Tiêu điểm

Đẩy mạnh phát triển giao thông: Tăng khả năng kết nối trong liên kết vùng

Thứ Hai, 19/09/2022 | 15:07

Một trong những bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia và các vùng, miền cho thấy, muốn phát triển thì giao thông phải đi trước một bước. Kinh nghiệm này cũng được ông cha ta đúc kết ở câu “đại lộ, đại phú”. Khẳng định điều này để thấy rằng, Bạc Liêu đang đứng trước nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức, nhất là nguy cơ bị trở thành “ốc đảo” khi các dự án giao thông trọng điểm của quốc gia đều nằm ngoài các trung tâm kinh tế của Bạc Liêu.

Tuyến đường bộ Quản Lộ - Phụng Hiệp đi qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

KHẢ NĂNG KẾT NỐI THẤP

Bạc Liêu là tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Cà Mau, phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông với bờ biển dài 56km. Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng với những cánh đồng rộng, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên rất thuận lợi cho phát triển giao thông thủy lẫn giao thông bộ.

Về đường bộ, qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 133km gồm: Quốc lộ 1A (63km), Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp (52km), Quốc lộ Nam sông Hậu (12,3km) và tuyến đường Hồ Chí Minh (5,6km, đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) xem xét đầu tư xây dựng).

Từ thực trạng giao thông đường bộ trên địa bàn Bạc Liêu cho thấy, khả năng kết nối của tỉnh với các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không nhiều. Song, điều đáng quan tâm là trong tương lai gần Bạc Liêu sẽ trở thành “ốc đảo” khi trung tâm kinh tế của tỉnh là TP. Bạc Liêu nằm phía trong các dự án giao thông trọng điểm; còn các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, TX. Giá Rai chỉ tận dụng được duy nhất con đường độc đạo là tuyến Quốc lộ 1A. Đồng thời, các tua tuyến du lịch, hàng hóa và trao đổi dịch vụ, thương mại của các tỉnh ngoài gần như không chạy vào tuyến Quốc lộ thuộc khu vực nội ô TP. Bạc Liêu mà chủ yếu là tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp về tỉnh Cà Mau, hoặc ngược lại sang tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ…

Đáng lo hơn, Bạc Liêu tuy có nằm trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng chỉ đi qua địa bàn xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) chỉ với 7,7km và địa phương này không phải là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nên không tranh thủ, phát huy được lợi thế từ tuyến cao tốc mang lại.

Trong khi đó, Nghị quyết 78 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại; xây dựng các thành phố: Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Đồng thời, phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP. Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang, trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt; trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển, trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu…

Từ những định hướng chiến lược trên cho thấy Bạc Liêu phải khẩn trương và có ngay các giải pháp trong phát triển giao thông để tăng khả năng kết nối trong liên kết vùng và các trung tâm kinh tế lớn, nhằm tránh nguy cơ tụt hậu, kém phát triển và bị cô lập.

Vận chuyển lúa gạo bằng đường thủy trên tuyến kênh Cà Mau - Bạc Liêu.

CẦN KHAI THÁC GIAO THÔNG THỦY

Nếu như về giao thông đường bộ, Bạc Liêu hạn chế về khả năng kết nối thì trên thực tế giao thông thủy có thể xem là lợi thế của Bạc Liêu. Bởi từ xưa giao thông thủy của tỉnh rất phát triển - vốn được xem là “con đường tơ lụa” của vận chuyển gạo, muối và than. Hiện nay, lợi thế này cũng đang được phát huy, nhất là trong vận chuyển lúa gạo và vật liệu xây dựng chiếm trên 90% là giao thông thủy.

