Tiêu điểm

Chương trình OCOP: Góp phần phát triển sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ Tư, 24/11/2021 | 16:12

Huyện Phước Long đầu tư hạ tầng nông thôn cho các làng nghề ở ấp Mỹ 1 (xã Vĩnh Phú Đông).

Thực tiễn cho thấy, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản xuất và phát triển các làng nghề truyền thống của từng địa phương. Từ đó, nâng cao giá trị nông sản, tăng nguồn thu nhập cho người dân nông thôn.

QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT

Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị khi nông sản được công nhận sản phẩm OCOP.

Khô cá kèo - sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Lợi.

Đông Hải là huyện ven biển, tiềm năng lợi thế của địa phương này là nguồn thủy hải sản và hậu cần nghề cá. Cho nên, huyện đã hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể có tiềm lực, khả năng mở rộng mô hình sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để tham gia chương trình. Từ khi thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đông Hải đã lựa chọn các sản phẩm truyền thống để làm trọng tâm phát triển, tạo động lực, hình mẫu cho các chủ thể tham gia. Đến nay, Đông Hải đã có 14 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm muối, 11 sản phẩm tôm khô, cá khô… Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện quy hoạch vùng nuôi tôm và tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh để nâng cấp Cảng cá Gành Hào, nhằm đảm bảo tàu thuyền vào cảng cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất các sản phẩm OCOP.

Nổi tiếng với nghề đan đát, huyện Phước Long đã tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển các làng nghề đan đát truyền thống ở xã Vĩnh Phú Đông. Đối với các làng nghề dệt chiếu, rèn dao, nghề mộc… ở huyện Hồng Dân thì địa phương cũng đang củng cố, phát triển các sản phẩm để tiến tới đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP cho các làng nghề truyền thống.

Có thể nói, Chương trình OCOP đã góp phần nâng tầm sản phẩm địa phương, đưa người dân tiếp cận với những tư duy mới trong tổ chức sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Công ty Muối Bạc Liêu - đơn vị có sản phẩm OCOP đạt 4 sao, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Để phát triển sản phẩm nông sản và khôi phục các làng nghề truyền thống, hướng đến xây dựng các sản phẩm nông sản và sản phẩm làng nghề trở thành sản phẩm OCOP, tỉnh đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch… Nhờ đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề được bê-tông hóa, nhựa hóa, hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

Qua triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả như: tổ chức các hội chợ, triển lãm; vận động, khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia triển lãm tại các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ phát triển các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP..., góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh trên thị trường.

Một số sản phẩm đan đát đang chuẩn bị đăng ký đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: M.Đ

Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm cho nhiều người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là tạo điều kiện để lao động có việc làm trong thời gian nông nhàn. Điển hình như Công ty Muối Bạc Liêu (huyện Vĩnh Lợi), Công ty Thanh Phu (huyện Hòa Bình) có các sản phẩm OCOP đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Hay các cơ sở sản xuất cá khô ở huyện Đông Hải, hầu hết các sản phẩm OCOP phải trải qua nhiều công đoạn, nên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ lúc nhàn rỗi.

OCOP là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: “Thực chất, OCOP là một chương trình trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”.

MINH ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.