Tiêu điểm
Giải pháp thu hút vốn đầu tư FDI: Không thể chậm trễ
Trong điều kiện kinh tế và doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn về đồng vốn đầu tư, thì việc huy động, phát huy nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò rất quan trọng. Song, với một tỉnh nằm xa các trung tâm kinh tế lớn như Bạc Liêu thì việc thu hút vốn FDI luôn gặp nhiều khó khăn.
Các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bạc Liêu.
KHÓ THU HÚT “VỐN NGOẠI”
Tọa đàm “Thực trạng đầu tư và giải pháp thu hút vốn phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra ở TP. Cần Thơ mới đây đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi dòng vốn ngân sách Trung ương đầu tư vào khu vực ĐBSCL tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông. Thế nhưng, trái ngược với tín hiệu tích cực của dòng vốn ngân sách, thu hút FDI vào ĐBSCL lại “đi xuống”. Nếu năm 2021, vốn FDI vào ĐBSCL là 26.144 tỷ đồng, thì 2 năm tiếp theo lần lượt đạt 19.808 và 17.079 tỷ đồng.
Trong khi vốn ngân sách và vốn FDI “đi ngược chiều nhau”, thì dòng vốn khu vực kinh tế tư nhân đầu tư cho ĐBSCL không có “đột biến nào xảy ra”, tức giữ ổn định quanh mức trên dưới 150.000 tỷ đồng trong 3 năm gần đây, dẫn đến kết quả, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho khu vực này cũng “không thay đổi” trong một thời gian dài và chưa tạo nên những động lực quan trọng cho phát triển. Điều này cũng phản ánh đúng thực tế bức tranh phát triển của ĐBSCL so với những vùng khác trong cả nước. Đặc biệt là đối với Bạc Liêu - một tỉnh nằm xa các trung tâm kinh tế lớn và có môi trường đầu tư kinh doanh không thuận lợi.
NHỮNG BẤT LỢI TỪ BÊN TRONG
So với các địa phương khác, Bạc Liêu có vị trí địa lý cách trở, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh còn chưa đồng bộ, nhu cầu về đầu tư phát triển còn rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách lại hạn chế, nên công tác thu hút đầu tư thời gian qua còn gặp khó khăn, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, nỗ lực cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và thông thoáng. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và có những buổi làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có hướng khắc phục, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Với mục tiêu phát triển KT-XH theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chú trọng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, uy tín sẵn sàng đầu tư vào tỉnh.
Theo thống kê, từ khi thành lập tỉnh đến nay cả tỉnh đã thu hút được 18 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 4,7 triệu USD. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu vẫn là nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản, điện gió, điện khí, hầu hết các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp. Một số doanh nghiệp FDI của tỉnh hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều vào sự phát triển KT-XH của tỉnh như: Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV Pinetree; Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu 2; Công ty TNHH MTV thực phẩm đông lạnh Việt I-Mei…
Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, một doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả. Ảnh: M.Đ
Đặc biệt là tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Đây được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước, sau khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều khó khăn. Việc thu hút các dự án FDI chưa đạt được như kỳ vọng, một số dự án FDI lớn của tỉnh triển khai chưa đảm bảo tiến độ đăng ký. Quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, sức cạnh tranh yếu, các điều kiện về KT-XH của tỉnh như: Hạ tầng kỹ thuật, vị trí địa lý, nguồn lực đầu tư, đào tạo nghề, lực lượng lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… có nhiều khó khăn để xây dựng một môi trường đầu tư có lợi thế so với cả nước cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện chưa nhiều và liên tục tụt hạng so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, ảnh hưởng nhiều đến công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư FDI. Các hoạt động xúc tiến đầu tư triển khai hiệu quả mang lại chưa cao, danh mục dự án xúc tiến đầu tư chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác thu hút, quản lý đầu tư còn những hạn chế nhất định; trong đó có hạn chề về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn khi xúc tiến, mời gọi đầu tư nước ngoài. Kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư còn hạn chế nên chưa tổ chức hoặc tham gia các chương trình, đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các quốc gia, đối tác lớn, có tiềm năng đầu tư.
Cùng với đó, các thủ tục liên quan đến việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương đối với các dự án đầu tư tại khu vực biên giới ven biển là rất cần thiết, tuy nhiên mất rất nhiều thời gian của nhà đầu tư, dẫn đến mất cơ hội đầu tư. Cũng như, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan đôi khi chưa chặt chẽ. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI … cũng khiến cho rào cản thu hút vốn FDI càng lớn với tỉnh.