Hệ thống giao thông thủy của tỉnh hiện nay gồm 23 tuyến kênh với tổng chiều dài 623km, liên kết nhau bằng các tuyến sông, kênh trục dọc - ngang, đảm bảo ghe tàu trên dưới 500 tấn có thể đi lại thuận tiện. Riêng tuyến kênh Gành Hào - Hộ Phòng thì có thể cho tàu thuyền 1.000 tấn đi lại. Các trục đường thủy quốc gia quan trọng trên địa bàn tỉnh như: tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào - Hộ Phòng và các tuyến kênh trục ngang xương cá của địa phương như: Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí, Cầu Sập - Ngan Dừa… góp phần quan trọng cho Bạc Liêu lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội tỉnh, đến các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, về đường biển có 4 kênh cấp III và sông Gành Hào cấp II thông ra biển với chiều dài bờ biển 56km. Có 1 cảng biển (nhóm V) là cảng tổng hợp với quy mô cho tàu 5.000 tấn cặp bến, được quy hoạch tại Gành Hào (Cảng biển Gành Hào). Hiện nay Bạc Liêu đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng cảng này để sớm đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu trung chuyển hàng hóa của tỉnh và các tỉnh lân cận.

Từ lợi thế của giao thông thủy cho thấy, ngành quản lý và các địa phương cần có kế hoạch phát triển giao thương về đường thủy, nhất là tranh thủ hoạt động của siêu cảng Trần Đề (Sóc Trăng), nhằm giúp hàng hóa xuất khẩu của Bạc Liêu đi nhanh hơn mà không tốn chi phí, thời gian vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh như lâu nay.

Thực tiễn cho thấy, đối với khu vực ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng, với hệ thống sông ngòi chằng chịt rất thuận lợi cho phát triển giao thông thủy. Phát triển giao thông thủy hay phát triển kinh tế sông sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong giai đoạn hiện nay, ngoài lợi ích tải trọng nhiều, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hướng đến tăng trưởng xanh, sự phát triển của giao thông thủy còn góp phần hóa giải bài toán về ùn tắc và tai nạn giao thông đường bộ.

Vận chuyển vật liệu xây dựng trên tuyến đường thủy Quản Lộ - Phụng Hiệp (đoạn qua huyện Phước Long). Ảnh: K.T

.................................................................................................................................................................................................................................

Thực hiện Quyết định 1829/QĐ-BGTVT của Bộ GT-VT phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, hệ thống cảng thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được quy hoạch bao gồm:

* Cụm cảng khách Sóc Trăng - Bạc Liêu: Nằm trên sông Cổ Cò, kênh Phú Hữu Bãi Xàu, kênh Vàm Lẽo, Bạc Liêu - Cà Mau. Quy hoạch đến năm 2030 có diện tích 7,5ha, tiếp nhận cỡ tàu 100 ghế với công suất 1.500 hành khách/năm.

* Cụm cảng hàng hóa Bạc Liêu: Nằm trên kênh Vàm Lẽo, Bạc Liêu - Cà Mau, Hộ Phòng - Gành Hào có diện tích 21ha, tiếp nhận cỡ tàu 1.000 tấn với công suất 3.000 tấn/năm. Bao gồm 2 khu cảng sau: 

- Cảng Hộ Phòng (gồm Cảng Tân Tân Phát): Trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau tại TX. Giá Rai, quy hoạch đến năm 2030 có công suất là 800.000 tấn/năm.

- Cảng Bạc Liêu: Nằm trên kênh Bạc Liêu - Cà Mau tại Phường 5, TP. Bạc Liêu. Đây là cảng kết hợp với chợ nông sản, quy hoạch đến năm 2030 có công suất 500.000 tấn/năm.

………………………………………………………………………………………………………………

Ông Nguyễn Huy Dũng - Giám đốc Sở GT-VT: Kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm nâng cấp các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa đến Cảng Trần Đề

Có thể nói, phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tuy được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch phát triển GT-VT tỉnh Bạc Liêu tầm nhìn đến năm 2025 chưa xét đến tình hình biến đổi khí hậu như: hạn hán, sạt lở, lún sụt, nước biển dâng… nên một số công trình đường bộ đưa vào khai thác bị ngập nước khi mưa lớn, triều cường và xuống cấp nhanh gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.

