Tiêu điểm
Chủ động phòng, chống cháy rừng Khu bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu
Để chủ động phòng, chống cháy rừng (PCCR) mùa khô, Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng phòng hộ ven biển tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người dân sống xung quanh rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng về công tác PCCR, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo được ý thức PCCR rất cao trong cộng đồng dân cư.
Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu dự báo mức độ cháy rừng cấp IV - cấp nguy hiểm.
NÂNG MỨC CẢNH BÁO VÀ CHỦ ĐỘNG PCCR
Những ngày qua, nắng nóng kéo dài khiến cho Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn). BQL rừng đặc dụng phòng hộ ven biển Bạc Liêu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động các phương án PCCR. Theo đó, đơn vị đã thành lập tổ dự báo cháy rừng, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đo cấp dự báo cháy rừng và lập các tổ trực chỉ huy, tổ trực cơ động, tổ thông tin, tổ tuần tra… Riêng tổ trực tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) bố trí 6 - 7 người trực/ngày. Thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt, ngặn chặn các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, săn bắt động vật rừng trái phép; trực phòng chống cháy rừng luân phiên 24/24 giờ; trực trên chòi canh lửa vào thời điểm nắng nóng từ 9 - 17 giờ hằng ngày. Cùng với đó, trang bị 4 máy chữa cháy chuyên dụng, 4 xe đẩy vận chuyển máy chữa cháy, biển báo hiệu, khơi thông kênh ngăn lửa dài gần 4.500m. Các phương tiện, dụng cụ chữa cháy luôn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Xung quanh vấn đề này, ông Trần Bình Lộc - Giám đốc BQL Vườn chim Bạc Liêu, cho biết đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện công tác PCCR theo đúng phương án được phê duyệt. Đặt 4 máy PCCC ở các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao; vận hành, khởi động, bảo dưỡng máy chữa cháy, các trụ cứu hỏa 1 tuần/lần. Tiến hành lấy nước theo triều cường dự trữ vào các kênh mương nhằm tăng độ ẩm cho rừng và dự trữ nước phục vụ chữa cháy rừng khi cần thiết. Dọn tuyến, mở các đường vào giữa rừng phục vụ PCCC rừng, phương thức dọn thủ công, thu gom, phát dọn vật liệu khô xung quanh bờ bao, chiều dài trên 4.600m. Đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống, không để xảy ra cháy trong khu vực rừng đặc dụng Vườn chim Bạc Liêu…
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy hướng dẫn các lực lượng sử dụng thiết bị chữa cháy tại Vườn chim. Ảnh: M.Đ
NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỂ ỨNG PHÓ
Để chủ động PCCR trong mùa khô, BQL rừng đặc dụng phòng hộ ven biển tỉnh tổ chức thực tập phương án PCCC năm 2024 tại Vườn chim Bạc Liêu. Theo đó, tăng cường năng lực lãnh đạo, điều hành, bảo đảm chủ động và hiệu quả trong việc chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện khi có cháy rừng xảy ra.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến các hộ dân vùng đệm để tạo ý thức sâu rộng trong việc PCCR. Gắn bảng nội quy đối với khách du lịch khi vào tham quan rừng (gắn trên xe điện), đặt bổ sung 20 bảng cấm lửa ở đường lộ ngoài bờ bao và trong rừng. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, đo dự báo cấp cháy rừng báo về Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm và ra thông báo dự báo cấp cháy rừng.
Kiểm tra công tác PCCC rừng tại Vườn chim Bạc Liêu, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị: Ban Quản lý Vườn chim Bạc Liêu cần chủ động các phương án phù hợp để hạn chế thấp nhất cháy có thể xảy ra. Khi xảy ra cháy rừng, cần huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến khu bảo tồn. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về công tác PCCC, tổ chức phát thực bì, ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn gây cháy rừng. Đặc biệt là quan tâm hơn đến vấn đề chủ động các nguồn lực PCCC để hạn chế tối đa thiệt hại khi có cháy xảy ra…
MINH ĐẠT
Các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Biện pháp phòng cháy rừng
Điều 10 Nghị định 09/2006/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng cháy rừng bao gồm:
Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng trong toàn xã hội. Xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng. Quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở trong rừng và ven rừng. Áp dụng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy hoặc làm giảm độ khô nỏ của vật liệu cháy trong rừng. Áp dụng các biện pháp phòng chống cháy lan. Tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng. Xây dựng các công trình và trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng. Các biện pháp phòng cháy khác theo quy định của pháp luật.
Các biện pháp chữa cháy rừng
Các biện pháp chữa cháy rừng được quy định tại Điều 19 Nghị định 09/2006/NĐ-CP, cụ thể: Trong công tác chữa cháy rừng, trước hết phải được thực hiện và giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Huy động tối đa lực lượng, phương tiện và thiết bị, dụng cụ để chữa cháy. Đối với rừng có thể đưa phương tiện cơ giới vào chữa cháy thì phải huy động tối đa phương tiện cơ giới để chữa cháy. Đối với rừng mà phương tiện cơ giới chữa cháy không thể tiếp cận được thì phải huy động tối đa lực lượng và các phương tiện khác để chữa cháy. Tạo đường băng cản lửa, khoanh vùng cô lập đám cháy. Áp dụng “biện pháp đốt trước có kiểm soát” để chữa cháy khi có đủ điều kiện cho phép. Đào kênh, mương, rãnh để chống cháy ngầm và chữa cháy. Các biện pháp chữa cháy khác.
M.C
- Chủ động tiêu úng, bảo vệ mùa vụ
- Tăng cường phòng, chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên - thanh niên
- Giải pháp nào cho người hút thuốc thụ động?
- Đấu tranh phản bác những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy với phương tiện giao thông điện sử dụng pin Li-ion