến khích sản xuất hữu cơ phù hợp với các sản phẩm chủ lực tại các vùng sinh thái, nhân rộng các mô hình sử dụng phân hữu cơ, và bón phân đạm với tỷ lệ hợp lý, tưới tiết kiệm, tưới thông minh…
Song song đó, đẩy mạnh khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn khác, kết hợp nuôi trồng thủy sản, luân canh cây trồng cạn trên đất trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp từng vùng sinh thái để đa dạng sinh kế, thích ứng với BĐKH. Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi, trồng theo hướng tập trung, cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và theo quy hoạch; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở nuôi phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị và tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng HTX, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tăng trưởng xanh…
TS.Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH-KT Bạc Liêu: Chung tay bảo vệ môi trường vì một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng xanh, cần tập trung nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về BĐKH và sản xuất nông nghiệp xanh. Đồng thời, cụ thể hóa các chương trình hành động về các hoạt động nông nghiệp xanh qua các hội chợ, hội thảo, buổi sinh hoạt hợp tác xã, các buổi tiếp xúc trực tiếp của các cấp quản lý chính quyền với người dân. Phổ biến về thực trạng BĐKH với hậu quả, diễn biến thiên tai, các hậu quả môi trường do các phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời truyền bá những nhận thức mới về công tác bảo vệ môi trường, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập qua các mô hình sản xuất theo phương pháp xanh trong tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, mở các lớp tập huấn miễn phí, khuyến khích các nhóm hộ dân tham gia để nâng cao nhận thức, kiến thức về các phương pháp sản xuất xanh. Cũng như, đẩy mạnh liên kết cộng đồng trong các sản xuất, liên kết giữa các hộ nông dân nhằm chia sẻ thông tin, nhân rộng các mô hình sản xuất xanh. Đặc biệt, tăng cường hỗ trợ các hộ dân tham gia các chương trình ưu đãi vay vốn, ưu đãi chính sách trong thực hiện mô hình tăng trưởng xanh.
Cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, có chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn đối với các ngành nghề liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp sản xuất theo hướng xanh. Ngoài ra, cần ưu tiên tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm và ra mắt các sản phẩm nông nghiệp xanh. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng về tăng trưởng xanh và khuyến khích đầu tư, ứng dụng và lan tỏa các mô hình sản xuất xanh. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường và xem đây là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay, đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách và chi tiêu ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường không nhiều. Sự phát triển của doanh nghiệp phải gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng, nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chung tay bảo vệ môi trường vì một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
KIM TRUNG
- UBND tỉnh: Cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý III/2024
- Sở NN&PTNT sơ kết các mặt công tác 9 tháng năm 2024
- Trị bệnh “sợ trách nhiệm” trong quản lý, thực thi công vụ
- Những “hạt nhân” bảo vệ Đảng
- UBND TP. Bạc Liêu: Đối thoại và vận động, tuyên truyền các hộ dân bị ảnh hưởng từ Dự án xây dựng đường dây trung thế