Tiêu điểm
Các địa phương triển khai quyết liệt giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn
Một số vùng nuôi tôm trong tỉnh đang xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân liên kết sản xuất để cùng nhau ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám (bìa phải) cùng lãnh đạo tỉnh và TX. Giá Rai tham quan mô hình nuôi quảng canh tôm - cua - cá kết hợp trồng cây năn tượng tại Tổ hợp tác nuôi tôm Thành Công 1 (TX. Giá Rai). Ảnh: M.Đ
Năm 2016, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh gần 128.000ha; trong đó chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến - kết hợp với hơn 100.000ha. Do tác động của hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài nên nhiệt độ tăng, độ mặn cũng tăng cao… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm nuôi.
TX. Giá Rai có 20.300ha tôm nuôi, chủ yếu là nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến - kết hợp. Tập trung ở các xã Phong Thạnh, Phong Tân, Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, Tân Thạnh… Theo Phòng NN&PTNT thị xã, các địa phương trên đều xảy ra tình trạng thiếu nước nuôi tôm.
Huyện Hồng Dân cũng đang trong tình trạng tương tự. Đến nay, bà con huyện Hồng Dân đã thả tôm nuôi hơn 20.200/22.500ha. Song, do hạn hán, mặn xâm nhập nên ngành chức năng phải điều tiết nước ngọt phục vụ lúa. Do vậy, dự báo có khoảng 3.200ha tôm nuôi sẽ thiếu nước, tập trung ở các xã Ninh Quới A (350ha), Ninh Hòa (1.000ha), Lộc Ninh (950ha), Vĩnh Lộc (900ha)…
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và triều biển Tây cao hơn cùng kỳ nhiều năm nên xu hướng mặn xâm nhập theo sông Cái Lớn vào rạch Xẻo Chích và hệ thống đê khu vực TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) có thể xảy ra. Từ đó mặn sẽ xâm nhập sâu vào vùng sản xuất lúa của Bạc Liêu, Sóc Trăng. Theo đó, nếu cấp nước mặn cho vùng nuôi trồng thủy sản Bắc Quốc lộ 1A qua cống Giá Rai, Hộ Phòng thì mặn sẽ vượt qua Ngã Năm. Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ triều biển Đông, biển Tây để có biện pháp điều tiết nước hợp lý qua các cống Giá Rai, Hộ Phòng để cấp nước mặn cho nuôi tôm. Đồng thời theo dõi quan trắc thường xuyên để đóng - mở cống điều tiết nước mặn qua các cống Láng Trâm, Nhàn Dân, Khúc Tréo…
Song song đó, các địa phương cần triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng. Vận động nhân dân gia cố bờ bao, cống đập, nạo vét kênh mương nội đồng để trữ nước. Khuyến cáo nông dân chủ động bơm trữ nước vào ao nuôi khi mực nước trên kênh cao…
Mới đây, đoàn công tác Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra tình hình nuôi tôm ở TX. Giá Rai. Đoàn đã tham quan mô hình Tổ hợp tác (THT) Thành Công 1 (xã Phong Thạnh A) nuôi quảng canh tôm - cua - cá kết hợp trồng cây năn tượng cho hiệu quả cao. Theo ông Lê Hoàng Quân, Tổ phó THT Thành Công 1: “THT Thành Công 1 thành lập năm 2015, có 48 thành viên, tổng diện tích sản xuất 85ha. Năng suất tôm nuôi theo mô hình này đạt từ 400 - 500kg/ha/năm, cua đạt từ 200 - 300kg/năm. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Tất cả sản phẩm của THT được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám đánh giá cao hiệu quả từ mô hình THT của nông dân xã Phong Thạnh A và đề nghị Bạc Liêu cần nhân rộng mô hình đối với toàn bộ diện tích nuôi tôm quảng canh. Mô hình này đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi trên cùng diện tích và tăng thu nhập cho nông dân. Đây là mô hình liên kết “4 nhà” mà Bộ NN&PTNT luôn khuyến khích.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, trong thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn, việc doanh nghiệp hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cũng là một giải pháp làm giảm bớt rủi ro cho nông dân. Với hơn 100.000ha nuôi tôm quảng canh, đây là tiềm năng rất lớn của Bạc Liêu. Do đó, tỉnh cần quan tâm khai thác có hiệu quả tiềm năng này. Cần có các giải pháp nâng cao năng suất của mô hình nuôi tôm quảng canh từ dưới 400kg/ha/năm như hiện nay lên 500 - 1.000kg/ha/năm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp trồng các loại cây có khả năng chịu mặn có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân…
Minh Đạt