Những khó khăn trong thu hút vốn FDI, dù xuất phát từ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì cũng cần sớm khắc phục một cách hiệu quả. Bởi đó cũng là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hội nhập như hiện nay.
Phát triển nguồn nhân lực cần có chiến lược đón đầu để thu hút vốn ngoại. Ảnh: L.D
Theo báo cáo của VCCI chi nhánh ĐBSCL, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của ĐBSCL trong 10 năm qua (2014 - 2023) chỉ đạt mức khoảng 11% so với cả nước, chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, riêng năm 2023, vốn đầu tư cho ĐBSCL đạt 251.310 tỷ đồng, bao gồm 80.791 tỷ đồng từ ngân sách; 17.079 tỷ đồng vốn FDI và 153.440 tỷ đồng từ khu vực tư nhân.
Có hai yếu kém dẫn đến thực trạng của ĐBSCL hiện nay. Thứ nhất là dòng vốn FDI vào vùng giảm, từ 11% so với cả nước trong những năm trước đây xuống còn hơn 7% như hiện nay. Thứ hai là hạn chế về doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả giảm đăng ký mới lẫn vốn đầu tư. Chẳng hạn, với nguồn vốn từ khu vực tư nhân, 5 năm trở lại đây, 13 địa phương vùng ĐBSCL với 18 triệu dân nhưng hàng năm có thêm chưa đến 1.500 doanh nghiệp để “bổ sung nguồn lực vào xã hội”. Năm 2023 vừa qua, ĐBSCL có 15.043 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có 14.852 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tức năm ngoái chỉ có thêm 191 doanh nghiệp tham gia vào thị trường”. Trong khi, ĐBSCL chỉ được bổ sung 191 doanh nghiệp thì Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng lần lượt “được bổ sung” 25.769 và 18.437 doanh nghiệp tham gia, tức cao hơn ĐBSCL lần lượt trên 134 và 96,5 lần. Hay nói cách khác nguồn lực khu vực tư nhân “bổ sung vào xã hội” của Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng trong năm 2023 cao gấp 134 và 96,5 lần của ĐBSCL. Đây là vấn đề cần được các tỉnh khu vực ĐBSCL quan tâm trong việc thu hút và phát huy vốn ngoại đầu tư cho tăng trưởng.
(Theo VCCI Cần Thơ)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Chí Nguyện: Ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh trong thời gian tới, Bạc Liêu đã xác định rõ các định hướng và triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm, nhằm từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng đã đề ra.
Về định hướng chung của tỉnh Bạc Liêu là chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương. Tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có tiềm lực về tài chính. Đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh.
Đặc biệt, tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực các trụ cột như: nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; du lịch; thương mại dịch vụ - giáo dục - y tế chất lượng cao và phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu đa dạng hóa đối tác, các phương thức và hình thức đầu tư, nhất là ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài có liên kết với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với xúc tiến đầu tư, nhằm khuyến khích các nguồn vốn trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, Bạc Liêu xây dựng và kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, nơi các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể “sống tốt”, “sống khỏe” là ưu tiên hàng đầu góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh. Bởi thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần “luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp”, và nhất quán phương châm “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm”; trong đó, đặc biệt phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý và đạo đức công vụ của các cấp, các ngành, xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là “khách hàng” để phục vụ…
Với quyết tâm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút vốn FDI, Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 21/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đồng thời, triển khai các kế hoạch của tỉnh đã ban hành thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị về hội nhập quốc tế nhằm kịp thời thông tin về các ưu đãi của các Hiệp định Thương mại tự do. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại để củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách, nguồn nhân lực có bản lĩnh, có tri thức, kỹ năng hội nhập, nắm vững nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập trong giai đoạn mới. Nắm chắc thông tin, tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh; tận dụng các cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại một cách hiệu quả. Tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề, dự án theo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư. Chủ động triển khai thực hiện các hoạt động kết nối sự kiện đối ngoại, nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Bộ Ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch của tỉnh…
SONG TRUNG
- Chiến lược hạ tầng số: Xây dựng một quốc gia số hiện đại và phát triển bền vững
- Khởi tạo chữ ký số VNPT trên ứng dụng VNeID
- Sở NN&PTNT kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa lớn và triều cường gây ra
- Bạc Liêu hoàn tất bầu cử trưởng khóm/ấp nhiệm kỳ 5 năm
- Huyện Hòa Bình: Long trọng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” liên khu dân cư