Tiêu điểm
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Cần nhiều chính sách đủ mạnh và hiệu quả
Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025, gắn với thực hiện Nghị quyết 54 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đặt mục tiêu khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và hóa giải các nguy cơ, thách thức kém phát triển. Đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Huyện Hồng Dân phát triển và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
TĂNG TRƯỞNG ĐỀU TRÊN LĨNH VỰC “TRỤ ĐỠ”
Là “trụ đỡ” của nền kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên và sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Đây là động lực chính để sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những kết quả khá toàn diện, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kết hợp tổ chức cơ cấu lại quy mô, đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp tiềm năng, lợi thế, đến nay, Bạc Liêu đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ, chế biến. Năng suất, sản lượng và giá trị, chất lượng sản phẩm cũng không ngừng được cải thiện và tăng cao qua từng mùa vụ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành (nông, lâm nghiệp và thủy sản) liên tục tăng trong 3 năm gần đây: năm 2022 tăng 5%, năm 2023 tăng 4,89% và từ đầu năm đến nay tăng gần 8%.
Trong đó, trồng trọt là lĩnh vực có tăng trưởng khá. Đến nay, diện tích canh tác lúa hơn 107.640ha, tốc độ tăng bình quân 2,9%/năm; sản lượng đạt 1.212.900 tấn, tốc độ tăng bình quân 1,53%/năm. Riêng tiểu vùng sản xuất lúa trên đất tôm - lúa có diện tích hơn 46.850ha, đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất lúa theo hướng ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm cạnh tranh về giá và cả chất lượng như: Ứng dụng Chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “tưới tiết kiệm nước”, xuống giống “né rầy”, chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa)... Thực hiện bước đầu mô hình sản xuất lúa theo Tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất lúa gạo bền vững - SRP (Sustainable Rice Platform), mô hình canh tác lúa cải tiến - SRI (System of Rice Intensification)...
Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thông qua tái cơ cấu sản xuất đã tạo nên những tiền đề vững chắc cho Bạc Liêu hướng đến mục tiêu xây dựng “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm của cả nước. Trong đó, việc phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và xác định nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được xem là điểm nhấn quan trọng.
Sử dụng máy bay nông nghiệp trên cánh đồng lúa chất lượng cao ở huyện Vĩnh Lợi.
TÁI CƠ CẤU CÒN CHẬM
Qua 4 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới, bên cạnh những thành tựu quan trọng, ngành Nông nghiệp nhận định vẫn còn đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, gió lốc và cả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, trong đó lĩnh vực nuôi trồng thủy sản luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch. Công tác quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, hiệu quả mang lại chưa cao. Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thấp, hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các công trình, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất…
Đáng quan tâm là quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm, phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất đổi mới chưa nhiều; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Trong khi đó, hoạt động khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ cao vào thực tế sản xuất chưa nhiều.
Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững, vẫn còn trường hợp phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Thị trường đầu ra của một số sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập, việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thị trường cho một số sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp như hiện nay, việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả cho sản xuất cũng như góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Muốn vậy, cần thiết phải có thêm các chủ trương, chính sách đủ mạnh và hiệu quả để phát triển toàn diện nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến sâu, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm thẻ chân trắng áp dụng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: K.T
Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu; trọng tâm là tôm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị; lúa gạo chất lượng cao gắn với phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản phù hợp lợi thế của từng vùng; phát triển kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, phát huy vai trò là trụ cột của nền kinh tế, góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025.
(Mục tiêu Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025)
Giám đốc Sở NN&PTNT - Lưu Hoàng Ly: Sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung và mang lại nhiều giá trị gia tăng
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung và mang lại nhiều giá trị gia tăng, nhất là các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng tập trung, theo “chuỗi giá trị ngành tôm”. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với vai trò là hạt nhân, có vai trò dẫn dắt đối với ngành tôm là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.
Song song đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; chủ động triển khai một bước các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.
Tích cực chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân, nhất là việc chuyển giao các giống cây trồng mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất trồng trọt có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và xu hướng BĐKH, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác cây trồng. Đặc biệt, thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025.
Tiếp tục nghiên cứu, làm chủ được quy trình công nghệ gia hóa, chọn giống và sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, thích nghi với các điều kiện môi trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu hoặc liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhân rộng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất tôm, lúa, rau màu và cây ăn trái. Đẩy mạnh việc hỗ trợ địa phương cấp và quản lý mã số cơ sở nuôi tôm, vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản, đáp ứng yêu cầu mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (khi địa phương có nhu cầu).
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường quảng bác xúc tiến đầu tư, hợp tác liên kết vùng với các tỉnh, thành trong cả nước. Tăng cường công tác quản lý môi trường để ngành Nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững…
Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Lê Văn Tần: Tập trung phát triển mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị ngành tôm”
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, huyện Phước Long đã tập trung phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ và không ngừng cải thiện về năng suất, chất lượng.
Phát huy thế mạnh này, huyện sẽ duy trì diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến đạt 21.677ha và phấn đấu sản lượng nuôi tôm sú đạt trên 14.000 tấn vào năm 2025. Trong đó, diện tích nuôi tôm sinh thái, sản xuất theo hướng hữu cơ trong mô hình sản xuất tôm - lúa duy trì đạt 15.000ha.
Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển mô hình xuất theo “chuỗi giá trị ngành tôm”, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Trong đó, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định và phát triển sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa. Riêng các hợp tác xã, tổ hợp tác phải đảm bảo tập hợp các hộ nuôi trở thành thành viên của hợp tác xã và thực hiện tốt quản lý sản xuất của hộ nuôi, thực hiện chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, phát triển ổn định các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, duy trì diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến, diện tích nuôi tôm sinh thái tôm - lúa kết hợp với thực hiện các biện pháp tăng năng suất, sản lượng và phát huy các lợi thế sản phẩm tôm sú sạch ở địa phương. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong quản lý NTTS theo Luật thủy sản, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất và ươm giống, mua bán vật tư NTTS và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Cũng như, thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về NTTS để xây dựng các chương trình, dự án có hiệu quả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia nuôi trồng và kinh doanh thủy sản …
KIM TRUNG
- Chủ động ứng phó triều cường và xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025
- Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Nam
- TP. Bạc Liêu: Khởi công xây dựng 18 căn nhà thuộc Chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”
- Vô tư chạy xe máy “đầu trần” trong trung tâm xã
- Cảnh giác với thủ đoạn cắt, ghép hình ảnh, video “nhạy cảm” để cưỡng đoạt tài sản