Tiêu điểm
Khẩn trương chống sạt lở
Tình trạng sạt lở, sụt lún liên tục xảy ra trên địa bàn tỉnh với tần suất ngày càng nhiều đã khiến người dân trong vùng nguy cơ luôn thấp thỏm bất an. Tỉnh cũng đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông. Hơn bao giờ hết, những giải pháp cấp bách để phòng ngừa tình trạng này cần được triển khai nhanh chóng ở thời điểm hiện nay!
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kiểm tra thực địa sạt lở đê biển Đông ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu).
Sạt lở, sụt lún xảy ra trên diện rộng
Trong vòng 10 năm qua, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng xảy ra các vụ sạt lở và sụt lún đất tại các khu vực ven bờ sông và đê biển Đông. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài gần 3,5km. Các đợt sạt lở đã làm thiệt hại 126 căn nhà, gần 300 căn nhà bị ảnh hưởng, ước tổng kinh phí thiệt hại hơn 23,5 tỷ đồng. Riêng năm 2023 đã xảy ra 8 vụ sạt lở, với chiều dài hơn 400m, làm thiệt hại 209 căn nhà và ảnh hưởng đến 99 căn nhà, ước tính thiệt hại hơn 11 tỷ đồng. Các điểm sạt lở nghiêm trọng có thể kể đến như: sạt lở bờ sông tại Công ty Thủy sản Trường Phúc (ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); sạt lở bờ sông Gành Hào xảy ra tại Công ty TNHH Dương Lộc Tiến (ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải); sạt lở bờ phía Bắc sông Cà Mau - Bạc Liêu thuộc địa bàn xã Tân Phong (TX. Giá Rai)...
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn TX. Giá Rai, huyện Hồng Dân, huyện Đông Hải và TP. Bạc Liêu cũng liên tiếp xảy ra các đợt lún đất, sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, tại bờ Bắc sông Bạc Liêu - Cà Mau thuộc địa bàn phường Hộ Phòng và xã Tân Phong (TX. Giá Rai), tại nơi sinh sống của 458 hộ dân đã xảy ra sạt lở nhà dân, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân sống tại khu vực này. Tại TP. Bạc Liêu, đoạn bờ sông đường Lê Thị Hồng Gấm thuộc địa bàn khóm 6 (Phường 5) cũng xảy ra sạt lở với chiều dài 870m, không chỉ gây sụt lún mà một số căn nhà còn xuất hiện nhiều vết nứt, vách tường xé, nền hạ bị nghiêng. Có tổng số 43 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 10 căn hư hỏng nặng.
Trong khi đó, tại xã Ninh Quới và xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) từ đầu năm 2024 đã xảy ra 20 vị trí sụt lún bờ kênh, làm hư hỏng nhiều đoạn đường lộ giao thông bê-tông, với tổng chiều dài hơn 1km. Các tuyến đường giao thông nông thôn ở ấp Vinh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) hay đường bê-tông từ nút giao với đường Hương lộ 6 vào đến chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) cũng bị sạt lở gây hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân...
.................................................................................................................................................................................................................................
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang về tình hình sạt lở tại 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau
(BL-CL) Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản Thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang trong chuyến khảo sát, kiểm tra đê điều, sạt lở tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo đó, tình trạng sạt lở tại một số khu vực có nguy cơ gây mất an toàn đê biển, nhà cửa, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Thay mặt Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ với những khó khăn, thách thức rất lớn mà các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đất. Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang chỉ đạo: các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (nhất là các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau) và các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được phân công tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, ngập úng theo đúng kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Thông báo 349/TB-VPCP ngày 24/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, trong đó lưu ý một số vấn đề: Phải tập trung làm tốt công tác dự báo, phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất để kịp thời cảnh báo cho người dân, không để bị động, bất ngờ, thiệt hại về tính mạng người dân do sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất.
Giải pháp và việc đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, căn cơ, đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tránh xảy ra tình trạng xây dựng công trình ở địa phương này ảnh hưởng đến địa phương khác (nhất là trên cùng một dòng sông), xây dựng công trình phục vụ mục đích này ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khác gây xung đột lợi ích, lãng phí nguồn lực đầu tư.
Nhu cầu vốn để xây dựng công trình phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển là rất lớn, các địa phương cần chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; chủ động cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (kể cả nguồn lực ngoài ngân sách) để từng bước triển khai thực hiện bảo đảm căn cơ, đồng bộ.
Chủ tịch UBND các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau chỉ đạo rà soát kỹ, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động bố trí dự phòng ngân sách của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung xử lý ngay các khu vực thật sự xung yếu, cấp bách nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, công trình đê điều và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác; trường hợp đã sử dụng ngân sách của địa phương nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, phòng, chống thiên tai và quy định pháp luật khác có liên quan…
Sạt lở ở cầu Chiên Túp 1, hướng tỉnh Sóc Trăng thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
Chủ động công tác dự báo sạt lở
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khiến cho tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra trong mùa mưa, bão mà cả trong mùa khô và không chỉ ven sông, ven biển mà còn xảy ra ở nhiều kênh rạch. Tình trạng sạt lở tại một số khu vực có nguy cơ gây mất an toàn, nguy cơ thiệt hại nhà cửa, hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Trước tình trạng ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở, sụt lún đất, tỉnh đã huy động các nguồn lực ứng phó khẩn cấp, khắc phục tạm thời để duy trì giao thông, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân và bảo vệ sản xuất. Qua thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600km và tỉnh đã xác định 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, với tổng nguồn kinh phí dự kiến là 28.000 tỷ đồng...