Công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông luôn được lãnh đạo các cấp và Nhân dân rất quan tâm, nhưng do khó khăn về ngân sách và chưa thu hút được nhà đầu tư tham gia (do hiệu quả đầu tư không cao) nên có nhiều công trình quan trọng của tỉnh theo quy hoạch và được nêu trong nghị quyết chưa triển khai đầu tư. Một số dự án phải phân kỳ đầu tư qua nhiều giai đoạn, quy mô đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa về tải trọng và các tuyến trục ngang chưa kết nối được các tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1A, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam sông Hậu) nên chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư và chưa thúc đẩy kết nối các địa phương và liên kết vùng.

Việc vận chuyển hàng hóa lớn hiện nay chủ yếu là vận tải thủy nội địa, nhưng các tuyến sông, kênh trên địa bàn tỉnh bị bồi lắng nhanh, chưa bố trí kinh phí kịp thời để nạo vét luồng theo quy định.

Bên cạnh đó, các tuyến kênh trục ngang nối kênh Bạc Liêu - Cà Mau với kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp có đặc điểm chung là bị chặn bởi các cống ngăn mặn nên làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khi vận chuyển hàng hóa từ vùng phía Nam Quốc lộ 1A đến vùng phía Bắc Quốc lộ 1A và ngược lại.

Một số tuyến vận tải thủy chính của tỉnh có cầu lớn bắc ngang qua các tuyến kênh chưa đảm bảo yêu cầu thông thuyền theo quy định như: cầu Kim Sơn, cầu Phước Long, các cầu treo dân sinh…  và hiện nay do yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp phải đầu tư thêm cống, âu thuyền nên cũng làm ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa…

Để tăng khả năng kết nối với các tuyến cao tốc sắp được đầu tư của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới, tránh nguy cơ bị cô lập trở thành “ốc đảo”, Sở GT-VT sẽ tích cực phối hợp với các chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các dự án giao thông do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh để cùng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện  như: công tác giải phóng mặt bằng, khai thác đất, tìm bãi đổ thải… để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Cùng với đó là phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư các dự án giao thông theo quy hoạch giao thông - vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đang được tích hợp vào quy hoạch tỉnh (như tuyến đường tỉnh ĐT.978, ĐT.979, ĐT.980, ĐT.981…) để kết nối với các tuyến cao tốc, quốc lộ, rút ngắn khoảng cách, thời gian lưu thông, đảm bảo cho việc  kết nối các địa phương và liên kết vùng.

Song song đó, tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như: Quốc lộ 1A, Nam sông Hậu đạt chuẩn theo quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến Cảng Trần Đề trong tương lai và tăng năng lực vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, rút ngắn được thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ này. Sớm đầu tư tuyến đường ven biển đoạn qua tỉnh Bạc Liêu, tuyến cao tốc Hà Tiên - Bạc Liêu, nhất là đoạn từ nút giao IC6 (thuộc tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) đến đê biển để đưa vào khai thác trước năm 2030 (theo Nghị quyết 13-NQ/TW) - đây là các tuyến đường bộ giúp Bạc Liêu kết nối thuận lợi với các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có tuyến hành lang vận tải thủy ven biển phục vụ nhu cầu vận tải thủy của các tỉnh, thành phố ven biển. Sở GT-VT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp chiến lược để kết nối giao thông của tỉnh với siêu cảng Trần Đề trong tương lai như sau:

Về đường thủy, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư nạo vét các tuyến vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh (kênh 30/4, kênh Xóm Lung - Cái Cùng, kênh Hộ Phòng - Gành Hào...) để kết nối với tuyến hành lang vận tải thủy ven biển. Đồng thời, tích cực mời gọi đầu tư Cảng biển Gành Hào, các bến thủy nội địa và kho hàng theo quy hoạch dọc theo kênh Bạc Liêu - Cà Mau để thu gom, tiếp nhận hàng hóa, trung chuyển theo tuyến hành lang vận tải thủy ven biển đến Cảng Trần Đề và ngược lại. Về đường bộ, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1A, Nam sông Hậu), đường ven biển qua địa bàn tỉnh đạt chuẩn theo quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến Cảng Trần Đề. Đồng thời đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch kết nối với tuyến Quốc lộ 1A, Nam sông Hậu, đường ven biển để tăng năng lực vận tải trên các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, rút ngắn được thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa trên các tuyến quốc lộ đến Cảng Trần Đề và ngược lại.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.