Tuy nhiên, ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa cân đối được nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông; chống ngập đê sông trên địa bàn tỉnh. Do đó, UBND tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện các dự án đầu tư đối với các khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 3.400 tỷ đồng cho Bạc Liêu để thực hiện 5 dự án cấp bách như kè sông, đê, tái định cư. Đây là 5 dự án tại khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng, chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài gần 80km... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và bảo vệ đời sống của người dân.
Do nhu cầu đầu tư rất lớn, tại buổi kiểm tra tình hình sạt lở ở Bạc Liêu và Cà Mau mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang đã đề nghị các địa phương trong khu vực phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún, nhấn mạnh dự báo càng tốt, càng chính xác càng có giá trị, không chỉ để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân mà còn tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, Bạc Liêu và Cà Mau là hai địa phương có tỷ lệ sạt lở bờ biển cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng các công trình chống sạt lở là cấp bách, đi kèm với giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở, sụt lún tại khu vực được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, chính công tác dự báo sẽ giúp cho công tác phòng, chống sạt lở đạt hiệu quả cao nhất và cũng giảm được những thiệt hại về tính mạng lẫn tài sản của người dân.
.................................................................................................................................................................................................................................
5 Dự án chống sạt lở xung yếu, cấp bách trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- Dự án Đoạn kè G6 (điểm đầu tại Rạch Cốc, điểm cuối tại ngã ba sông Gành Hào), huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài kè 3km, kinh phí dự kiến thực hiện 315 tỷ đồng. Dự án này cần bố trí tái định cư cho 45 hộ dân, ảnh hưởng đến 2 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản (có gần 1.500 lao động tại địa phương).
- Dự án xây dựng kè hai bên bờ kênh 30/4 (đoạn từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen) thuộc phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Chiều dài kè 5,2km, kinh phí dự kiến thực hiện 906 tỷ đồng. Khu vực dự án này có hơn 250 hộ dân cần bố trí tái định cư.
- Dự án xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng hướng về nhà thờ Tắc Sậy), TX. Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chiều dài kè 5km, kinh phí dự kiến thực hiện 700 tỷ đồng. Dự án này cần bố trí tái định cư cho 800 hộ dân.
- Dự án xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường cho 5 xã phía Tây của huyện Đông Hải (Hộ Phòng - Tắc Vân - Cái Su - Tắc Vân - Hộ Phòng). Chiều dài đê sông 66km, kinh phí dự kiến thực hiện 1.490 tỷ đồng.
- Dự án xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng, chống sạt lở, xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Chiều dài tuyến kè 474m, kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng.
.................................................................................................................................................................................................................................
Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng: Chủ động khắc phục sạt lở, không đợi báo cáo xin ý kiến
Sở NN&PTNT cần rà soát thật kỹ các điểm sạt lở, sụt lún và các điểm có nguy cơ, để dự toán kinh phí đề xuất với Trung ương hỗ trợ khắc phục. Những điểm nguy cơ, hôm nay không sạt lở thì năm tới, những năm sau nữa cũng có thể xảy ra, do đó, các địa phương khi xảy ra sạt lở, sụt lún phải chủ động khắc phục ngay tại chỗ, đừng đợi báo cáo xin ý kiến rồi mới làm. Nếu địa phương không còn khả năng thì kiến nghị đến tỉnh, rồi đến Trung ương.
Các ngành, địa phương cũng cần lưu ý tình trạng lộ giao thông bị sụt lún, bờ sông sạt lở làm cho người dân đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống, phải ưu tiên lo cho dân. UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương sớm xem xét bố trí chỗ ở tại các khu tái định cư để di dời dân từ các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Đối với các công trình, dự án cấp bách chống sạt lở, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan cần xem xét cụ thể, để kịp thời kiến nghị Trung ương hỗ trợ xử lý...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Hoàng Hiệp: Sạt lở ở Bạc Liêu và Cà Mau ngày càng nghiêm trọng
Hiện nay, tình hình sạt lở ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu và Cà Mau nói riêng không giảm đi mà ngày càng tăng lên, nghiêm trọng hơn. Bộ NN&PTNT đang làm đề án phòng, chống sạt lở, sụt lún, xâm nhập mặn, lấy ý kiến các địa phương trước khi ban hành. Trong đó, có đưa ra các giải pháp cả về công trình và phi công trình, vốn, cơ chế chính sách...
Quan điểm của Bộ NN&PTNT là giải quyết dứt điểm sạt lở bờ biển Tây, gồm Kiên Giang và Cà Mau. Hiện bờ biển Đông cũng sạt lở nghiêm trọng ở Bạc Liêu và Cà Mau. Việc làm kè để phòng, chống sạt lở ở bờ biển Đông kinh phí khá lớn, hiện Bộ đang nghiên cứu đưa ra những giải pháp kỹ thuật vào công trình để giảm nguồn lực đầu tư...
Minh Đạt
- Phiên tòa giả định tuyên truyền chống khai thác IUU
- 100 thí sinh tranh tài tại Chung kết Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”
- Trao quà Trung thu cho trẻ em lớp học tình thương
- Dâng hương tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhân kỷ niệm 105 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang
- Biểu dương gần 120 tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc